Nọc độc bò cạp có thể chữa được bệnh lao kháng thuốc

20/06/2019 13:45 GMT+7

Trong tương lai, nọc độc của bọ cạp có thể trở thành phương thuốc chữa bệnh cho con người. Thử nghiệm trên chuột cho thấy một số loại nọc độc bò cạp có thể tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh, kể cả vi khuẩn lao kháng thuốc .

Loại nọc độc mà các nhà khoa học sử dụng trong nghiên cứu được lấy từ loài bọ cạp Diplocentrus melici ở Mexico. Nọc độc chứa hai loại hóa chất có khả năng kháng khuẩn và tiêu diệt một số chủng vi khuẩn gây bệnh lao, theo Daily Mail.

Mọi chuyện bắt đầu khi trong một lần nghiên cứu, các sinh viên đã bắt được một số con bọ cạp Diplocentrus melici và lấy nọc độc của chúng. Lượng nọc độ này chỉ là 0,5 micro lít, tức chưa bằng 1/10 lượng máu mà một lần muỗi hút.
Những kiểm tra sau đó phát hiện trong nọc độc có chứa 2 hợp chất gọi là benzoquinones. Chúng có cấu trúc tương tự nhau, nhưng một loại có chứa oxgygen, loại còn lại chứa lưu huỳnh.
Nhóm nghiên cứu phát hiện một trong hai chất này đã tiêu diệt được Staphylococcus aureus, loại vi khuẩn gây nhiễm trùng da.
Trong khi đó, loại hóa chất còn lại đã tiêu diệt được nhiều chủng vi khuẩn gây khuẩn lao, kể cả chủng bình thường và kháng thuốc.
Chất chiết xuất từ nọc bọ cạp mặc dù giết chết vi khuẩn lao nhưng lại không gây tổn hại các mô khỏe mạnh của màng phổi chuột. Điều này có nghĩa chúng không gây độc lên cơ thể sinh vật, theo Daily Mail.
“Những hợp chất này có thể không phải là thành phần gây độc của nọc độc bọ cạp. Chúng tôi không biết tại sao con vật lại tạo ra hợp chất này”, giáo sư Richard Zare, một trong những tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ), cho biết.
Ông cùng với cộng sự là giáo sư Louiances Possani tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico đã nghiên cứu về nọc độc của bọ cạp suốt 45 năm qua. Mục tiêu của họ là tìm kiếm và vận dụng nọc độc bọ cạp cho mục đích chữa bệnh.
Tuy nhiên, phương thuốc tiềm năng từ nọc độc bọ cạp lại có một nhược điểm là rất khó để chiết xuất được nọc độc từ loài bò cạp nguy hiểm này.
Hơn nữa, chi phí để bào chế ra 1 lít thuốc lên đến 9,5 triệu USD (khoảng hơn 220 tỉ đồng). Đây sẽ là một trong những loại vật liệu đắt nhất thế giới, theo Daily Mail.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.