'Nợ' luật Biểu tình vì nghiên cứu kỹ, ‘không để các thế lực thù địch lợi dụng’

11/05/2020 19:43 GMT+7

Theo Bộ Công an, dù đã tổ chức nhiều hội thảo, khảo sát thực tế, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của Nga, Trung Quốc , Hàn Quốc, Thái Lan,... nhưng dự án luật Biểu tình “vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa thống nhất cao”.

Gửi kiến nghị đến Quốc hội sau kỳ họp thứ 8, cử tri tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Công an xem xét sớm trình Quốc hội ban hành luật Biểu tình để công dân thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật.
Trả lời kiến nghị này, Bộ Công an cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 38/2005/NĐ-CP ngày 18.3.2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.
Bộ cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, khảo sát thực tế, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... để xây dựng dự án luật Biểu tình.
Đến nay, dự thảo luật đã được các bộ, ngành tham gia ý kiến, Bộ Tư pháp thẩm định, các thành viên Chính phủ cho ý kiến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất cao về đối tượng áp dụng, những trường hợp không được tổ chức, tham gia biểu tình, thẩm quyền cho đăng ký biểu tình...
Bộ Công an cho rằng, dự án luật Biểu tình có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, được quần chúng nhân dân rất quan tâm, nên cần phải được nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá.
Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả luật, cần phải hoàn thiện các đạo luật có liên quan, như: luật Tình trạng khẩn cấp; luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ...
Do đó, Bộ Công an đã đề xuất và được Thủ tướng đồng ý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời gian trình dự thảo luật để có thêm thời gian nghiên cứu, thống nhất nội dung và hoàn thiện, sau đó sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo quy định.
Trước đó, vào tháng 2 năm nay, Chính phủ đã gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh năm 2020, trong đó “chưa đề xuất đưa dự án luật này vào chương trình”, theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Chính phủ cũng chưa nêu rõ thời gian bổ sung dự án luật này vào chương trình, tương tự dự án luật về Hội.
Vào tháng 10.2019, tại báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Hiến pháp 2013, Chính phủ cho rằng việc chưa ban hành luật về Hội, luật Biểu tình là một trong những tồn tại trong thi hành Hiến pháp. 
Cụ thể, liệt kê trong mục "tồn tại, hạn chế" của báo cáo, Chính phủ cho rằng, “công tác xây dựng pháp luật ở các cơ quan T.Ư mặc dù đã được quan tâm, nhưng một số đạo luật đến nay vẫn chưa được ban hành theo kế hoạch dự kiến (như dự án luật về Hội, luật Biểu tình…)".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.