Nô lệ thời hiện đại - Kỳ 3: Quẩn quanh giải pháp

13/06/2015 08:51 GMT+7

Nhiều nước trong khu vực đang nỗ lực triệt phá nạn buôn người và tìm đường sống cho các thân phận nô lệ nhưng vẫn chưa có được câu trả lời căn cơ.

Nhiều nước trong khu vực đang nỗ lực triệt phá nạn buôn người và tìm đường sống cho các thân phận nô lệ nhưng vẫn chưa có được câu trả lời căn cơ.

Nô lệ thời hiện đại: Quẩn quanh giải phápÁp phích tuyên truyền và số điện thoại đường dây nóng chống buôn người tại sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan)  - Ảnh: Lam Yên
“Với rìu, dao, gậy gộc trên tay, nhóm người Rohingya và Bangladesh lao vào đâm chém đẫm máu để giành thức ăn và nước uống đang cạn dần trên tàu. Khoảng 100 người đã chết trong cuộc tàn sát và bị quẳng xác xuống biển”, một nhân chứng được cứu sống kinh hoàng kể lại. Đó cũng chỉ là một ví dụ cho tình trạng nguy kịch của hàng ngàn người tị nạn Rohingya và Bangladesh đang còn lênh đênh trên những con tàu ọp ẹp bị bọn buôn người và môi giới bỏ rơi.
Cấp tập ứng cứu
Biến trại buôn người thành điểm du lịch
Đó là đề xuất của Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Malaysia, Datuk Seri Shadidan Kassim khi thị sát một khu lán trại của bọn buôn người bị phát hiện gần biên giới với Thái Lan. “Vùng biên giới là nơi tập kết của bọn buôn người. Hãy biến các lán trại thành khu du lịch để nhiều người đến và tận mắt thấy những gì đã xảy ra với các nạn nhân. Ngoài ra, một lợi điểm nữa là ở những nơi nhiều người lui tới, bọn buôn người sẽ không dám hoạt động”, ông nói.
“Thời gian đang cạn dần, tính mạng người tị nạn trên biển rất nguy cấp. Hãy xem việc cứu họ là ưu tiên hàng đầu”, lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đang được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng quốc tế.
Sau khi chịu nhiều chỉ trích về hành động buộc tàu chở người Rohingya và Bangladesh quay ngược ra biển, Malaysia và Indonesia đã cùng tuyên bố sẽ tiếp nhận giúp đỡ các di dân bất hợp pháp. Chính quyền Kuala Lumpur còn thông báo đang xem xét lập các khu nhà tạm lánh tại bang Penang, tây bắc Malaysia. “Indonesia và Malaysia đồng ý hỗ trợ nhân đạo cho 7.000 người tị nạn còn trên biển. Trước mắt, chúng tôi sẽ lo cho họ chỗ ở và thực phẩm. Còn việc tái định cư hoặc hồi hương sẽ hoàn tất trong một năm bởi sự giúp sức của cộng đồng quốc tế”, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho biết.
Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẵn sàng giữ vai trò đầu tàu trong các hoạt động cứu trợ, tái định cư cho di dân do Cao ủy LHQ về người tị nạn LHQ tổ chức. “Từ tháng 10.2014 đến nay, Mỹ đã tái định cư cho hơn 1.000 người Rohingya và đang xem xét để tiếp nhận thêm”, Marie Harf, Phó phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết.
Không chỉ tập trung cứu nạn nhân, các nước Đông Nam Á cũng đang rất mạnh tay truy quét bọn buôn người. Hồi tháng trước, nhà chức trách Indonesia đã bắt 2 người nước này và 5 người Thái với cáo buộc buôn người làm nô lệ trên tàu cá. Các nghi phạm là nhân viên của Pusaka Benjina Resources, một trong những công ty thủy sản lớn nhất ở miền đông Indonesia. Theo cảnh sát, nếu bị tuyên có tội những người này sẽ đối mặt với án 15 năm tù giam và số tiền phạt lên đến 46.000 USD.
Đến đầu tháng 6, tòa án Thái Lan phát lệnh bắt giữ trung tướng Manas Kongpan, 58 tuổi, tham mưu cao cấp của quân đội hoàng gia. Ông này bị tình nghi câu kết với bọn buôn người, giam giữ nạn nhân đòi tiền chuộc... Từ khi phát hiện hơn 30 thi thể tại những hố chôn tập thể của bọn buôn người ở tỉnh Songkhla, miền nam nước này, hồi đầu tháng 5, cảnh sát Thái đã liên tục mở những đợt truy quét gắt gao. Đến nay đã có 82 đối tượng bị truy nã, 51 kẻ tình nghi bị tạm giam và ông Manas là sĩ quan cao cấp nhất bị cáo buộc.
Bế tắc giải pháp
Tuy nhiên, “giúp ngặt chứ khó giúp nghèo”, các bên đến nay vẫn chưa thể tìm được giải pháp căn cơ cho tình trạng hàng chục ngàn người Bangladesh và sắc dân Rohingya tại Myanmar tìm đường rời bỏ đất nước để rồi trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người và môi giới vượt biên. Tại hội nghị quốc tế tổ chức ở Thái Lan về nhập cư trái phép hồi cuối tháng 5, đại diện 17 nước và quan sát viên quốc tế nhất trí phải xử lý tận gốc rễ vấn đề nhập cư trái phép, tức là phải ở nước xuất phát. Nơi đó phải tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo cơ hội về giáo dục - đào tạo cho thế hệ trẻ. Chỉ khi nào gây dựng được lòng tin cho người dân về tương lai cuộc sống và cơ hội nghề nghiệp thì họ mới không suy tính bỏ quê hương để tìm cách nhập cư trái phép vào quốc gia khác.
Tuy nhiên, hội nghị không đưa ra được giải pháp cụ thể nào. Hai nước bị nhắc đến là Bangladesh và Myanmar đều quyết liệt bác bỏ những chỉ trích nhằm vào mình. Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina khẳng định: “Án phạt sẽ dành cho kẻ buôn người và cả những người rời bỏ tổ quốc” còn Myanmar nói vấn đề người Rohingya là chuyện nội bộ của nước này. Hội nghị này cũng còn bế tắc trong cả chuyện hồi hương lẫn định cư ở đâu đó cho di dân. Thiếu giải pháp cụ thể như thế nên vấn đề di dân trái phép sẽ còn gây nhức nhối và khó xử ở khu vực trong thời gian dài.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, chuyên gia Jurgen Thomas thuộc tổ chức phi chính phủ Liên minh Chống buôn người (AAT) nhận định: “Trước mắt, có thể tổ chức một cuộc họp giữa các nước liên quan đến vấn đề người Rohingya cộng thêm cả Anh. Myanmar, Bangladesh và Ấn Độ từng là thuộc địa của Anh và nước này đặt ra những đường biên giới, một yếu tố gây tranh cãi trong vấn đề Rohingya hiện nay. Sau đó tiến hành họp bàn cùng các nước có tiềm năng nhận người Rohingya. Theo tôi, các tiểu quốc thuộc UAE đang có nhu cầu nhân công rất cao và có thể tiếp nhận di dân Rohingya không được thừa nhận”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.