Bảo vệ gia đình trước tấn công mạng
Tình trạng lừa đảo, nội dung độc hại tràn lan trên mạng đang là nỗi lo của nhiều gia đình, nhất là khi trẻ em sử dụng internet ngày càng nhiều. Khảo sát mới đây của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy thời gian trẻ sử dụng mạng xã hội trung bình lên đến 5 - 7 tiếng/ngày. Làm thế nào để bảo vệ con em khi sử dụng internet trở thành nỗi lo hằng ngày của nhiều gia đình.
Từ các nghiên cứu và nhìn ra được "thị trường" an ninh mạng cho các hộ gia đình vẫn còn bỏ trống, Ngô Tuấn Anh cùng các cộng sự đã bắt tay nghiên cứu và năm 2022 cho ra đời Công ty CP An ninh mạng thông minh SCS. Nhưng mãi đến hơn 6 tháng trước, bộ giải pháp SafeGate Family của công ty này mới chính thức được giới thiệu đến với người tiêu dùng.
Đây là giải pháp an ninh mạng dành cho các hộ gia đình để quản lý, bảo vệ con trẻ khi sử dụng internet. Khi cài đặt tính năng này, phụ huynh có thể giới hạn thời gian sử dụng game, mạng xã hội hằng ngày; giới hạn thời gian sử dụng internet của con theo từng thiết bị; chặn các nội dung độc hại trên YouTube, Google…; tự động chặn kết nối tới các địa chỉ lừa đảo, mã độc để phòng tránh đánh cắp tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng… Dù mới ra mắt, đến cuối tháng 7.2023, công ty đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn công nghệ Accton để tích hợp và cung cấp dịch vụ quản lý, an toàn internet "Make in Vietnam" ra các thị trường quốc tế.
Chung tay hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp
VN cũng đã có Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo hay hoạt động start-up. Tuy nhiên, các chính sách còn dàn trải, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực. Vì vậy cần có những quy định cụ thể hơn như nhóm ngành nào, sản phẩm nào được ưu tiên. Đặc biệt, phải nêu rõ với doanh nghiệp khởi nghiệp cần có những hồ sơ giấy tờ gì, nộp ở đâu thì được miễn giảm tiền thuê đất, giảm phí, hỗ trợ tiếp cận vốn thì làm gì... Bởi với các đơn vị, giai đoạn đầu là khó khăn trăm bề nên cần được hỗ trợ, nhất là về vốn, chi phí. Không chỉ nhà nước có chính sách hỗ trợ mà cũng cần khuyến khích thêm các tập đoàn, doanh nghiệp lớn chung tay hỗ trợ cho các cá nhân mạnh dạn start-up.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh
Có thể nói, SafeGate là một hàng rào bảo vệ cho các gia đình trước sự tấn công như vũ bão của những nội dung độc hại trên mạng. Theo ông Ngô Tuấn Anh, giải pháp an ninh mạng tại VN từ trước đến nay chỉ tập trung ứng dụng cho các công ty lớn, các tập đoàn với chi phí rất cao. Qua quá trình nghiên cứu, công ty của ông muốn tập trung vào giải pháp dành cho các gia đình với chi phí thấp, dễ sử dụng. Nếu như nỗi lo của các công ty là bị mất dữ liệu, tấn công mạng khiến hệ thống bị ngừng hoạt động… thì nỗi lo của nhiều phụ huynh hiện nay là làm sao để giúp con tránh "nghiện" internet, tránh bị nội dung độc hại trên mạng gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý…
Nhu cầu khác nhau nên giải pháp cũng khác nhau. Hơn nữa, các gia đình sẽ không thể chi ra quá nhiều tiền để mua những giải pháp an ninh mạng phức tạp. Vì vậy, công ty đưa ra giải pháp theo dạng thuê dịch vụ hằng tháng chỉ khoảng 40.000 - 50.000 đồng/tháng, tương tự như đóng phí internet, truyền hình cáp. Mục tiêu của công ty sẽ phấn đấu trở thành đơn vị tiên phong trong thị trường hộ gia đình không chỉ ở VN mà còn vươn ra khu vực. Dù vậy, ra đời trong bối cảnh kinh tế VN đang khó khăn vì bị ảnh hưởng chung của thế giới, công ty này cũng phải điều chỉnh lại mục tiêu phù hợp, cố gắng vượt qua giai đoạn thách thức này.
