Hai mặt hàng dù chẳng liên quan gì đến nhau nhưng thành quả đạt được thì có điểm giống nhau, đó là nhờ nỗ lực "chớp" được cơ hội trong khó khăn dịch bệnh.
Chuyện "xuất ngoại" của chiếc khẩu trang y tế thời gian qua cũng khá gian nan. Đây không phải mặt hàng bị cấm xuất khẩu nhưng trong giai đoạn chống dịch Covid-19, Chính phủ áp dụng chế độ giấy phép xuất khẩu với mặt hàng này nên các doanh nghiệp (DN) phải tuân thủ.
Đến khi Thủ tướng chấp thuận cho xuất khẩu khẩu trang y tế và các thiết bị phòng dịch theo nguyên tắc bảo đảm đủ cho nhu cầu trong nước thì nhiều DN lại gặp rào cản thủ tục dẫn đến tình trạng "thừa trong nước, khó xuất khẩu". Dù vậy, cơ hội trở thành công xưởng khẩu trang của thế giới được Bộ Công thương nhận định khá sớm và các DN đã không bỏ cuộc.
Đến cuối tháng 4, khi Chính phủ đã bỏ quy định áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế thì ngay lập tức, những chiếc khẩu trang "made in Việt Nam" đã được chuyển đi khắp nơi, góp phần giúp người dân nhiều nước phòng chống dịch bệnh. Không chỉ giúp thế giới an toàn hơn, sản xuất khẩu trang cũng giúp rất nhiều DN trong nước giữ công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Với gạo cũng tương tự. Khi chưa xảy ra đại dịch, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nhưng dịch bệnh bất ngờ ập đến, an ninh lương thực được đặt lên hàng đầu và lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo đã được đưa ra. Tranh cãi tiếp tục xuất hay ngưng; phòng thủ hay tận dụng cơ hội... khiến thị trường gạo có lúc rối tinh lên nhưng cuối cùng, gạo Việt vẫn kịp "ghi bàn". Trong tuần đầu tiên của tháng 6, giá gạo Việt Nam đã đạt mức cao nhất trong vòng 8 năm qua.
Thực ra không riêng gì khẩu trang, gạo mà rất nhiều nông sản Việt cũng trải qua quá trình gian khổ để vào được các thị trường khó tính. Mới nhất có vải tươi vào Nhật, nước có quy định khắt khe nhất thế giới. Trước đó, trái vải tươi Việt Nam cũng mất tới 12 năm để vào được thị trường Úc, xoài mất một thập niên để vào Mỹ...
Nhìn lại để thấy, cơ hội là rất quý hiếm và việc chớp lấy cơ hội, nhất là cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn lại càng trở nên quý giá hơn. Nếu chúng ta quá cứng nhắc, quá cầu toàn, thiếu thực tế hay mỗi cơ quan có thẩm quyền chỉ chăm chăm lo đảm bảo phần nhiệm vụ của mình mà không có cái nhìn tổng thể, không phối hợp đồng bộ, không đứng trên cái chung trước khi đưa ra quyết định thì có thể đánh mất cơ hội của DN, thậm chí bỏ lỡ thời cơ của đất nước.
Chớp cơ hội đã khó nhưng quan trọng hơn là giữ cơ hội, biến cái nhất thời thành lâu dài, chuyển đối tác tình thế thành đối tác thân thiết... Từ đó, lên chiến lược xây dựng hình ảnh, uy tín, thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Chỉ khi đó, cơ hội mới thực sự có ý nghĩa.
Bình luận (0)