Với quy mô tới hơn 100.000 thí sinh dự thi để xét tuyển vào hơn 100 đơn vị đào tạo, sai sót của kỳ thi này đã đặt ra yêu cầu cao hơn đối với các kỳ thi riêng do các trường ĐH tổ chức, đặc biệt trong công tác đề thi, quy trình tổ chức thi và công bố kết quả.
NGÀY CÀNG NHIỀU KỲ THI TUYỂN SINH RIÊNG
Từ năm 2013, với mục tiêu cải tiến chất lượng kỳ thi tuyển sinh ĐH theo hình thức "3 chung", ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất với Bộ GD-ĐT phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên nghiệp, tách riêng phần thi tuyển và xét tuyển. Đồng thời, công tác xây dựng đề thi sẽ được thực hiện bởi trung tâm khảo thí độc lập, tiếp cận công nghệ đánh giá tiên tiến của thế giới. Tuy nhiên, phương án này đã không được thực hiện. Sau đó, từ năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức thay cho kỳ thi "3 chung", đảm nhiệm cùng lúc 2 nhiệm vụ là làm cơ sở để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Đến năm 2018, ĐH Quốc gia TP.HCM bắt đầu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, từ trước đó đã được chuẩn bị bằng Đề án xây dựng và tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ triển khai từ năm 2016. Trong năm đầu tiên tổ chức, kỳ thi chỉ thu hút gần 5.000 thí sinh (đến từ 46 tỉnh/thành phố và 616 trường THPT). Nhưng đến năm 2024, hơn 100.000 thí sinh đến từ hơn 60 tỉnh/thành phố và 1.815 trường THPT đã đăng ký dự thi. Số lượng trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh tăng từ 7 trường năm 2018 lên hơn 100 trường năm nay. Theo kế hoạch, từ năm 2025 ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến tiếp tục được điều chỉnh cấu trúc đề thi phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sau ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều kỳ thi riêng của các trường ĐH khác dần được triển khai. Chẳng hạn, từ năm 2020 kỳ thi đánh giá tư duy là một trong 3 phương thức xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội. Từ năm 2021, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng bắt đầu được thực hiện và năm nay thu hút hơn 100.000 thí sinh dự thi tại 11 địa phương trong cả nước. Nhiều trường ĐH khác cũng tổ chức kỳ thi riêng như: Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Việt Đức… Đặc biệt, kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH trên máy tính phục vụ tuyển sinh (V-SAT) cũng được tổ chức đồng loạt ở nhiều trường ĐH trong năm nay.
CÁCH NÀO TRÁNH SAI SÓT TỪ ĐỀ THI?
Hiện nay, đơn vị tổ chức các kỳ thi riêng không công bố đề thi sau khi thi. Nhưng với sự cố năm nay, lần đầu tiên xảy ra 2 sai sót về đề thi và công bố kết quả sau 7 năm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi quan điểm này.
Thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên luyện thi đánh giá năng lực trực tuyến tại TP.HCM, cho rằng kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH quốc gia tổ chức hiện đang thu hút hàng trăm ngàn lượt thí sinh dự thi mỗi năm và kết quả sử dụng tuyển sinh cho hơn trăm đơn vị đào tạo. Sự cạnh tranh giữa các thí sinh trong kỳ thi này rất lớn, đặc biệt khi dùng xét tuyển vào trường và ngành nhiều thí sinh quan tâm.
Theo dõi các kỳ thi riêng nhiều năm, thạc sĩ Công cho rằng sự cố sai sót trong đề thi xảy ra cho thấy bộ phận làm đề có sự chủ quan nhất định. Hơn nữa, việc không công bố đề và đáp án, kỳ thi sẽ không nhận được sự phản biện để tốt hơn. Thạc sĩ Công đề xuất: "Muốn thực sự chất lượng, các kỳ thi riêng cũng cần có cách công bố nào đó để thí sinh biết được đáp án, thang điểm… như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Không chỉ thí sinh, xã hội cũng cần tham gia phản biện nếu đề thi có vấn đề".
