Nỗ lực kéo giảm F0 tử vong

13/12/2021 05:50 GMT+7

Cùng với đẩy nhanh bao phủ vắc xin, ưu tiên tiêm mũi bổ sung cho người nguy cơ cao, VN đang điều chỉnh một số quy định thuận lợi cho cấp số đăng ký, sản xuất thuốc mới điều trị Covid-19 nhằm nỗ lực kéo giảm số ca tử vong.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mới đây đã có cuộc họp về công tác phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19 với lãnh đạo các tỉnh có số mắc và ca tử vong tăng là TP.Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bà Rịa-Vũng Tàu và An Giang…

Người dân không chủ quan, y tế phải gần dân nhất

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Y tế, thực tế cho thấy chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng gia tăng ca nhiễm Covid-19 vì tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng người dân không thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch, lơ là, chủ quan... Khi số ca mắc gia tăng, đương nhiên bệnh nhân nặng sẽ tăng và số tử vong cũng sẽ có thể tăng. Do vậy, cần nỗ lực để giảm số ca tử vong.

Nhân viên y tế tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc (Đồng Tháp) chăm sóc và điều trị F0

TRẦN NGỌC

Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý các địa phương phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch, khống chế, không để bùng phát với những vùng được đánh giá dịch ở cấp độ 3 và 4.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phải thực hiện chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà” lập danh sách tất cả những người cao tuổi, người có bệnh lý nền để tiêm chủng đầy đủ.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D

ĐỘC LẬP

Về công tác điều trị, để giảm các F0 nặng và tử vong, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần phân loại bệnh nhân, tuân thủ điều trị theo tháp 3 tầng, có sự liên thông chặt chẽ với nhau giữa các tầng, để quản lý, giám sát các ca bệnh. Đồng thời, các địa phương quản lý, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà phải chặt chẽ, khoa học và luôn đảm bảo y tế phải gần dân nhất thông qua việc thiết lập các trạm y tế, tổ y tế lưu động; cần có đầy đủ danh sách các ca bệnh nguy cơ cao để sẵn sàng chuyển tuyến kịp thời nếu trở nặng.

Là đơn vị trực tiếp hỗ trợ tỉnh An Giang trong điều trị các ca mắc Covid-19, có thời điểm 75% ca F0 tử vong tại tỉnh này là các ca chưa tiêm vắc xin, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng Sở Y tế An Giang cần quyết liệt chỉ đạo y tế cơ sở hoàn thành nhanh nhất công tác tiêm chủng. Đồng thời, ông Cơ cũng lưu ý: “Muốn giảm tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân Covid-19, An Giang cần quyết liệt thực hiện phân tầng bệnh nhân Covid-19; rà soát lại hệ thống khí tại tất cả các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, tránh tình trạng hệ thống khí nén không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị”.

Chia sẻ về điều trị các F0, GS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng (Bộ Y tế), cho biết thêm, ngoài các thuốc ức chế vi rút, tùy thuộc diễn biến, các F0 còn có thể cần thuốc ức chế phản ứng miễn dịch, thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm. Nhiều ca bệnh nặng có bệnh mãn tính về hô hấp, đái tháo đường, tim mạch... cần các thuốc chuyên khoa. Muốn giảm tử vong cũng phải theo dõi rất sát sao diễn biến mỗi ca bệnh.

F0 tử vong chủ yếu ở nhóm người mắc bệnh nền

Trước thực tế tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên đã đạt 97%, mũi 2 đạt khoảng 70%, nhưng số ca tử vong có xu hướng tăng trong thời gian gần đây tại một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm, lãnh đạo Bộ Y tế đang giao Cục Quản lý khám chữa bệnh và các Sở Y tế đánh giá nguyên nhân cụ thể các trường hợp tử vong.

"Bước đầu chúng tôi nhận định các ca bệnh Covid-19 tử vong chủ yếu xuất hiện ở nhóm người mắc bệnh nền, bệnh mãn tính hoặc trường hợp người cao tuổi, sức khỏe suy giảm", ông Tuyên cho biết.

Theo Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), đến hết ngày 12.12, 42 tỉnh, thành đã được phân bổ thuốc Molnupiravir cho điều trị F0 nhẹ tại nhà. Riêng với TP.HCM, hôm 7.12, Bộ Y tế đã cấp bổ sung 25.000 liều Molnupiravir, nâng tổng số thuốc phân bổ cho TP.HCM lên gần 100.000 liều và sẽ tiếp tục bổ sung trong thời gian tới.

Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các F0 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng tại TP.HCM đã triển khai từ giữa tháng 8.2021. Thuốc có hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng vi rút, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về điều trị bệnh nhân Covid-19, VN đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc tại các cơ sở điều trị như: thuốc ức chế sự nhân lên của vi rút như Remdesivir, Favipiravir, kháng thể kép, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền cũng từng bước được đưa vào điều trị.

