Theo Bloomberg, phía sau đợt bùng nổ giá cả bất động sản, các khoản vay của hộ gia đình tăng trong 10 năm liên tiếp với tốc độ chóng mặt. Nợ khu vực tư ở Trung Quốc đạt 6.700 tỉ USD, tương đương 50% tổng sản phẩm quốc nội, hiện đạt gần đến mức nợ của các nước phát triển và ảnh hưởng đến sức chi tiêu của người tiêu dùng.
Lấy trường hợp của ông Huang Panpan, giám đốc quan hệ công chúng 33 tuổi sống ở Bắc Kinh làm ví dụ. Năm ngoái, ông đi vay 2,9 triệu nhân dân tệ, tương đương 460.000 USD, để mua nhà và giờ đây phải đối mặt với khoản thanh toán nợ hằng tháng lên đến khoảng một nửa tiền lương.
Từ khi mua nhà, ông Huang thắt lưng buộc bụng: giảm đi du lịch, bán bớt cổ phiếu, hoãn mua ô tô và hoãn cả kế hoạch bắt đầu kinh doanh riêng. “Tôi từng là một người không quan tâm nhiều đến giá cả khi mua sắm hoặc đặt chuyến đi chơi. Tôi cảm thấy bị áp lực hơn về mặt tài chính khi phải gánh cả đống nợ đó”, ông Huang chia sẻ.
Ông còn nói thêm: “Tôi cần giảm tiêu thụ nếu lãi suất tăng dẫn đến việc số tiền vay mua nhà mà tôi phải trả đi lên đáng kể. Tạm biệt thẻ thành viên tại các nhà hàng, và khoản đầu tư của tôi vào các doanh nghiệp nhỏ. Tôi sẽ không mua những thứ không cần thiết”.
Đến nay, hoạt động chấn chỉnh ngành tài chính mạnh tay của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chỉ tập trung vào lĩnh vực ngân hàng ngầm, và các thương vụ thâu tóm, sáp nhập được tài trợ bằng tín dụng của nhiều doanh nghiệp lớn. Thách thức của giới chức Trung Quốc lúc này là kiềm chế tăng trưởng tín dụng trong nước ở thời điểm căng thẳng thương mại đã gây nhiều lo ngại cho triển vọng kinh tế.
Phần lớn khoản nợ gia tăng của các hộ gia đình Đại lục liên quan đến bong bóng bất động sản. Giá nhà mới ở Bắc Kinh và Thượng Hải tăng hơn 25% trong hai năm qua. Các khoản cho vay mua bất động sản đạt 22.900 tỉ nhân dân tệ tính đến cuối năm 2017, chiếm hơn một nửa khoản vay hộ gia đình, theo số liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Chiếm phần nhiều thứ nhì trong núi nợ là các khoản nợ hoạt động. Nợ loại này chiếm 22% núi nợ, được dùng để tài trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và các thương nhân thuần túy. Cho vay tiêu dùng, chẳng hạn như cho vay thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô, chiếm khoảng 19% tổng nợ hộ gia đình. Các hình thức tín dụng hộ gia đình khác ngoài hệ thống ngân hàng, trong đó có cho vay ký quỹ, cho vay không qua trung gian và cho vay vi mô cũng tăng nhanh.
Việc phải trả nợ mua nhà ngày càng nhiều có thể khiến nhiều người bớt mua sắm các sản phẩm khác, từ đó gây áp lực tăng trưởng tiêu thụ cho quốc gia, nhà kinh tế George Wu tại Huarong Securities cho biết. Tỷ lệ nợ trên thu nhập khả dụng của Trung Quốc có thể từ mức 82% hiện tại tăng lên gần 100% đến năm 2020, thu hẹp khoảng cách số liệu này với các nước Mỹ và Nhật Bản, vốn lần lượt ở mức 105% và 99%.
Bình luận (0)