"Ngân hàng đề thi của các kỳ thi cần được xây dựng đa dạng hơn, tránh tình trạng những câu hỏi của đề thi đợt sau na ná đợt trước trong khi thí sinh được phép tham gia thi nhiều lần để lấy kết quả thi cao nhất phục vụ xét tuyển. Chất lượng câu hỏi cũng phải tốt hơn, tránh tình trạng các đáp án lựa chọn gây tranh cãi", thạc sĩ Công nhấn mạnh.
Trưởng phòng Đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng việc đảm bảo an toàn và nghiêm túc của các kỳ thi riêng thực sự cần thiết, đặc biệt các kỳ thi được tổ chức ở quy mô lớn. Lý giải góp ý trên, vị trưởng phòng này nói: "Các sai sót về đề thi vừa qua cho thấy khâu làm đề chưa thực sự kỹ lưỡng. Điều này cho thấy việc không công bố đề thi chưa chắc đã tốt. Với những đơn vị có ngân hàng đề thi đủ lớn thì có thể công bố đề sau khi thi để xã hội cùng giám sát. Việc công bố đề thi, đáp án là cần thiết với những kỳ thi lớn".
Về công tác đề thi, cán bộ khảo thí một trường ĐH cho rằng: "Để hạn chế tối đa các sai sót không đáng có ở các câu hỏi thi của đề thi, cần thực thi đầy đủ các bước của quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Đặc biệt là bước thử nghiệm phân tích giá trị các thông số của câu hỏi; có các tổ chức độc lập tham gia phân tích đánh giá một cách khách quan các thông số trong quá trình thử nghiệm và tăng cường hoạt động thử nghiệm câu hỏi một cách bài bản, chuyên nghiệp".
Vì sao không công bố đề thi và đáp án?
Một trong những khâu quan trọng trong tổ chức kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh ĐH là đề thi. Ngay thời điểm chuẩn bị cho kỳ thi này, ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết đã tập hợp một đội ngũ lớn chuyên gia trong và ngoài hệ thống - những người có kinh nghiệm làm đề thi trong nước, quốc tế và am hiểu về nguyên lý khảo thí. Mỗi câu hỏi đều trải qua quá trình thẩm định kỹ lưỡng với các bước gồm phản biện, điều chỉnh, cho học sinh lớp 12 thi thử trước khi đưa vào ngân hàng câu hỏi. Câu hỏi nào đã thi thử thì một năm sau mới được sử dụng và quá trình này diễn ra liên tục. Số lượng câu hỏi trong ngân hàng trước mỗi đợt thi đều trên 5.000 câu, bảo đảm độ tin cậy của các bài thi. Ngay từ năm đầu tiên tổ chức kỳ thi đến nay, ĐH Quốc gia TP.HCM không công bố đề thi và đáp án.
Các kỳ thi riêng do các đơn vị khác tổ chức hiện cũng không công bố đề thi và đáp án sau khi tổ chức. Lý giải nguyên nhân, phó hiệu trưởng một trường ĐH có tổ chức kỳ thi riêng tại TP.HCM cho biết việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được dựa trên lý thuyết hồi đáp nói riêng và lý thuyết khảo thí hiện đại nói chung. Theo kinh nghiệm quốc tế với các tổ chức khảo thí uy tín trên thế giới, việc xây dựng câu hỏi chuẩn hóa phải được thử nghiệm thực tế trên đối tượng thi thử để xác thực các thông số của câu hỏi như: độ khó, độ tin cậy, độ giá trị. Đặc biệt, việc thử nghiệm câu hỏi nhằm để tránh có những lỗi sai không đáng có trong đề thi.
Vị phó hiệu trưởng này khẳng định: "Cũng theo thông lệ quốc tế, các câu hỏi đã được chuẩn hóa khi tổ chức thi thì không công bố với tính chất bảo mật. Bên cạnh đó, để xây dựng được một câu hỏi đánh giá năng lực phải qua nhiều bước, số lượng câu hỏi đạt chuẩn không nhiều (chỉ chiếm 1/3 câu hỏi dùng được). Do thi nhiều đợt trong năm nên nếu công bố mà đề thi chọn ngẫu nhiên thì cần công bố cả ngân hàng. Khi đó, không còn khả năng xây dựng bổ sung và cập nhật ngân hàng câu hỏi cho các năm sau. Đặc biệt là rất tốn kém về mặt kinh tế và tính khả thi không đảm bảo".
Bình luận (0)