Điền vào khoảng trống trong thị trường ngách
Thực phẩm chay thường được làm từ những nguyên liệu quen thuộc với các bà nội trợ và ăn chay cũng là chuyện "thường ngày" với nhiều người. Thế nhưng, sản phẩm chay ăn liền để tiện lợi cho người đi làm, di chuyển xa… lại hầu như chưa có. Sau hơn 1 năm thành lập công ty và nghiên cứu sản phẩm, tìm hiểu thị trường, 4 tháng trước, Công ty TNHH Thực phẩm Sài Gòn Chay đã tung ra cơm chay lá sen, bánh giò chay và chả giò thủ chay là sản phẩm tiệt trùng, có hạn sử dụng 30 ngày, giá bán lẻ dưới 20.000 đồng.
Chọn thời điểm đưa sản phẩm ra thị trường chỉ trước mùa Vu Lan nên trong tháng 7 Âm lịch vừa qua, công ty có lúc rơi vào tình trạng sản xuất không kịp đơn hàng. Những tháng bình thường thì số lượng bán ra chưa cao do phần đông người dùng VN vẫn chỉ ăn chay 2 - 3 ngày trong một tháng. Tuy nhiên, điều đó không làm nản lòng những người sáng lập và họ xác định tiếp tục "nuôi" công ty trong vài năm đầu. Theo ông Trần Công Phương Linh - Giám đốc Công ty Thực phẩm Sài Gòn Chay: Ở VN hầu như chưa có sản phẩm chay ăn liền, chỉ cần mua về, bỏ vô lò vi ba hâm nóng hoặc mua ra khỏi cửa hàng là ăn được luôn. Việc "điền vào khoảng trống" của công ty sẽ giúp nhiều người không phải mất thời gian mua nguyên liệu chay để chế biến. Hiện công ty chủ yếu làm cho các đơn đặt hàng từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp để phục vụ công tác xã hội, làm thiện nguyện…
Mục tiêu sắp tới, công ty sẽ có thêm nhiều sản phẩm khác như cơm chiên dương châu, cơm lá sen đựng trong tô, chén chịu nhiệt. Bởi qua thực tế và phản ánh từ khách hàng, các sản phẩm đang được bọc trong túi ni lông chịu nhiệt vẫn chưa thích hợp để cho người di chuyển, công tác ăn mọi lúc mọi nơi. Do vậy công ty sẽ thay đổi mẫu mã, bao bì để tăng thêm tính tiện dụng cho người sử dụng. Ông Linh nhấn mạnh: "Trên thế giới, xu hướng ăn chay đồng nghĩa với việc giảm ăn thịt đang được khuyến khích vì họ luôn dạy con trẻ biết yêu thương động vật. Nhiều tổ chức môi trường cũng khuyến khích xu hướng ăn chay để bảo vệ môi trường và nhiều người đã nhận ra rằng ăn chay đầy đủ dinh dưỡng cũng rất tốt cho sức khỏe".
Đánh giá là thị trường thực phẩm chay sẽ tăng nên mục tiêu của công ty là sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tăng danh mục hàng hóa và đầu tư thêm vào mảng thịt thực vật. Ông Linh tiết lộ đã làm việc với một đối tác tại châu Âu để mua công nghệ, nguyên liệu sản xuất thịt thực vật, đảm bảo dinh dưỡng tương đương với thịt động vật. Tuy nhiên, giá thành vẫn còn cao nên thời điểm thực hiện sẽ cân nhắc phù hợp với thị trường VN.
"Xu hướng tăng dùng sản phẩm từ thực vật đã thấy rõ trên thế giới vì lý do sức khỏe, môi trường và VN cũng đang theo xu hướng này. Đây là thị trường rất rộng lớn. Một số công ty sản xuất thực phẩm chay ở VN đã xuất khẩu đi nhiều nước. Sản phẩm này có thủ tục xuất khẩu dễ hơn do không bị yêu cầu kiểm tra gắt gao như thực phẩm từ động vật… Có thể trong năm 2024 công ty sẽ bắt đầu thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sau khi sản phẩm đã ra thị trường nội địa và được người tiêu dùng đón nhận", ông Trần Công Phương Linh chia sẻ thêm.
Tăng giá trị nông sản quê hương
Xuất thân từ nhà giáo, Nguyễn Thanh Việt (Vĩnh Long) đã nhìn thấy nỗi khổ của người nông dân quê anh khi phải thường xuyên đối mặt với tình trạng được mùa thì mất giá hoặc mất mùa được giá. Đặc biệt với sản phẩm khoai lang, một đặc sản của vùng quê anh nhưng giá trị thấp vì chủ yếu chỉ đào lên bán. Tại sao người dân mình chỉ có thể làm các loại bánh từ bột gạo, bột năng, bột mì, vậy có thể làm từ bột khoai lang hay không?
