3 trường hợp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh
Sau khi Quốc hội thống nhất giao Chính phủ quy định mức tiền nợ thuế và thời gian nợ thuế của người nộp thuế sẽ bị áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh, Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo quy định 3 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh với các ngưỡng nợ khác nhau. Cụ thể tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên. Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nợ thuế quá hạn từ 100 triệu đồng trở lên. Đồng thời, cả hai nhóm đối tượng trên cũng sẽ bị áp dụng tạm hoãn xuất cảnh khi không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Dự kiến nghị định này sẽ được thực hiện từ ngày 1.1.2025.
Chuyển cơ quan xuất nhập cảnh sau 30 ngày thông báo mà NNT chưa nộp thuế
Dự thảo của Bộ Tài chính còn quy định biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ được cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế qua phương thức điện tử. Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử hoặc trường hợp đối tượng nợ thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký thì sẽ có thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế. Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo cho người nộp thuế về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan quản lý thuế sẽ có văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực thi.
Nhận xét về quy định của dự thảo, ông Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng việc đưa ra ngưỡng nợ thuế 10 triệu và 100 triệu đồng để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là "khá lạ" vì chưa rõ căn cứ và số lượng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp (gọi chung người nộp thuế - NNT) bị tạm hoãn xuất cảnh sẽ rất nhiều. Trong khi đó, vừa qua, khi cơ quan thuế áp dụng biện pháp này đã gây bức xúc trong dư luận. Bởi trong danh sách cố tình chây ì không chịu nộp thuế thì cũng có những NNT thật sự gặp khó khăn do không bán được hàng, thiên tai, hỏa hoạn… Họ cần sự hỗ trợ, như phân kỳ nộp thuế, khi có dòng tiền thì nộp dần. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế phải tùy từng trường hợp mới hợp lý chứ không nên "đổ đồng".
Chưa kể theo quy định hiện hành, nợ thuế trên 90 ngày thì phạt chậm nộp, trích tài khoản ngân hàng, đình chỉ sử dụng hóa đơn, sau đó tạm hoãn xuất cảnh. Vì vậy, tạm hoãn xuất cảnh trong thời gian tới cũng phải phân loại. Trong trường hợp NNT xuất cảnh để bàn bạc đối tác, ký hợp đồng, giới thiệu sản phẩm dịch vụ thì không nên hạn chế mà cần hỗ trợ họ. "Trong năm 2023, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này có phần lạm dụng nên nghị định sắp tới cần có hướng xử lý giảm phạm vi hơn so với trước. Trong khi đó, ngưỡng 10 triệu và 100 triệu đồng khá thấp. Chưa kể trước đây, cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tạm hoãn xuất cảnh, nhưng từ 1.1.2025, nếu nợ trên 10 triệu đồng tiền thuế mà không trả sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế, nghĩa là phạm vi rộng hơn thì nguy cơ số lượng người bị tạm hoãn xuất cảnh sẽ nhiều hơn.
"Nên tính toán làm sao cho phạm vi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh phải nhỏ hơn, chứ không nên tăng thêm. Nếu áp dụng ngưỡng nợ thuế để thực hiện tạm hoãn xuất cảnh thì mức này phải tăng gấp 5 - 10 lần so với dự thảo đưa ra, chẳng hạn cá nhân nợ thuế là 100 triệu đồng, doanh nghiệp là 500 triệu đồng, tập đoàn 1 tỉ đồng. Đồng thời dự thảo cần bổ sung trong trường hợp NNT đang hoạt động có quá trình lịch sử tuân thủ thuế tốt mà đang gặp khó khăn trong kinh doanh hay họ có lộ trình phân kỳ nộp thuế thì không áp dụng biện pháp cưỡng chế này", ông Tú đề xuất bởi mục tiêu không cho xuất cảnh là sợ trốn đi nước ngoài, chứ NNT đi hợp tác mà không được thì đúng là làm khó họ. Thêm nữa trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, cần chữa bệnh ở nước ngoài mà không cho đi thì không nhân văn. Quyền con người là được tự do đi lại nên cần xem xét áp dụng biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh chỉ khi thật sự cần thiết, tránh lạm dụng.
