Theo trang Nobelprize.org, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển hôm qua 7.10 công bố giải Nobel Hóa học năm nay là Giáo sư Emmanuelle Charpentier, Giám đốc Viện Max Planck về Mầm gây bệnh tại Berlin (Đức), và đồng nghiệp Jennifer Doudna, giáo sư Đại học California ở Berkeley (Mỹ).
Hai nhà nghiên cứu này đã có công phát hiện một trong những công cụ chỉnh sửa gien di truyền được cho là “sắc bén” nhất từ trước đến nay: “cây kéo sinh học” CRISPR/Cas9. Nhờ vào công cụ này, giới khoa học có thể thay đổi cấu trúc gien di truyền của động vật, thực vật và vi sinh vật với độ chính xác cực cao.
Mọi chuyện bắt đầu khi Giáo sư Charpentier nghiên cứu Streptococcus, một dòng vi khuẩn có hại phổ biến, thì bất ngờ phát hiện một phân tử chưa từng được khám phá trước đó. Đây là một phần của hệ miễn dịch cổ xưa ở vi khuẩn. Phân tử này có tác dụng vô hiệu hóa sự tấn công của vi rút bằng cách cắt đứt những đoạn ADN của đối phương.
Sau khi công bố báo cáo vào năm 2011, bà Charpentier đã hợp tác với đồng nghiệp Doudna để tái tạo lại phân tử trên, và đơn giản hóa nó để biến thành công cụ sử dụng dễ dàng trên các vật liệu di truyền khác. Kế đến, họ tái lập trình công cụ này, giờ đây được gọi là “kéo phân tử” CRISPR/Cas9. Phát minh của họ cho phép giới nghiên cứu có thể viết lại mật mã của sự sống.
Kể từ khi xuất hiện, công cụ trên đã góp phần vào nỗ lực cải thiện mức độ dẻo dai của nhiều giống cây lương thực, cho phép chúng chống chọi tốt hơn trước nạn hạn hán và sâu bọ phá hoại mùa màng. Không dừng lại ở đó, công nghệ mới còn dẫn đến các liệu pháp điều trị ung thư đầy sáng tạo, và nhiều chuyên gia hy vọng rằng một ngày không xa những căn bệnh di truyền sẽ được chữa khỏi nhờ vào “cây kéo sinh học” này.
Bà Charpentier (52 tuổi) và bà Doudna (56 tuổi) lần lượt là những phụ nữ thứ 6 và thứ 7 nhận được giải Hóa học trong lịch sử Nobel.
Bình luận (0)