VỤ NỔ KINH HOÀNG
Theo thông tin ban đầu, lúc 13 giờ ngày 25.3, ông A Tu (56 tuổi) cùng con gái là Y Khung (22 tuổi) và con rể A Nhi (24 tuổi, cùng trú thôn Kon Đao Yop) đi làm rẫy.
Trong lúc làm rẫy, anh A Nhi tình cờ phát hiện một quả đạn còn sót lại từ thời chiến tranh, dài khoảng 30 cm, nên nhặt đem về nhà. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, anh A Nhi lấy cây rựa gõ vào quả đạn. Thời điểm này, ông A Tu, chị Y Khung và 3 cháu nhỏ gồm: A Phước (3 tuổi, con trai vợ chồng anh A Nhi), A Tiến (12 tuổi, con ông A Tu) và A Thuận (12 tuổi, cháu ngoại ông A Tu) đang ngồi gần đó.
Sau vài cái gõ thì quả đạn phát nổ khiến anh A Nhi tử vong tại chỗ, cháu A Phước tử vong trên đường đến bệnh viện, còn chị Y Khung, A Thuận và A Tiến bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu. Riêng ông A Tu chỉ bị thương nhẹ ở bắp tay.
Chiều 26.3, những người dân ở thôn nghèo Kon Đao Yop vẫn chưa hết bàng hoàng về sự việc. Bà Y Thim, một trong những người đến ứng cứu gia đình ông A Tu khi vụ nổ xảy ra, kể lại, khoảng 16 giờ, một tiếng nổ lớn khiến những căn nhà trong làng rung lên. Thấy khói bốc lên ở nhà ông A Tu, bà Thim cùng nhiều người khác liền kéo đến giúp đỡ.
"Buổi chiều, lúc đi làm về, thấy A Nhi cầm theo quả đạn, người già trong làng đã nhắc nhở là đừng đập phá. Thế nhưng A Nhi không chịu nghe. Ai ngờ vụ nổ xảy ra, người thì chết, người thì đi viện", bà Thim đau lòng nói.
"Vụ nổ tạo thành một hố nhỏ ở giữa sân. Cây xoài gần đó bị mảnh sắt băm nham nhở. Cánh cửa bằng kính cũng bị vỡ vụn…", ông A Tho, Bí thư Chi bộ thôn, ở cách nhà ông A Tu vài bước chân, kể lại.
Cũng theo ông Tho, gia đình anh A Nhi thuộc diện hộ nghèo. A Nhi mồ côi từ nhỏ, sau khi lấy vợ thì về nhà ông A Tu ở rể. Gia đình anh A Nhi hiện vẫn chưa có bảo hiểm hộ nghèo do hai vợ chồng chưa đăng ký kết hôn. Không có bảo hiểm nên tiền viện phí để chữa trị cho các nạn nhân là rất lớn. Sau khi vụ việc xảy ra, người dân trong thôn đã góp tiền để hỗ trợ gia đình ông A Tu tổ chức mai táng người chết.
Đi rẫy mang đầu đạn về nhà rồi gõ, hai cha con tử vong
NỖI ĐAU NGƯỜI Ở LẠI
Một ngày sau vụ nổ, sức khỏe chị Y Khung đã dần hồi phục. Riêng các cháu A Tiến, A Thuận thì vẫn đang được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum nỗ lực điều trị.
Ngồi trên giường bệnh, với ánh mắt thất thần, chị Y Khung liên tục lấy tay lau nước mắt. Tiếng nổ quá lớn khiến tai chị vẫn còn bị ù nên chưa thể nói chuyện nhiều.
"Nhà mình có 8 người thì 2 người chết, 4 người bị thương rồi. May mắn là đứa con trai đầu 4 tuổi đi chơi, mẹ mình thì đang nấu ăn sau nhà nên không bị gì. Con mình còn nhỏ quá, nó có tội gì đâu. Mình vừa giận, vừa thương chồng mình. A Nhi hiền lắm, không biết uống rượu đâu, chỉ lo làm ăn chăm sóc vợ con thôi", chị Khung vừa khóc vừa nói.
Bác sĩ Võ Văn Thiện, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, cho biết qua quá trình điều trị, các nạn nhân đã tạm thời qua cơn nguy kịch. Trong sáng 26.3, bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cho cháu A Thuận. Nạn nhân này bị 10 vết thương ở ruột, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật gắp các mảnh đạn. Còn với cháu A Tiến, hiện các vết thương ở não đã không còn chảy máu.
"Các nạn nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng trong những ngày tới có thể đối diện với nguy cơ nhiễm trùng. Hiện các bác sĩ đang dùng kháng sinh liều cao để điều trị cho họ", bác sĩ Thiện nói.
Ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND H.Đăk Hà, cho biết ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên, đồng thời hỗ trợ chi phí cho gia đình nạn nhân để tổ chức mai táng và điều trị.
Xem nhanh 20h ngày 26.3: Bà Hàn Ni bị đình chỉ tư cách luật sư | Đập ATM trộm tiền trả nợ
Bình luận (0)