Nợ công với gánh nặng doanh nghiệp nhà nước

28/05/2013 03:08 GMT+7

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa chính thức công bố báo cáo đánh giá tình hình nợ công của Việt Nam với mức độ khá nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa chính thức công bố báo cáo đánh giá tình hình nợ công của Việt Nam với mức độ khá nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đặc biệt, theo báo cáo, nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN)  như Vinashin, Vinalines… làm ăn thua lỗ, không hiệu quả đã “đe dọa” an toàn tài chính quốc gia.

 

Rõ ràng, tình trạng thâm hụt ngân sách là rất nghiêm trọng ngay cả khi VN hiện đang có tỷ lệ thu thuế và phí rất cao so với các nước khác trong khu vực

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về đánh giá tình hình nợ công của Việt Nam

Dẫn lại số liệu của Bộ Tài chính (BTC), theo Ủy ban Kinh tế (UBKT), thâm hụt ngân sách (không bao gồm chi trả nợ gốc) trung bình trong giai đoạn 2003-2007 chỉ chiếm 1,3% GDP, con số này tăng gấp đôi lên 2,7% GDP trong giai đoạn 2008-2012. Trong khi đó, tổng nợ công cũng tăng từ 40% GDP cuối năm 2007 lên khoảng 56,3% GDP vào cuối năm 2010 và giảm đôi chút xuống còn 54,9% GDP vào năm 2011 và ước 55,4% GDP vào năm 2012.

Tuy nhiên, những con số này chưa phản ánh đúng bản chất, khi các tổ chức quốc tế đưa ra số thâm hụt ngân sách khác xa. Cụ thể, chỉ tính riêng năm 2009, thâm hụt ngân sách theo báo cáo của BTC chiếm 3,7% GDP, trong khi đó con số tương ứng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cao hơn nhiều, lần lượt là 3,9% và 7,2% GDP.

Đáng chú ý, trung bình trong ba năm 2009-2011, thâm hụt ngân sách của VN thuộc diện cao so với các nước trong khu vực, vào khoảng 3,7% GDP/năm. Con số này gấp hơn 3 lần  Indonesia, gấp hơn 2 lần so với Trung Quốc và gấp khoảng gần 1,5 lần so với Thái Lan.

Nhà nước “gánh nợ”

Nhưng điều đáng ngại nhất lại nằm ở các khoản nợ lớn của tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT), vốn là DN nhà nước đang làm ăn thua lỗ, đứng trên bờ vực phá sản. Dù luật không hạch toán, không tính vào nợ công, nhưng UBKT vẫn khẳng định: Nợ của khu vực này đang đe dọa nghiêm trọng tới an ninh tài chính quốc gia.

Các DNNN nhận được nhiều ưu đãi, từ tiếp cận tín dụng, đất đai, khai thác tài nguyên, bảo hộ độc quyền… đến nhiều hậu thuẫn khác, nhưng lại làm ăn kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, lãng phí. Nguyên nhân, theo UBKT do sự buông lỏng giám sát từ cấp trên và quản lý yếu kém của lãnh đạo TĐ, TCT. Các DN này vay nợ mới để trả nợ cũ, dùng vốn vay ngắn hạn để trả nợ dài hạn và thậm chí là sử dụng vốn lưu động để đầu tư. Theo số liệu từ BTC, dư nợ nước ngoài Chính phủ bảo lãnh cho khu vực DNNN vào năm 2010 khoảng 4,6 tỉ USD, tương đương với 14,3% tổng dư nợ nước ngoài của VN.

Đáng nói, nhiều DN không thuộc diện bảo lãnh nhưng Chính phủ vẫn thường phải đứng ra hỗ trợ khi làm ăn thua lỗ, không thể trả nợ đúng hạn. Điển hình nhất là các khoản vay ưu đãi của từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Nguồn vốn của VDB đến từ phát hành giấy tờ có giá và nhận vốn ODA cho vay lại chiếm 72,4% trong năm 2009. Một phần lớn nguồn vốn này sau đó được VDB cho các DNNN vay ưu đãi để đầu tư. Tuy nhiên, nợ quá hạn và khoanh nợ của VDB đối với cho vay trung, dài hạn tín dụng đầu tư có thời điểm lên tới 8,9% vào 2007 và 12,05% vào cuối 2010. “Phần nợ xấu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các khoản vay của VDB, trong trường hợp khó khăn thì nhà nước vẫn phải đứng ra thu xếp hoàn trả”, UBKT chỉ rõ.

