Hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) VN đã vượt qua được giai đoạn “nóng và nguy hiểm” nhất.
Đến cuối tháng 8, 91,5% tổng số nợ xấu xác định tại tháng 9.2012 đã được xử lý. Mục tiêu của ngành ngân hàng đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% đến cuối tháng 9.2015 sẽ trở thành hiện thực. Đây là khẳng định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh tại hội thảo “Ba năm nhìn lại tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng” do Báo Lao Động và NHNN VN tổ chức chiều 5.10.
Theo NHNN, tại thời điểm tháng 9.2012, nợ xấu là 465.000 tỉ đồng (chiếm tới 17% tổng dư nợ). Sau hơn 3 năm triển khai đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015”, đã xử lý được 424.140 tỉ đồng nợ xấu (tương đương 91,5% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9.2012).
Trong đó, xử lý nợ xấu qua Công ty quản lý tài sản của các TCTD VN (VAMC) chiếm 41,3%, còn lại do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau. Mặc dù nhận định thời điểm này “nợ xấu không còn xấu”, nhưng vấn đề mà các chuyên gia lo ngại là món nợ 200.000 tỉ đang nằm tại VAMC sẽ được giải quyết như thế nào trong bối cảnh VAMC đang gặp khó khăn trong việc bán nợ do vướng mắc về pháp lý.
Thực chất, một lượng lớn nợ xấu được các TCTD đưa ra khỏi bảng cân đối kế toán đã được dịch chuyển nợ sang VAMC (VAMC đã mua trên 200.000 tỉ đồng nợ xấu từ các ngân hàng). TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất, không chỉ hệ thống ngân hàng mà cơ quan hoạch định chính sách cần tạo những điều kiện thuận lợi hơn về mặt pháp lý và nguồn lực để VAMC, các TCTD giải quyết nhanh chóng nợ xấu theo những chuẩn mực về thanh toán nợ cao hơn hoặc ít nhất bằng chuẩn mực áp dụng trong khu vực Đông Nam Á.
Bình luận (0)