Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 6 : Bi kịch của nền dân chủ lấy số đông thống trị số ít

04/11/2014 10:20 GMT+7

(TNO) Alexis de Tocqueville (1805 - 1859) là một nhà chính trị học vĩ đại và kỳ lạ. Ông là người Pháp, làm việc ở Pháp nhưng hiểu về nước Mỹ hơn là người Mỹ. Cuốn Nền dân trị Mỹ (De la démocratie en Amérique) nổi tiếng khắp thế giới của ông được người Mỹ coi là một cuốn sách gối đầu giường, bên cạnh bản Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ. Ông ca ngợi nền dân trị Mỹ nhưng không ca ngợi một chiều, ông chỉ ra những khiếm khuyết của nền dân chủ và cảnh báo một loạt những nguy cơ trong tương lai. Hơn 170 năm kể từ khi cuốn sách ra đời, những gì mà Tocqueville dự liệu đến nay vẫn mang tính thời sự.

 
Một người biểu tình Mỹ đặt đồng USD lên miệng hồi tháng 10.2013, kêu gọi chính phủ Mỹ hoạt động trở lại, sau khi chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa vì lưỡng viện không thống nhất được trần nợ công và duyệt kinh phí cho hoạt động của chính phủ - Ảnh: AFP

>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 3: Khi tự do bị chối bỏ
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 4: Thành công không được ca tụng
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 5: Nhà nước vú em


Alexis de Tocqueville (1805 -1859)

 
Người ta thường kêu gọi tự do dân chủ, đấu tranh cho tự do dân chủ, nhưng số đông các “nhà dân chủ” thời thượng ở nước ta lại không phân biệt nổi tự do và dân chủ là hai thứ khác nhau, là hai thứ không thể gộp với nhau thành một. Dân chủ chỉ là một phương tiện đi tới tự do nhưng là một phương tiện không đầy đủ. Một xã hội dân chủ lấy số đông thống trị số ít không phải là xã hội tự do mà là một xã hội chuyên chế.

Tocqueville từng mô tả ở các quốc gia dân chủ biến thành chuyên chế, ở đó dân chúng là “những con người giống hệt nhau”, bên trên họ là quyền lực bao la, tuyệt đối và mềm mỏng. Ông gọi quyền lực này giống như quyền lực của một người cha hoạt động vì hạnh phúc của những đứa con, nhưng “nó muốn chỉ có nó tạo ra hạnh phúc và quyết định thế nào là hạnh phúc”.

Ông viết : “Nó bao trùm bề mặt xã hội bằng một hệ thống những quy tắc nhỏ nhặt rắc rối, tỉ mỉ chi tiết và đồng loạt, qua đó ngay cả những đầu óc độc đáo nhất và những tâm hồn mạnh mẽ nhất cũng chẳng thể nào ngoi lên nổi để có thể đi xa hơn toàn bộ đám đông. Nó không bóp nát mọi ý chí con người, nhưng nó làm cho ý chí con người mềm nhũn đi, bắt mọi ý chí phải cúi đầu và điều khiển chúng. Hiếm khi nó bắt buộc con người phải hành động, nhưng nó luôn luôn chống lại khi con người hành động. Nó không thủ tiêu cái gì cả, nó chỉ ngăn chặn sinh sôi. Nó không dùng lối bạo hành với ai hết, nó chỉ gây phiền hà, nó đè nén, nó chọc tức, nó làm tắt ngấm, nó khiến cho con người chỉ còn biết há hốc mồm kinh ngạc…”(*).

 
Số đông các “nhà dân chủ” thời thượng ở nước ta lại không phân biệt nổi tự do và dân chủ là hai thứ khác nhau, là hai thứ không thể gộp với nhau thành một. Dân chủ chỉ là một phương tiện đi tới tự do nhưng là một phương tiện không đầy đủ. Một xã hội dân chủ lấy số đông thống trị số ít không phải là xã hội tự do mà là một xã hội chuyên chế.

Tuy cảnh báo nguy cơ của nền dân chủ lấy số đông thống trị số ít, nhưng Tocqueville không khước từ nền dân chủ, mà theo ông, phải làm cho tự do “thoát thân ra từ trong lòng xã hội dân chủ”, bằng nền tảng của Hiến pháp, bằng sự độc lập của tòa án, bằng các thiết chế tự nguyện của xã hội dân sự, bằng sự phổ cập của các giá trị truyền thống …

Thứ quyền lực mà Tocqueville mô tả ở trên chính là nhà nước phúc lợi ngày nay, một thứ nhà nước vú em tồn tại dựa trên nợ nần.

Ở Mỹ và phương Tây, “cuộc cách mạng” Reagan-Thatcher tuy đẩy Nhà nước lùi xa ra khỏi thị trường nhưng không ngăn được sự phình to ra của nhà nước, những nỗ lực chỉ có thể làm chậm lại mà thôi. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan chủ trương thực hiện một nhà nước bé, nhưng trong 2 nhiệm kỳ của ông nợ liên bang không những không giảm mà còn gia tăng, chủ yếu là do cắt giảm thuế trong khi chi tiêu liên bang thì khó mà cắt giảm.

Hệ thống các dây nhợ đan xen chồng chéo trong thành một mớ bòng bong trong các thiết chế kinh tế xã hội để lại từ thời F.R. Roosevelt cho đến ngày nay vẫn chưa tháo gỡ hết. Vào đầu những năm 1960, tổng thống Kennedy thử giao cho James Landis, một trong những “kiến trúc sư” hoạch định các chính sách New Deal làm trợ lý đặc biệt về cải cách thủ tục hành chính để giải quyết hậu quả.