Nợ công với gánh nặng doanh nghiệp nhà nước
Nhà nước vẫn phải bù đắp cho những thua lỗ ở các tập đoàn như Vinashin - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một trường hợp khác là hình thức khoanh nợ của Vinashin tại các NH, cuối cùng Chính phủ vẫn phải bỏ một phần tiền ra để bù đắp. Vinashin sau đó chuyển nợ cho Vinalines và TĐ dầu khí (PVN), khiến các TĐ này lâm vào khó khăn và cuối cùng gánh nặng lại đè lên vai nhà nước. Chính phủ cũng phải tăng vốn điều lệ cho Vinashin từ 9.000 tỉ đồng lên 14.655 tỉ đồng cũng vẫn là tiền từ ngân sách nhà nước (NSNN). Ngoài ra, khoản vay 45 triệu USD từ Ngân hàng ANZ cho dự án xi măng Đồng Bành do TCT cơ khí xây dựng (COMA) đầu tư cũng được BTC đứng ra bảo lãnh khi dự án này rơi vào tình trạng thua lỗ không trả được nợ. Mới đây Thanh tra Chính phủ cũng công bố PVN sai phạm lên tới nhiều  ngàn tỉ đồng. PVN được giữ lại hầu hết lợi nhuận sau thuế trong thời gian dài để hình thành quỹ đầu tư phát triển nhằm thực hiện các dự án trọng điểm về dầu khí, nhưng quỹ này đã được PVN sử dụng cấp vốn cho các công ty con và góp vốn liên doanh thực hiện những dự án không đúng mục đích.

UBKT kết luận: Nếu xét đến cả các tác động gián tiếp thì tín dụng của khu vực DNNN đang nổi lên như là một mối đe dọa đối với nợ công của VN. Một khi kinh doanh thua lỗ, các DN này sẽ không thể trả nợ đúng hạn được cho các NH, cho VDB và cho các chủ nợ nước ngoài. Do hầu hết các DNNN đều thuộc diện “quá lớn” nên các khoản nợ xấu này cuối cùng sẽ phải do NSNN gánh trả.

Bộ máy cồng kềnh, chi tiêu tốn kém

Một nghịch lý đối với nợ công, thâm hụt ngân sách được UBKT “báo động” là do việc chi tiêu quá nhiều. Cụ thể, tỷ trọng chi thường xuyên có xu hướng tăng nhanh, từ mức 51,9% trong năm 2003 lên 64,9% trong 2010 và 67,2% trong 2011. Điều này phần nào cho thấy sự cồng kềnh và chi tiêu tốn kém của bộ máy công quyền.

Ngoài ra, sự mất an toàn do cơ cấu thu ngân sách khi tài nguyên là dầu khí, đất đai đang cạn dần và kể cả việc đẩy tỷ lệ thu từ thuế phí lên rất cao so với các nước trong khu vực. Theo báo cáo của BTC, trung bình 2006-2010, tổng thu và viện trợ của VN chiếm 29,3% GDP. Nếu chỉ tính thu từ thuế và phí là 26,2% GDP. Thu từ dầu thô đang có tỷ trọng ngày càng giảm dần trong tổng thu ngân sách nhà nước, từ 6,9% GDP trong năm 2007 xuống 3,1% GDP trong 2011.

Kết quả tính toán cho thấy, mức độ thâm hụt ngân sách (sau khi loại trừ các khoản thu thiếu tính bền vững như đất đai, tài nguyên, thu viện trợ) trung bình lên tới 11,6% GDP mỗi năm từ 2006-2008 và 8,7% từ 2009-2011. “Rõ ràng, tình trạng thâm hụt ngân sách là rất nghiêm trọng ngay cả khi VN hiện đang có tỷ lệ thu thuế và phí rất cao so với các nước khác trong khu vực”, UBKT khẳng định.

Quốc hội cần lập Ban Giám sát nợ công

Trước lo ngại về mất an toàn nợ công, UBKT chính thức kiến nghị QH cần thành lập Ban Giám sát nợ công (thuộc UB Giám sát tài chính quốc gia) cho phép quản lý và giám sát nợ một cách sát sao, khách quan và độc lập. Ban này được trao quyền truy cập mọi thông tin về nợ công và nợ nước ngoài từ các bộ, ngành khác của khu vực công, bao gồm BTC, DNNN... Đây sẽ là cơ sở cho những người giám sát và quản lý nợ công có thể theo dõi, phân tích và giám sát tổng nợ của khu vực công và từ đó đưa ra các tham mưu chính sách phù hợp cho QH.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.