Níu giữ hồn thiêng - Kỳ 2: Ba mươi năm 'đánh vật' với sử thi

13/08/2015 05:41 GMT+7

Ông Mấu Quốc Tiến (56 tuổi), người Raglai ở tỉnh Khánh Hòa, đã cất công hơn 30 năm để thu âm và văn bản hóa những sử thi mà ông thu thập được trong các bản làng.

Ông Mấu Quốc Tiến (56 tuổi), người Raglai ở tỉnh Khánh Hòa, đã cất công hơn 30 năm để thu âm và văn bản hóa những sử thi mà ông thu thập được trong các bản làng.

Nghệ nhân Mấu Quốc Tiến với những tác phẩm sử thi Raglai được in thành sách - Ảnh: Nguyễn Chung
Nghệ nhân Mấu Quốc Tiến với những tác phẩm sử thi Raglai được in thành sách - Ảnh: Nguyễn Chung
Sống chết cùng sử thi
Ông Tiến hiện phụ trách phòng truyền thống của Trung tâm văn hóa thể thao H.Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Thời gian qua, ông rong ruổi từng bản làng để thu âm những lời hát akhàt jucar (sử thi) Raglai của những cụ già ở Khánh Sơn, nhằm lưu giữ báu vật cha ông đang có nguy cơ lụi tàn.
Từ những băng cassette do ông sưu tầm, sau đó phối hợp các nhà nghiên cứu văn hóa Raglai, nhiều tác phẩm sử thi Raglai đã được xuất bản (song ngữ Việt - Raglai) như: Udai-Ujàc, Amã Chisa - Amã Cuvau Vongcơi và Awơi Nãi Tilơr. “Hiện nay Khánh Hòa chỉ còn 3 nghệ nhân akhàt jucar. Họ mà ra đi sớm, khi mình chưa ghi lại được, coi như các cụ mang luôn xuống mồ. Vì vậy, không thể chậm trễ được”, ông Tiến trăn trở.
Để thu âm sử thi, ông Tiến nhiều lần băng rừng, vượt núi, tìm đến những người cuối cùng hát được akhàt jucar. Không ít lần đi cả ngày đường rồi lại không gặp được “báu vật sống”, vì hằng ngày bà con phải lên rẫy trỉa bắp, trồng mì. Rồi có khi, muốn một cụ bà hát akhàt jucar, ông phải đánh đổi chiếc áo khoác của mình. Có cụ ốm, ông lại phải băng rừng tìm thuốc, mong sao cụ chóng khỏi mà hát tiếp.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Vũ nhớ lại: “Có lần ông Tiến cất công vượt cả chục cây số để thu băng akhàt jucar nhưng gặp trời mưa lớn, khi về mở băng không nghe lại được. Ông vẫn không nản mà đi thu lại cho bằng được”. Còn ông Tiến tâm sự: “Thu băng đã vất vả, việc gỡ băng và biên dịch lời hát cũng không đơn giản. Có những đoạn người hát sử dụng nhiều từ cổ nên tua đi tua lại nhiều lần mà vẫn chưa hiểu. Có khi cả tuần mới tìm được ý nghĩa lời hát thông qua các biện pháp so sánh, ẩn dụ. Bộ Awơi Nãi Tilơr, hơn 3 tháng ròng rã tôi mới hoàn thành phiên âm và dịch thô”.
Giờ đây, gánh nặng tuổi tác đã phả vào gáy, nhưng ông Tiến vẫn lang thang vào buôn làng để lượm lặt những gì còn sót lại của văn hóa Raglai ở Khánh Sơn, với tâm nguyện giữ gìn càng nhiều càng tốt. Đôi vai gầy guộc của ông đã thật sự gánh vác sứ mệnh bảo vệ văn hóa dân tộc mình. Những tinh túy của văn hóa Raglai được ông tiếp tục ghi lại trong những tác phẩm về truyện cổ Raglai, luật tục Raglai, tín ngưỡng người Raglai ở Khánh Hòa…