Trong một bản báo cáo gửi tổng thống, Landis đã lấy Ủy ban Năng lượng liên bang làm ví dụ điển hình : “Phải mất đến 13 năm để giải quyết các vụ việc về giá khí đốt thiên nhiên đang tồn đọng. Và số lượng các vụ việc đưa vào hồ sơ cũng trong 13 năm đó sẽ không thể nào giải quyết hết được cho đến năm 2043”. Việc xóa bỏ những quy định của ngành hàng không vào cuối những năm 1980 khiến cho hành khách chỉ mất chưa tới 26% số tiền mà họ lẽ ra phải trả nếu những quy định đó không bị xóa bỏ. Người dân cũng được những lợi ích tương tự khi xóa bỏ độc quyền và các quy định trong ngành điện lực, viễn thông …

 
Đài Tưởng niệm cố Tống thống Lincoln tại thủ đô Washington bị đóng cửa hôm 2.10.2013 sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố ngừng hoạt động vì cuộc 'khủng hoảng' nợ công - Ảnh: AFP

Nhưng khi vai trò của Nhà nước ở Mỹ trong lĩnh vực kinh tế giảm thiểu thì trong các lĩnh vực xã hội tình hình đã và đang diễn ra ngược lại. Nhà nước có vô số những lý do để mở rộng tầm với. Các chương trình chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, các quy định về an toàn và những luật lệ liên quan đến lao động và bảo vệ con người … là cần thiết nhưng trách nhiệm của Nhà nước tới đâu là điều gây rất nhiều tranh cãi. Cuối cùng, Nhà nước vẫn giành lấy sứ mệnh của mình với những chi phí vô cùng tốn kém mà phần lớn sự tốn kém đó không những không cần thiết mà còn xâm phạm sâu vào những lĩnh vực riêng tư của người dân. Các ưu tiên thường là kết quả từ sự tác động qua lại không dự đoán được giữa báo chí, công chúng, các nhóm lợi ích đặc biệt, các chính trị gia và cái mà người ta gọi là “thứ khoa học giả tạo” chứ không phải được sắp xếp theo thứ tự rủi ro và khẩn cấp. Một quan chức Mỹ đã phải thốt lên : “Chúng ta đã thay thế nỗi sợ hãi thị trường bằng sự sợ hãi những gì bay lên từ ống khói” (**).

 

Dù sao thì với một nền kinh tế mạnh nhất thế giới những di sản tự do không dễ gì bị phế bỏ, nước Mỹ có khả năng tự điều chỉnh để thoát khỏi những cuộc khủng hoảng, nhưng khả năng này không có ở nhiều Nhà nước phúc lợi khác.

Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu hiện nay, bắt đầu từ Hy Lạp, là một bằng chứng sinh động của những quả bong bóng nhà nước phúc lợi đến hồi phải xì hơi.

Preyer, thẩm phán tối cao pháp viện Mỹ, trong một cuốn sách của mình, đã trích dẫn một vụ kiện điển hình khi ông còn là thẩm phán tòa án liên bang, vụ kiện đó cho thấy phải bỏ ra 9,3 triệu đô la để bảo vệ những đứa trẻ khỏi phải hít phải bụi bẩn không hề tồn tại (tại một bãi chất thải đã được dọn sạch). Người ta cũng ước tính việc cấm trẻ em mặc quần áo ngủ dễ bắt lửa khiến cho chi phí để cứu một người là gần 1 triệu đô la và một quy định nhằm hạn chế những công việc phải tiếp xúc với hóa chất formaldehyde cho thấy việc cứu sống một người phải mất tới 93 triệu đô la…

Sự thâm nhập quá sâu, quá chi tiết của luật lệ vào đời sống riêng tư nhân danh bảo vệ người dân lại khiến cho cả xã hội không ai còn tin vào ai nữa mà bằng chứng là sự bùng nổ tình trạng kiện cáo. Nước Mỹ hiện nay là quốc gia của kiện cáo, các thiết chế xã hội của Mỹ cũng khuyến khích người dân kiện cáo. Một bà lão 82 tuổi bị bỏng sau khi chính mình làm đổ cốc cà phê nóng vào người mình, đã phát đơn kiện hãng McDonald. Tòa phán rằng Hãng McDonald đã cố tình cẩu thả khi bán cà phê quá nóng, đã phạt hãng này phải bồi thường cho bà lão tới 2,9 triệu đô la (dù phán quyết sau đó có giảm xuống).

Đó là chưa kể các chính sách an sinh xã hội đồ sộ (chiếm tới hơn 37% ngân sách liên bang) thực chất là việc phân phối lại thu nhập, lấy của người giàu không phải để tài trợ cho những người bất hạnh nhất mà để chia cho tầng lớp trung lưu (America middle class), là tầng lớp có khả năng chi phối các cuộc bầu cử.

Dù sao thì với một nền kinh tế mạnh nhất thế giới những di sản tự do không dễ gì bị phế bỏ, nước Mỹ có khả năng tự điều chỉnh để thoát khỏi những cuộc khủng hoảng, nhưng khả năng này không có ở nhiều Nhà nước phúc lợi khác. Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu hiện nay, bắt đầu từ Hy Lạp, là một bằng chứng sinh động của những quả bong bóng nhà nước phúc lợi đến hồi phải xì hơi. Bi kịch của những nhà nước này là dân chúng đã quen với bầu sữa của Nhà nước, họ không muốn thoát khỏi bầu sữa đó, bất chấp tình trạng vỡ nợ. Những cuộc biểu tình rầm rộ chống các chương trình thắt lưng buộc bụng ở châu Âu cho thấy bi kịch đó.

(còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

(*)Tocqueville, Nền dân trị Mỹ, bản tiếng Việt, NXB Tri thức, Hà Nội 2008.

(**) Những đỉnh cao chỉ huy, sách đã dẫn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.