Ca tử vong ở Đồng Nai vẫn gia tăng

Trong ngày 11.12, Đồng Nai ghi nhận thêm 21 bệnh nhân Covid-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 1.005 người. Hiện tại vẫn còn 119 bệnh nhân Covid-19 nguy kịch đang điều trị ở tầng 3. Ngoài ra còn có 14.033 F0 đang cách ly tập trung và hơn 61.000 F0 đang cách ly tại nhà.

Phân tích của Sở Y tế Đồng Nai cho biết nguyên nhân các ca tử vong là người già có bệnh nền và người chưa tiêm vắc xin.

Lê Lâm

Hà Nội chuyển hướng chiến lược

TP.Hà Nội đã chuyển đổi tư duy từ quản lý không Covid-19 (zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong. Tại kỳ họp HĐND TP.Hà Nội chiều 9.12, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết số ca mắc tăng nhanh nhưng TP.Hà Nội chỉ còn 69 điểm phong tỏa với quy mô nhỏ nhất có thể. TP.Hà Nội cũng đã mở rộng phương án quản lý, cách ly F1 tại nhà và tại các cơ sở tập trung, lưu trú.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã chuẩn bị cho phương án số F0 hằng ngày tăng cao, lên khoảng 1.000 ca/ngày. Dù số ca tăng cao, song tỷ lệ tiêm 2 mũi của Hà Nội hiện nay rất cao, nên hầu hết ca bệnh nhẹ và không có triệu chứng có thể điều trị tại nhà hoặc trạm y tế lưu động. TP.Hà Nội đang cách ly khoảng 21.000 F1 tại nhà và điều trị 150 F0 tại nhà trên địa bàn các quận, huyện.

Ngoài ra, ngành y tế và các quận, huyện đã chuẩn bị các phương án trong cách ly, thu dung, điều trị F0 với khả năng đáp ứng đến 100.000 ca; sẵn sàng chuẩn bị ô xy y tế (25/32 bệnh viện với khoảng 3.200 giường bệnh có hệ thống ô xy y tế), thuốc và các vật tư tiêu hao đáp ứng các mức độ, cấp độ dịch trên địa bàn.

Mai Hà

An Giang, Đồng Tháp đảm bảo “mục tiêu kép”

Theo Sở Y tế An Giang, tính đến ngày 12.12, tỉnh đang điều trị 4.455 ca. Trong ngày 11.12, An Giang có 14 ca mắc tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 594 ca, chiếm tỷ lệ 2,19% tổng số ca mắc. Thống kê trong vòng 1 tháng (từ 11.11 đến 11.12), An Giang tăng thêm 407 ca mắc Covid-19 tử vong, trong đó có hơn 70% trường hợp tử vong là người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền, mạn tính nặng chưa được tiêm vắc xin.

Để việc điều trị bệnh Covid-19 cũng như đáp ứng hiệu quả nhu cầu điều trị bệnh thông thường của người dân, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho biết tỉnh đã thực hiện mô hình “tách đôi bệnh viện” ở nhiều cơ sở y tế. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết từ tháng 10 đến nay, tỉnh đã chi hơn 1.000 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19; trong đó dùng đáng kể kinh phí để trang bị thiết bị y tế cho tuyến huyện và y tế cơ sở để cấp cứu, điều trị bệnh Covid-19 ban đầu.

Tại Đồng Tháp, trong ngày 11.12, tỉnh có 10 ca mắc tử vong, nâng tổng số ca mắc tử vong lên 347 ca, chiếm tỷ lệ 1,17% tổng số ca mắc, tăng 68 ca tử vong so với đầu tháng 12. Tỉnh đang điều trị hơn 8.300 ca mắc, trong đó gần 8.000 ca mắc nhẹ không có triệu chứng, chiếm hơn 96%; có 109 ca nặng và 65 ca rất nặng. Hiện Đồng Tháp huy động 188 bác sĩ, 393 điều dưỡng để phục vụ công tác điều trị bệnh Covid-19.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết: “Tỉnh yêu cầu các huyện chuyển hướng sang phương thức điều trị mới để đạt hiệu quả hơn. Trong đó, điểm mới của tỉnh là sử dụng nhiều lực lượng tình nguyện viên theo dõi sức khỏe các F0 điều trị tại nhà nhằm giảm tải cho nhân viên y tế tuyến xã, để tập trung xử lý các ca nặng…”.

Trần Ngọc

10 công ty dược trong nước đã nộp hồ sơ đăng ký thuốc Molnupiravir

Các thuốc ức chế vi rút trong điều trị Covid-19 như Molnupiravir đều là thuốc mới. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 23 ngày 9.12.2021 bãi bỏ một số quy định, giúp nới lỏng điều kiện cấp số đăng ký lưu hành thuốc mới, đáp ứng ứng nhu cầu cấp bách cho phòng chống dịch bệnh, với các thuốc nộp hồ sơ xin cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc trước ngày 31.12.2022.

Có 10 công ty dược trong nước đã nộp hồ sơ đăng ký thuốc Molnupiravir, với năng lực sản xuất ước đạt 8 - 9 triệu liều/năm, đáp ứng nhu cầu điều trị.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.