Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV ngày 23.5 cho thấy áp lực nợ xấu trong thời gian tới tiếp tục là vấn đề cần quan tâm và theo dõi sát sao.
Nợ xấu đang gia tăng |
nt |
Theo Ủy ban Kinh tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có xu hướng gia tăng; trong trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 6,31%, ở mức cao so với tổng dư nợ.
“Có ý kiến cho rằng các khoản nợ tiềm ẩn hiện nay bao gồm cả nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 14/2021/TT-NNNN của Ngân hàng Nhà nước (được đánh giá là có khả năng chuyển thành nợ xấu). Do chính sách này chỉ được thực hiện đến hết ngày 30.6.2022, việc tiếp tục kéo dài chính sách này hay không cần được đánh giá và cân nhắc, vừa bảo đảm hỗ trợ nền kinh tế, vừa phản ánh thực chất nợ xấu để có giải pháp quản lý, kiểm soát thích hợp”, báo cáo của Ủy ban Kinh tế đánh giá.
Vẫn theo Ủy ban Kinh tế, có ý kiến đề nghị nghiên cứu lộ trình, sớm dừng quy định cho phép cơ cấu nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 15.8.2022, Ủy ban Kinh tế sẽ có báo cáo thẩm tra riêng về nội dung này trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng giai đoạn vừa qua, cho vay bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng tăng mạnh; tỷ lệ tín dụng bất động sản hiện nay cũng như việc mua, bán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng và các công ty chứng khoán thành viên hiện ở mức cao, cũng cần được báo cáo, phân tích kỹ, nhất là các tác động và rủi ro đối với nền kinh tế.
Liên quan đế lĩnh vực ngân hàng, trước đó báo cáo do Phó thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Chính phủ trình bày đánh giá về kết quả tích cực của kinh tế - xã hội năm các tháng đầu năm 2022; lạm phát được kiểm soát, vĩ mô ổn định, GDP hồi phục…
Bên cạnh đó, Chính phủ tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu một số đơn vị yếu kém (nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, 5/12 dự án thua lỗ, kéo dài, 2 ngân hàng yếu kém...). Cụ thể, Chính phủ triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á; rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại theo định hướng mới (trong đó đã có phương án xử lý đối với Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Đại dương).
Bình luận (0)