Là người sáng lập kiêm chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận “Phụ nữ trong vũ trụ và hàng không” (WAA), Anh-Thu Nguyen mong muốn kế hoạch chinh phục bầu trời toàn cầu của mình sẽ giúp truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trẻ tự tin vào bản thân và dám theo đuổi ước mơ. Theo trang tin NextShark, Nguyen hiện là phi công lái máy bay thương mại và cũng là người hướng dẫn bay tại Câu lạc bộ bay AeroVentures ở TP.Atlanta thuộc bang Georgia (Mỹ). Cô dự tính điều khiển máy bay một động cơ đến 25 quốc gia từ ngày 15.5 - 1.7.2020 với chặng đường ước tính gần 50.000 km. Tại mỗi điểm dừng, cô có kế hoạch gặp gỡ giao lưu với phụ nữ cùng các thiếu nữ có cùng niềm đam mê trong lĩnh vực hàng không vũ trụ để truyền cảm hứng cho họ.
Lớn lên từ vùng quê nghèo khó ở Phú Yên, Nguyen thấu hiểu những trở ngại lớn đối với phụ nữ không có nhiều phương tiện hoặc cơ hội để theo đuổi giấc mơ. Lúc còn ở VN, cô may mắn được theo học tại một trường do Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) xây dựng và sau đó sang Mỹ định cư từ năm 12 tuổi. Nhờ chăm chỉ và kiên trì, Nguyen vượt qua nhiều khó khăn, bao gồm rào cản ngôn ngữ và những trở ngại trong giáo dục đối với những người nhập cư ở xứ người để tốt nghiệp thủ khoa trung học và nằm trong tốp 10 người đứng đầu lớp khi tốt nghiệp Đại học Purdue ở bang Indiana năm 2007. Ra trường, cô không ngừng nỗ lực để lấy được tấm bằng phi công lái máy bay tư nhân và năm 2017 trở thành giảng viên bay xuất sắc của Hiệp hội Phi công và Người sở hữu máy bay (AOPA), nơi đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ phi công. Thời gian này, Nguyen cũng được cấp chứng chỉ phi công thương mại (ATP). Không tự bằng lòng với chính mình, cô hiện đang theo đuổi bằng tiến sĩ ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Học viện Công nghệ Georgia hàng đầu của Mỹ.
Priya Thomas, chuyên viên hậu cần của WAA, kể với trang tin NextShark rằng dù đã gặt hái nhiều thành công trong học tập và sự nghiệp, Nguyen vẫn gặp phải những ánh nhìn đầy hoài nghi khi xuất hiện tại sân bay. Nhiều lần, cô bị nhân viên an ninh sân bay không cho qua cổng dành cho phi công và cô phải giải thích, trưng ra nhiều bằng chứng để thuyết phục họ tin mình. Chính điều này đã thôi thúc Nguyen thành lập tổ chức WAA nhằm phá vỡ định kiến của phần lớn mọi người là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ gốc Á, khó có thể trở thành phi công, đồng thời để khích lệ các cô gái theo đuổi đến cùng ước mơ chinh phục bầu trời của họ.
Nguyen cho hay sứ mệnh của WAA còn là thúc đẩy giáo dục trong ngành hàng không vũ trụ và giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu phi công trên thế giới. Trang tin Asamnews dẫn lời cô nhận định thiếu phi công là “thách thức lớn nhất lịch sử hàng không”. Với mục tiêu đầy táo bạo của mình, Nguyen hy vọng số phi công nữ sẽ tăng lên đáng kể trong tương lai thay vì chỉ chiếm 6% trong tổng số phi công trên thế giới như hiện nay.
Thiếu tướng không quân Mỹ George Harrison, một thành viên của WAA, khẳng định các nữ kỹ sư và nữ phi công “rất thông minh, rất tài năng”. Ông cũng tin rằng Nguyen có đủ năng lực và là gương mặt phù hợp để truyền cảm hứng cho phụ nữ khắp nơi về hàng không.
Theo trang tin Soloflights, kể từ khi Geraldine Mock (Mỹ) trở thành người phụ nữ đầu tiên hoàn thành chuyến bay một mình vòng quanh thế giới vào năm 1964, kỳ tích này đã được 8 phụ nữ khác chinh phục, bao gồm 2 người Mỹ khác, 3 Anh, 1 Úc, 1 Trung Quốc và 1 Mỹ gốc Afghanistan. Cụ thể, Joan Merriam Smith (người Mỹ) thực hiện chuyến bay “để đời” vào năm 1964; Sheila Scott (Anh, 1966); Judith Chisholm (Anh, 1980); Gaby Kennard (Úc, 1988); Polly Vacher (Anh, 2001); CarolAnn Garratt (Mỹ, 2003); Vương Tranh (Trung Quốc, 2016) và Shaesta Waiz (người Mỹ gốc Afghanistan, 2017).
|
Bình luận (0)