Sáng 24.3, tại TP.Rạch Giá (Kiên Giang), phiên toà sơ thẩm xét xử lưu động vụ án nổ súng làm chết 2 người chấn động đảo Phú Quốc hồi đầu tháng 8.2015 tiếp tục diễn ra với phần tranh luận của luật sư bào chữa.
Bị cáo Đỗ Thanh Sơn đứng trước vành móng ngựa - Ảnh: Xuân Lam |
Các luật sư (LS) nhận bào chữa cho bị cáo Đỗ Thanh Sơn (tự Tuấn Em), Nguyễn Trọng Nghĩa, Ông Minh Phụng đều đề nghị HĐXX xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ vì cho rằng các bị cáo đã thành khẩn khai báo.
LS Lê Văn Chiểu, bào chữa cho bị cáo Sơn đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết như bị cáo đã ăn năn, đang mắc căn bệnh nan y… để giảm nhẹ cho bị cáo này từ tử hình xuống còn chung thân. LS Chiểu cho rằng: “Bảo là người vi phạm trước, nhiều lần đánh bị cáo Sơn gây thương tích. Bị cáo Sơn có trình báo sự việc với khu phố, ấp…nhưng sự thờ ơ của chính quyền khiến cho mâu thuẫn giữa 2 bên không được giải quyết mà ngày càng căng thẳng, dẫn đến hậu quả như hôm nay”. Riêng tội giết trẻ em, LS cho rằng không có cơ sở vì bị cáo Sơn không có ý định giết Ngân (là bạn gái của Sơn), bởi trước khi nổ súng, Sơn đã kêu Ngân đi nhưng do Ngân tự nguyện muốn chết cùng.
LS bào chữa cho bị cáo Nghĩa cho rằng mức án Viện KSND đề nghị 12-14 năm là phù hợp nhưng đề nghị HĐXX cân nhắc việc áp dụng điều khoản tình tiết tăng nặng cho phù hợp và tuyên ở mức án 12 năm.
Trong khi đó, 2 luật sư Bùi Quốc Tuấn và Phạm Tấn Thuấn bào chữa cho bị cáo Phụng đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh “không tố giác tội phạm”.
Theo các LS trên thì khi bị cáo Sơn lẩn trốn ở Bãi Thơm, bị cáo Phụng đã điện thoại báo với Công an huyện Phú Quốc và Phụng cũng đã khuyên Sơn nên đi đầu thú.
Viện KSND đề nghị án tử hình
Trước đó, ở cuối phiên xử chiều 23.3, đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại toà đã trình bày quan điểm luận tội và đề nghị mức án để HĐXX xem xét áp dụng đối với 8 bị cáo trong vụ nổ súng bắn chết 2 người tại đảo Phú Quốc. Theo nhận định của đại diện Viện KSND, bị cáo Đỗ Thanh Sơn và các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội một cách quyết liệt. Bị cáo Sơn chủ động mang theo súng, dao, gọi thêm đàn em đến địa điểm gây án với ý đồ tước đoạt mạng sống của nạn nhân rất rõ.
Tội của bị cáo Sơn cũng có nhiều tình tiết tăng nặng như giết nhiều người mang tính chất côn đồ, giết trẻ em (tự bắn mình và người yêu Nguyễn Thị Kim Ngân, lúc đó Ngân chưa tròn 15 tuổi), bản thân có tiền án về tội trộm cắp tài sản và trốn khỏi nơi giam giữ.
Sau khi phạm tội, Sơn bỏ trốn, đồng thời mang theo ma tuý, súng đạn để sẵn sàng tự tử nếu bị phát hiện… Hành vi của bị cáo Sơn thể hiện ý chí phạm tội đến cùng và không chấp nhận sự phán xét của pháp luật.
Người hỗ trợ đắc lực cho Sơn là bị cáo Nguyễn Trọng Nghĩa, dù không có mâu thuẫn với nạn nhân nhưng vẫn dùng mã tấu chém nạn nhân Nguyễn Quốc Bảo dã man cho đến khi anh Bảo gục tại chỗ.
Một người có ảnh hưởng lớn khác tới hành vi của Sơn là bị cáo Ông Minh Phụng đã có hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và cung cấp vũ khí cho Sơn; đồng thời còn trợ giúp sức Sơn bỏ trốn.
Cũng liên quan đến khẩu súng Sơn gây án là bị cáo Nguyễn Văn Chưởng, nguyên là cán bộ công an nhưng lại tàng trữ trái phép vũ khí và làm quà đem tặng cho Ông Minh Phụng. Các bị cáo còn là Phan Thanh Giang, Nguyễn Hữu Phúc, Nguyễn Nhật Hoàng Khương và Tôn Văn Nhân đều tham gia tích cực nhằm giúp Sơn trốn tránh khỏi bị xử lý theo định pháp luật, dù biết rõ việc làm của mình là sai trái.
Từ quan điểm luận tội nêu trên, đại diện Viện KSND tỉnh Kiên Giang đã đề nghị tòa tuyên phạt: Đỗ Thanh Sơn tổng hợp hình phạt cho 4 tội danh giết người, giao cấu với trẻ em, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma tuý, tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng chịu mức án tử hình; bị cáo Nguyễn Trọng Nghĩa mức hình phạt từ 12 - 14 năm tù cho tội giết người.
Các bị cáo: Phan Thanh Giang, Nguyễn Hữu Phúc, Nguyễn Nhật Hoàng Khương và Tôn Văn Nhân bị đề nghị mức hình phạt từ 1 - 4 năm tù cho tội che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm. Bị cáo Ông Minh Phụng bị đề nghị mức án từ 5 - 7 năm tù cho 2 tội danh tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và không tố giác tội phạm. Bị cáo Nguyễn Văn Chưởng bị đề nghị mức án từ 1 - 1 năm 6 tháng tù cho tội danh tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Đại diện Viện KSND đã đề nghị HĐXX cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Chưởng như: nhân thân tốt, bản thân có thời gian cống hiến lâu dài trong lực lượng công an, quá trình công tác đã được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhất, Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng nhì và hạng ba.
Được nói lời cuối cùng, bị cáo Đỗ Thanh Sơn bật khóc xin HĐXX cho bị cáo được sống để nuôi 2 con nhỏ và xin lỗi cả hai gia đình nạn nhân. Bị cáo Nghĩa, Phụng cũng xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt và xin lỗi gia đình nạn nhân. Bị cáo Phụng mong muốn được giảm án để sớm về nhà lo cho mẹ già và 3 con nhỏ. Bị cáo Chưởng cho biết mình đang là bệnh nhân thần kinh của Bệnh viện 30.4 của Bộ Công an, mắc nhiều bệnh, trong đó có bệnh parkinson cần phải điều trị dài ngày nên xin được giảm nhẹ hình phạt. Các bị cáo khác đều xin giảm nhẹ tội để sớm về nhà.
|
Bình luận (0)