Cũng có quan điểm không phải cứ nợ thuế là tạm hoãn xuất cảnh, ông Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng đây không phải giải pháp hiệu quả. Đơn cử tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện pháp luật, nhưng đây có thể là người làm thuê, không phải ông chủ doanh nghiệp nên áp dụng biện pháp này cũng chưa chắc đã thu được thuế. Bên cạnh đó, vấn đề gây bức xúc trong thời gian qua là nhiều trường hợp ra đến hải quan sân bay mới biết là không được xuất cảnh vì nợ thuế. Do đó phương thức thông báo thuế đến NNT cần được triển khai đầy đủ, đảm bảo NNT nhận được thông tin nợ thuế và khả năng bị tạm hoãn xuất cảnh. "Không nên tùy tiện áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. NNT có lịch sử tuân thủ pháp luật thuế nhưng vì rơi vào khó khăn, thực hiện tốt nghĩa vụ ngân sách thì cần xem xét tạo thuận lợi cho họ để hoạt động kinh doanh, chứ siết luôn là chết NNT", luật sư Trần Xoa nêu quan điểm.
Cưỡng chế nợ thuế, còn hoàn thuế chậm thì sao ?
Một điểm mới trong dự thảo, theo ông Nguyễn Ngọc Tú, là thời gian nợ thuế tăng lên 120 ngày, cao hơn so với quy định hiện nay 30 ngày. Thế nhưng thời gian này cũng không hỗ trợ NNT nhiều mà cần tăng lên 180 - 183 ngày, tức 6 tháng. "Quy định hiện nay nợ thuế trên 90 ngày sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế. Nhưng đã rơi vào cảnh nợ thuế mà thêm 30 ngày cũng không thể xoay chuyển được tình thế nhiều. Do đó cần dành thêm thời gian cho họ, hơn nữa tạm hoãn xuất cảnh không phải là biện pháp duy nhất trong cưỡng chế thuế hiện nay. Thay vì vậy, cần nghiên cứu hỗ trợ các biện pháp sao cho NNT đóng thuế phân kỳ", ông Tú đề xuất.
Một vấn đề gây bức xúc là cá nhân, doanh nghiệp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh, bêu tên nhưng cơ quan thuế chậm hoàn thì không thấy nói đến. Ông Nguyễn Ngọc Tú nhìn nhận các quy định cần áp dụng một cách bình đẳng. NNT nợ thuế thì cưỡng chế, còn cơ quan thuế chậm hoàn thuế thì cũng nên chịu trách nhiệm rõ ràng, chẳng hạn có biện pháp chế tài, kỷ luật… Trên thực tế, quy định trả lãi chậm hoàn thuế có từ lâu nhưng chưa có NNT nào được trả lãi vì chậm hoàn thuế. Doanh nghiệp bao lâu nay vẫn chịu thiệt thòi về chuyện này. Do đó với cơ chế một cửa hiện nay, hệ thống thuế ứng dụng công nghệ tiên tiến thì cũng nên áp dụng chậm hoàn có thể thực hiện bồi hoàn từ quỹ hoàn thuế chứ không cần phải chờ đợi NNT kiện tụng đòi lãi.
Luật sư Trần Xoa cũng nói thẳng có những trường hợp nợ thuế vì chưa được hoàn thuế, nếu được hoàn thuế đúng thời hạn thì có khi họ cũng đã nộp thuế rồi. Vì vậy, phải nhìn ở cả 2 chiều thì NNT và cơ quan thuế mới là người bạn đồng hành được. Theo quy định hiện nay, hoàn trước - kiểm sau thì mất 6 ngày làm việc; còn kiểm trước - hoàn sau thì mất 40 ngày. Nếu quá thời hạn này mà chưa được thì cơ quan thuế phải trả lãi cho phần thuế chưa hoàn này. "Thế nhưng có những hồ sơ chậm hoàn thuế kéo lên đến 1 - 2 năm có được trả lãi đâu. NNT nhận được tiền hoàn thuế là đã mừng rồi nên họ cũng không mặn mà chuyện đi kiện cơ quan thuế ra tòa để đòi lãi", ông Trần Xoa nói và đề xuất cần xác định hồ sơ hoàn thuế hợp lệ rồi mà chưa được hoàn thuế thì xem xét trả lãi, áp dụng bồi thường hay không. Hơn nữa trong trường hợp NNT đang hoàn thuế mà quá thời hạn chưa được giải quyết thì không áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế. Theo ông, tiền của NNT chưa trả mà áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế là không hợp lý.
Bình luận (0)