Từ những câu hỏi đó, Nguyễn Thanh Việt bắt tay vào nghiên cứu thêm các sản phẩm chế biến từ khoai lang. Từ những củ khoai quá to, quá nhỏ không thể bán được ra thị trường, anh chế biến thành những món ăn mới lạ như bánh phồng tôm, bánh trung thu khoai lang… Mất gần cả năm trời để liên tục thay đổi công thức, gia giảm liều lượng, nếm trải không biết bao nhiêu lần thất bại mới có thể cho ra đời bánh phồng tôm khoai lang.
Oái ăm thay, Công ty TNHH MTV bánh Nhật Ngọc vừa ra đời không lâu thì gặp ngay đại dịch Covid-19 ập đến. Hoạt động công ty cũng bị gián đoạn và thật sự thời gian hoạt động cũng chỉ mới gần 2 năm nay. Hiện sản phẩm chính là bánh phồng tôm khoai lang đã được phân phối ra nhiều đại lý ở phía bắc và khu vực ĐBSCL.
Bên cạnh đó, công ty cũng đa dạng hóa sản phẩm như sản xuất vỏ bưởi sấy, vào mùa trung thu thì có bánh trung thu khoai lang… Trung bình mỗi tháng công ty cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn sản phẩm. Hiện nay, nhiều người đã biết đến sản phẩm của anh Việt và người sáng lập cũng có nickname gần gũi là Mr.Khoai lang. Nguyễn Thanh Việt thừa nhận: Sản phẩm không mới, mô hình kinh doanh không mới, chỉ có điều sử dụng nguyên liệu mới là từ khoai lang - đặc sản của quê hương Vĩnh Long.
"Mình mong muốn góp tí công sức để làm tăng thêm giá trị nông sản của quê hương, để người nông dân không phải bỏ đi những sản phẩm chưa đủ chuẩn. Chỉ có đa dạng hóa, chế biến ra nhiều sản phẩm hơn từ nguyên liệu khoai lang thì mới có thể góp phần giảm bớt được tình trạng được mùa mất giá. Đi vào thực tế mới biết khởi nghiệp là phải đổi diện với muôn vàn khó khăn. Không phải cứ bán ra được một sản phẩm là lời được ngay mà phải gồng mình chịu lỗ 5 - 7 năm là bình thường. Đặc biệt, thời gian đầu không chỉ bỏ vốn ra mà là toàn bộ thời gian, sức khỏe bởi thực tế luôn có sai sót. Khởi nghiệp có thể nói rằng chỉ dành cho người dám chấp nhận thất bại", Nguyễn Thanh Việt chia sẻ.
Đó chỉ là một số trường hợp trong vô vàn hoạt động khởi nghiệp đang diễn ra trên khắp mọi miền Tổ quốc, bất chấp kinh tế thế giới lẫn VN còn đang khó khăn. Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo luôn nhận được sự cổ vũ ở bất cứ quốc gia nào và VN cũng không ngoại lệ. Bởi chỉ có khởi nghiệp mới tạo ra được những doanh nghiệp, tập đoàn lớn, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Hoạt động khởi nghiệp VN đứng thứ 3 Đông Nam Á
Theo báo cáo của Do Ventures và StartupBlink, hệ sinh thái khởi nghiệp (start-up) VN đã từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore. Sự tăng trưởng này được thể hiện cụ thể qua cả tỷ lệ vốn đầu tư vào thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo đang hoạt động tại VN.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn nói chung, dòng vốn đầu tư vào start-up trên toàn cầu đã sụt giảm, trong đó có VN. Theo Báo cáo đổi mới và đầu tư công nghệ 2023 do Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures công bố, vốn đầu tư vào start-up VN năm 2022 đạt 634 triệu USD, giảm 56% so với năm 2021. Còn trong 6 tháng đầu năm 2023, theo một số thống kê, số vốn chỉ dao động từ 350 - 400 triệu USD. Dự báo năm 2023, mức vốn đổ vào start-up có thể chỉ đạt tương đương năm 2022.
Dù vậy, nhiều quỹ đầu tư vẫn đánh giá các hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh ở VN rất tiềm năng. Chẳng hạn, VinaCapital Ventures đã có 2 quỹ đầu tư chuyên rót vốn vào các công ty khởi nghiệp tại VN. Quỹ thứ hai hiện đang có danh mục 22 công ty. Đơn vị này đang chuẩn bị quỹ thứ ba và dự kiến sẽ ra mắt vào quý 2/2024. Quỹ này sẽ tập trung vào các công ty công nghệ trong giai đoạn phát triển mở rộng với phần tăng của vốn đầu tư…
Doanh nghiệp thành lập mới tăng
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong 9 tháng năm 2023, cả nước có 116.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó có 48.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,2%. Ở chiều ngược lại, có 75.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2%; 46.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9% và 13.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%.
Bình luận (0)