Giải Nobel Hóa học2023 được trao cho Giáo sư (GS) Moungi G. Bawendi tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ), GS danh dự Louis E. Brus tại Đại học Columbia (Mỹ) và trưởng khoa học gia Alexei I. Ekimov của Công ty Nanocrystals Technology (Mỹ).
Hạt giống của khoa học nano
Chấm lượng tử là những hạt siêu nhỏ, có tính chất độc nhất, được Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển mô tả là "hạt giống của khoa học nano". Theo một số nghiên cứu, chấm lượng tử thường có đường kính chỉ vài nanomet (1 milimet bằng 1 triệu nanomet). Ngày nay, chấm lượng tử được sử dụng để lan tỏa ánh sáng từ màn hình ti vi và đèn LED, làm chất xúc tác cho các phản ứng hóa học và làm nguồn phát sáng giúp bác sĩ loại bỏ khối u. Ủy ban Nobel Hóa học cho rằng chấm lượng tử đóng vai trò quan trọng trong công nghệ nano và có thể đóng góp trong việc phát triển thiết bị điện tử co giãn, cảm biến siêu nhỏ, tấm pin mặt trời mỏng hơn và liên lạc lượng tử mã hóa.
Trong thông báo chính thức trên trang web nobelprize.org, ông Ekimov và ông Brus được vinh danh là đã có những nghiên cứu độc lập thành công trong việc tạo ra chấm lượng tử trong khi ông Bawendi cách mạng hóa việc sản xuất hóa chất này.
Năm ngoái, giải Nobel Hóa học năm 2022 chia đều cho 3 nhà khoa học vì những đóng góp cho sự phát triển của những lĩnh vực mới trong nghiên cứu phân tử: hóa học click và hóa học sinh - trực giao.
Thông tin bị rò rỉ
Cũng vào hôm qua, trước khi Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố, thông tin của giải thưởng bất ngờ bị rò rỉ trên truyền thông Thụy Điển. Cụ thể, nhật báo Dagens Nyheter và Đài SVT đăng tải thông tin từ thông cáo báo chí mà họ nhận được của Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nêu đích danh 3 nhà khoa học nói trên và công trình nghiên cứu của họ. Theo AFP, việc rò rỉ thông tin người nhận giải Nobel hiếm khi xảy ra và danh sách những ứng cử viên cho mỗi giải cũng được giữ bí mật. Tuy nhiên, trong một sự cố tương tự hồi năm 2010, báo Svenska Dagbladet tiết lộ danh tính chủ nhân giải Nobel Y học Robert Edwards (Anh) nhiều giờ trước khi công bố.
Khi thông tin được tiết lộ vào hôm qua, vài giờ trước khi hội đồng chấm giải gặp để bỏ phiếu, các đại diện của Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã bị bất ngờ và vội vàng phủ nhận, gọi việc phát đi thông cáo báo chí trước là một nhầm lẫn. Tuy nhiên trong buổi họp báo sau đó, Tổng thư ký Hans Ellegren của viện hàn lâm nói "cực kỳ lấy làm tiếc" vì sự việc "rất không may" nói trên.
Trả lời họp báo từ Mỹ, ông Bawendi cho biết "rất ngạc nhiên, sốc và tự hào". Nhà khoa học nói rằng ông không ngờ bản thân sẽ được trao giải và cho hay ông thấy "buồn ngủ", bởi thời điểm công bố đang là lúc rạng sáng tại Mỹ. Ba nhà khoa học sẽ chia nhau giải thưởng 11 triệu krona (24,1 tỉ đồng) và được tặng huy chương vàng tại buổi lễ ở Stockholm vào ngày 10.12.
Ngày 2.10, giải Nobel Y sinh được trao cho 2 nhà khoa học Katalin Kariko và Dew Weissman nhờ công trình nghiên cứu về công nghệ ARN thông tin (mRNA), mở đường cho các loại vắc xin ngừa Covid-19 tiên phong. Ngày 3.10, giải Nobel Vật lý được trao cho 3 nhà khoa học Pierre Agostini, Ferenc Krausz và Anne L'Huillier nhờ nghiên cứu phát triển công nghệ quang phổ siêu nhanh, giúp nghiên cứu các electron bên trong nguyên tử và phân tử. Các giải Nobel Văn học, Hòa bình và Kinh tế sẽ lần lượt được công bố vào ngày 5, 6 và 9.10.
Theo Reuters, ông Brus bắt đầu sự nghiệp khoa học khi theo học tại 2 đại học Rice và Columbia theo học bổng của Hải quân Mỹ. Năm 1972, ông được Phòng thí nghiệm Bell (Bell Labs) của Hãng AT&T thuê và làm việc tại đó 23 năm, dành phần lớn thời gian để nghiên cứu tinh thể nano. Ông Bawendi được sinh ra tại Paris và lớn lên ở Pháp, Tunisia và Mỹ. Ông nghiên cứu sau tiến sĩ tại Bell Labs dưới thời ông Brus. Năm 1990, ông Bawendi gia nhập MIT và trở thành giáo sư 6 năm sau đó. Ông Ekimov được sinh tại Liên Xô và học tập tại Viện Vật lý - Kỹ thuật Ioffe. Sau này, ông làm việc cho Viện Quang học Nhà nước Vavilov trước khi sang Mỹ. Năm 1999, ông Ekimov trở thành trưởng khoa học gia của Nanocrystals Technology.
Bình luận (0)