Nobel Hòa bình cho hoạt động chống bạo lực tình dục

06/10/2018 08:30 GMT+7

Giải Nobel Hòa bình 2018 được trao cho 2 cá nhân không màng đến an toàn của bản thân để chống lại nạn tấn công tình dục trong chiến tranh.

Ủy ban Nobel Na Uy ngày 5.10 công bố giải Nobel Hòa bình năm nay cùng số tiền thưởng 9 triệu krona (23 tỉ đồng) được trao cho bác sĩ phụ khoa Denis Mukwege người CHDC Congo và nhà hoạt động Nadia Murad (Iraq). Trang Nobelprize.org dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Nobel Berit Reiss-Andersen cho biết 2 cá nhân được vinh danh nhờ nỗ lực chống lại nạn sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh. “Thế giới chỉ có thể hòa bình nếu quyền lợi căn bản và sự an toàn của phụ nữ được bảo vệ, ngay cả trong tình huống chiến tranh”, bà Reiss-Andersen nhấn mạnh.
Cô Murad, 25 tuổi, thuộc cộng đồng người Yazidi thiểu số ở Iraq. Murad từng bị các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt cóc vào năm 2014 và ép làm nô lệ tình dục suốt 3 tháng. Theo Đài UNTV, các phần tử IS khi đó đã tấn công ngôi làng nơi Murad sinh sống ở phía bắc Iraq và sát hại khoảng 600 người, bao gồm 6 anh em trai của cô. Cô là một trong số hơn 6.700 phụ nữ Yazidi bị IS bắt giữ và đưa về TP.Mosul, đa số phải trở thành nô lệ tình dục. Suốt thời gian này, cô liên tục bị cưỡng bức tập thể, tra tấn và đánh đập. Sau khi trốn thoát nhờ sự giúp đỡ của một gia đình ở Mosul, cô được các nhóm hỗ trợ người Yazidi đưa đến Đức và trở thành Đại sứ thiện chí của LHQ từ tháng 9.2016. Murad còn là nhà sáng lập Tổ chức Nadia’s Initiative nhằm giúp đỡ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của chiến tranh và buôn người trên khắp thế giới.
Trong khi đó, suốt 2 thập niên qua, bác sĩ Mukwege (63 tuổi) tận tụy chữa trị cho những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực và cưỡng hiếp tại vùng xung đột phía đông CHDC Congo. Bệnh viện Panzi do ông thành lập vào năm 1999 tại tỉnh Nam Kivu là nơi giúp đỡ hàng chục ngàn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Ông cũng thường xuyên bị các nhóm vũ trang đe dọa vì lên tiếng chỉ trích việc lạm dụng phụ nữ trong chiến tranh, đồng thời gọi hành động cưỡng hiếp là “vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
“Ông Mukwege đã trở thành biểu tượng cho nỗ lực chấm dứt bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang trong nước lẫn quốc tế”, Reuters dẫn thông cáo của Ủy ban Nobel viết. Chiều qua, sau khi biết tin nhận giải, vị bác sĩ này tiếp tục kêu gọi tất cả mọi người, từ quan chức, binh lính, các tay súng, cho tới thường dân chiến đấu chống lại bạo lực tình dục.
Từ ngày 1.10, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố các giải về Y sinh, Vật lý và Hóa học. Theo dự kiến, giải Nobel Kinh tế sẽ được công bố vào ngày 8.10. Những người được vinh danh sẽ nhận giải tại thủ đô Oslo của Na Uy vào ngày 10.12, cũng là kỷ niệm 122 năm ngày mất của nhà khoa học Alfred Nobel.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.