Chủ tịch UBND H.Khánh Sơn Trần Mạnh Dũng cho biết ông Tiến mang trong mình tình yêu nguồn cội, niềm tự hào lớn về văn hóa truyền thống dân tộc. Còn nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Vũ lại ví ông Tiến như một kho tàng văn hóa Raglai và thừa nhận nếu không có ông Tiến thì ông không thể hiểu được sâu xa văn hóa của dân tộc Raglai.
Áo vỏ cây hơn 40 năm tuổi
Ông Tiến đưa tôi đi quanh phòng truyền thống, giới thiệu: “Người Raglai có hàng chục loại nhạc cụ. Đây sáo talekung, khèn saraken, katèh; bên này đàn chapi, kanhi; còn đây là mã la, đàn đá…”. Tôi hỏi: “Anh chơi được tất cả chứ?”. Ông đáp: “Mình biết chơi và hiểu ý nghĩa từng loại, nhưng không phải loại nào cũng giỏi, cũng hay. Xưa kia, những loại nhạc cụ này không thể thiếu trong đời sống văn hóa đồng bào Raglai. Còn nay, ít người quan tâm. Buồn lắm”. Dứt lời, ông cầm mã la, rồi chapi, phiêu theo những làn điệu của dân tộc mình, dáng dấp như một nghệ sĩ đại ngàn.
Ông Tiến cho biết, trong phòng truyền thống này, có hơn 140 hiện vật về đời sống văn hóa người Raglai ở Khánh Sơn, trong đó gồm hàng chục hiện vật do ông sưu tầm đưa về trưng bày, chủ yếu là các nhạc cụ, trang phục cổ... Ông Tiến cẩn trọng lấy chiếc áo trông khá rách rưới từ trong tủ kính ra, rồi nói: “Cái này quý lắm. Áo làm từ vỏ cây rừng của ông Cao Tranh, ở xã Thành Sơn đấy. Ông Tranh từng mặc nó trong kháng chiến chống Mỹ, sau này giữ lại làm kỷ niệm. Tính ra áo vỏ cây của ông Tranh hơn 40 tuổi đấy”.
Để đưa được chiếc áo này về phòng truyền thống, ông Tiến phải nhiều lần lui tới nhà ông Tranh thuyết phục, rồi tự bỏ tiền túi “bồi dưỡng” cho ông Tranh vui. “Nhiều người không biết xưa kia người Raglai sử dụng vỏ cây rừng làm áo, làm gùi, tấm chăn đắp. Ngày xưa, cha mẹ mình cũng mặc những trang phục đó, nhưng tiếc là không giữ lại được. Chiếc áo đó gợi cho người Raglai nhớ về những ký ức xa xưa", ông Tiến nói.
Ông Tiến kể rằng thời ông lấy vợ là “cưới đẹp”. “Xưa kia, người Raglai có tục cưới đẹp. Cưới đẹp là trai gái yêu nhau, đến ngày cưới còn trong trắng. Những cặp cưới đẹp được người trong làng quý trọng. Còn “ăn cơm trước kẻng” thì gọi là cưới phạt, bị coi thường”, ông nói. “Nhưng làm sao biết đám cưới đó “đẹp” hay không?”, tôi băn khoăn. Ông đáp ngay: “Người Raglai tin rằng làm việc xấu thì không qua được mắt thiên hạ, thánh thần. Trước sau cũng bị lộ thôi. Nói dối thì lương tâm cắn rứt, sợ “tên xuyên, nứa bay”. Nhưng đó là ngày xưa, còn bây giờ, giới trẻ khó giữ lắm”.
Ông Tiến cho biết ông gắn bó với ngành văn hóa huyện đã gần 20 năm qua. Là người Raglai, ông tự hào nhưng không khỏi trăn trở khi chứng kiến nhiều nét văn hóa của dân tộc mình đang mai một, khi mà giờ đây hiếm người hát thuộc sử thi, chẳng còn mấy ai làm và chơi chapi, khó tìm được “đám cưới đẹp”... Ông ngậm ngùi: “Tôi đau đớn lắm, thấy bị tổn thương. Nhưng càng tổn thương tôi càng muốn níu giữ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.