Hiện nay đang vào giữa tháng 12, nghĩa là Nam bộ đã trải qua trọn vẹn một mùa mưa. Tuy nhiên những ảnh hưởng của tình trạng hạn mặn vừa qua vẫn còn nguyên trên một số vườn cây ở các tỉnh ĐBSCL. Nhắc đến tình trạng hạn mặn vừa qua ông Hồ Thanh Vân, xã An Khánh (Châu Thành, Bến Tre) chỉ lên cây ca cao bên hiên nhà nói: Mấy cái lá xanh có rìa cháy vàng vàng là hậu quả của hạn mặn.
|
Ông đưa tay hái một chiếc lá như thế xuống rồi giải thích: Hồi cao điểm hạn mặn cán bộ kỹ thuật giải thích với bà con là nước mặn dưới 2 - 4%, không làm ảnh hưởng đến cây trồng. Chúng tôi nghe vậy làm theo, sau đó mới rút ra kinh nghiệm quan trọng là nước khi mình lấy vào thì độ mặn từ 2 - 4% nhưng trời nắng bốc hơi sẽ làm độ mặn tăng.
Tưới lần thứ nhất độ mặn là 2 - 4%, nhưng tưới nhiều lần thì độ mặn trong đất cũng tăng theo. Càng tưới cây càng chết. Chưa hết, muối đó vẫn còn nằm lại trong đất nên khi mưa xuống, đất nhả muối ra cây tiếp tục bị nhiễm mặn lần 2. “Đây là những lá cây bị nhiễm mặn lần 2 do mùa mưa mới bắt đầu. Hạn mặn đã làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng vườn ca cao trên 30%”, ông Vân nói.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, lũ đầu nguồn miền Tây đạt đỉnh vào cuối tháng 10, ở mức 3,1 m trên sông Tiền tại Tân Châu và hơn 2,8 m trên sông Hậu ở Châu Đốc; cao hơn năm trước 0,4 - 0,5 m. Mực nước năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm gần 1 m và được xác định là một trong những năm lũ kiệt.
Tích trữ nước ngọt phòng vệ
Mùa khô 2016 - 2017 được dự báo là khá gay gắt vì lượng mực nước lũ trên sông Tiền, sông Hậu thấp hơn trung bình nhiều năm. Để chuẩn bị đối phó với tình hình hạn mặn sắp tới, ông Vân chuẩn bị thuê người nạo vét các mương trong vườn để dự trữ nước ngọt trước khi mặn xâm nhập. Ông còn nghĩ đến chuyện đào ao trữ nước ngọt, nhưng còn ngần ngại vì quá tốn kém và tốn nhiều diện tích khu vườn vốn không rộng của mình.
Các chuyên gia môi trường và khí hậu đều nhận định do mực nước sông thấp hơn trung bình nhiều năm, nên hạn mặn cũng khá gay gắt. Tuy nhiên, năm nay có yếu tố may mắn là có mưa trái mùa. Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan cho biết từ nay đến tháng 2.2017 vẫn có nhiều khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới (thậm chí mạnh lên thành bão), ảnh hưởng đến các vùng biển phía nam và gây mưa trái mùa ở Nam bộ.
TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ) đánh giá điều quan trọng nhất là nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt của người dân ở các vùng ven biển. “Tốt nhất là mỗi hộ gia đình nên tự trang bị các dụng cụ trữ nước mưa tại nhà; nên tranh thủ các cơn mưa cuối mùa, trái mùa để tích trữ nước cho gia đình mình”, TS Ni khuyến cáo và cho rằng cần phải cảnh giác và chuẩn bị ứng phó trong mùa khô sắp tới.
Theo chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện, việc ứng phó với thiên nhiên cần hết sức tỉnh táo. Bởi tình trạng hạn mặn, biến đổi khí hậu là xu hướng chung và mức độ ngày càng tăng. Tuy nhiên sự gay gắt như năm 2015 - 2016 là cực đoan và không nằm trong xu hướng trên. Chính vì vậy không nên dựa vào những thông số đó để xây dựng các giải pháp ứng phó mà nên dựa vào các thông số theo xu hướng chung.
Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng: “Thông thường ở VN người ta thường nghĩ tới các giải pháp công trình chống hạn mặn hay biến đổi khí hậu, tuy nhiên những giải pháp kiểu như vậy thường tốn kém và không hiệu quả. Chúng ta nên tìm cách thích nghi với tự nhiên, khuyến khích các giải pháp tại chỗ như việc người dân tích nước ngọt phục vụ sinh hoạt”.
Thích ứng theo vùng sinh thái
Tại hội thảo khoa học “Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu ĐBSCL” do Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam cùng Văn phòng Chương trình Tây Nam bộ và Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM tổ chức cuối tháng 11, TS Bùi Văn Quyền, Giám đốc Văn phòng Chương trình Tây Nam bộ, cho biết: Quan điểm chung trong phát triển vùng ĐBSCL đã thay đổi từ “chống” sang “thích nghi” với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Theo đó, trên bình diện chung của toàn vùng cây lúa không còn là ưu tiên số 1 như trước đây mà sẽ phát triển theo vùng sinh thái. Có những tỉnh trong vùng ngọt như An Giang, Đồng Tháp cây lúa vẫn là ưu tiên nhưng những tỉnh ven biển thì đối tượng ưu tiên sẽ phải thay đổi cho phù hợp. Đây là một điều rất quan trọng về tư duy và nó phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng. Nó cũng là cách thích nghi và phát triển tốt nhất cho vùng ĐBSCL. “Việc thay đổi tư duy ưu tiên số 1 cho cây lúa rất quan trọng, vì nó cho phép các địa phương có thể tự do phát triển phù hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên của mình. Điều đó cũng giảm chi phí đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế toàn vùng”, TS Quyền nhận định.
Thực tế các địa phương cũng đã chủ động xây dựng các chương trình thích nghi và ứng phó theo quan điểm trên. Cụ thể như tỉnh Bến Tre là địa phương giáp biển lại có nhiều cửa sông nên bị ảnh hưởng rất mạnh của tình trạng hạn mặn. Về mặt tự nhiên được chia ra làm 3 tiểu vùng ngọt, lợ, mặn khá rõ nên UBND tỉnh này đã triển khai bố trí lại cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với từng vùng sinh thái.
Cụ thể, vùng ngọt như H.Chợ Lách sẽ phát triển kinh tế vườn như bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm... đồng thời cũng là khu vực trọng điểm phát triển nghề trồng hoa kiểng, sản xuất giống cây ăn trái. Vùng lợ chủ yếu trồng dừa và những cây ăn trái kết hợp với dừa. Vùng mặn sẽ chuyên canh và luân canh tôm nước lợ mặn; ngành trồng trọt chủ yếu là lúa luân canh với tôm và rau màu trên giồng cát... UBND tỉnh Bến Tre cho biết sẽ nghiên cứu khả năng xây dựng các đập, cống giữ nước nhằm tận dụng các kênh, rạch tự nhiên làm hệ thống hồ trữ nước ngọt vào mùa khô để đảm bảo cung cấp nước tại chỗ cho sinh hoạt và sản xuất.
Trên cơ sở dự báo của ngành khí tượng thủy văn, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành việc nạo vét các kinh thủy lợi nội đồng để trữ ngọt, ngành nông nghiệp xây dựng lại lịch thời vụ ở một số vùng thường bị mặn xâm nhập nhằm tránh thiệt hại cho người dân như vụ đông xuân cùng kỳ. Ðối với những vùng chủ động được nước ngọt sẽ dự trữ nước ngọt tại chỗ và gieo sạ theo từng tiểu vùng, tổ chức liên kết sản xuất tập trung theo từng tiểu vùng nhằm giảm chi phí sản xuất.
Bình luận (0)