Nọc độc rắn có thể giúp diệt virus gây Covid-19?

01/09/2021 15:08 GMT+7

Các nhà nghiên cứu Brazil đã phát hiện một phân tử trong nọc độc của một loại rắn có thể ức chế sự sản sinh của virus corona trong tế bào khỉ, một phát hiện có thể giúp chế tạo một loại thuốc trị bệnh Covid-19 .

Loài rắn rất độc jaracussu có thể nắm giữ chìa khóa để chống lại virus SARS-CoV-2 gây ra Covid-19. 
Một nhóm nghiên cứu tại Đại học bang Sao Paulo (Brazil) đã phát hiện ra rằng một phân tử trong nọc độc của loài rắn jararacussu thuộc phân họ rắn lục pit viper có thể ức chế sự sản sinh của virus corona trong tế bào khỉ tới 75%. Phát hiện này là bước đi đầu tiên có thể hướng tới một loại thuốc điều trị Covid-19. 

Loài rắn jararacussu thuộc phân họ rắn lục pit viper.

Reuters

Tác giả của nghiên cứu Rafael Guido nói: "Đây là bước đầu tiên trong một hành trình dài. Quá trình này là một chặng đường rất dài". 
"Chúng tôi thấy rằng các peptit trong nọc độc không chỉ gây ức chế sự phát triển của virus trong ống nghiệm, bên trong tế bào, mà còn có thể ức chế một trong các loại protein đóng vai trò quan trọng trong việc sinh sôi của virus", ông Guido chia sẻ.
Ông Guido cho biết peptit, hay chuỗi axit amin, có thể được tổng hợp trong phòng thí nghiệm, nên không cần thiết phải bắt hoặc nuôi rắn. 
Tuy nhiên, Giuseppe Puorto, chuyên gia nghiên cứu các loài bò sát và điều hành bộ sưu tập sinh học của Viện Butantan ở Sao Paulo, lo rằng nhiều người sẽ ra ngoài tìm bắt loại rắn độc chết người này. Đây là một trong những loài rắn lớn nhất ở Brazil, dài gần 2m. 
Ông cho biết: "Chúng tôi sợ rằng mọi người sẽ săn lùng jararacussu trên khắp Brazil, vì nghĩ rằng nó sẽ cứu thế giới hoặc bản thân và gia đình họ. Nhưng không phải vậy. Đây có phải là một khám phá quan trọng không? Hoàn toàn có. Nhưng săn lùng động vật không phải là cách xử lý đại dịch". 
Một tuyên bố từ Đại học bang Sao Paulo cho biết tiếp theo các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá mức độ hiệu quả của các liều lượng khác nhau của phân tử và liệu nó có thể ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào ngay từ đầu hay không. Họ cũng hy vọng rằng sẽ sớm thử nghiệm chất này trong tế bào người nhưng chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.