Noel đầu tiên ở nhà thờ Con Gà
Bức ảnh chụp ngôi nhà thờ Nicolas Bari (còn gọi là nhà thờ Con Gà, nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt về sau này) vào lễ Giáng sinh năm 1932 có thể xem là bức ảnh chụp mùa Noel sớm nhất của Đà Lạt được lưu lại trong văn khố. Trong ảnh, có thể thấy ngôi nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt chỉ mới xây dựng xong giai đoạn một (từ tháng 7.1931 - 3.1932), với phần cung thánh, hậu tẩm và hai gian cánh. Các hạng mục còn lại của ngôi thánh đường này thì phải kéo dài đến năm 1942 mới xây dựng hoàn thiện, để tạo ra một chỉnh thể kiến trúc như ta thấy ngày nay.
Noel ở nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt năm 1932 |
Tư liệu |
Trong bức ảnh, cổng chào ngôi thánh đường có chữ “Noel” trang trí giản dị, các lồng đèn ngôi sao treo ở lối vào, dây cờ đuôi nheo từ điểm cao trước cửa chính thánh đường tỏa ra bốn phía... mở ra một không khí mùa hội hân hoan, nhẹ nhàng và thanh cảnh. Những cây thông trong khuôn viên nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt nay là cổ thụ thì vào năm 1932, chúng chỉ cao vừa phải, ngang với tầm mái của hai gian cánh ngôi giáo đường mới xây, tạo ra một hình thái cảnh quan hài hòa. Từ khoảng sân nhỏ của ngôi giáo đường đến phía trước con lộ, có thể thấy giáo dân tới dự lễ Noel thật đông vui. Có thể nhận ra họ là những ông Tây đội kiểu mũ “ông hội đồng” - một loại mũ cối trắng phổ biến vào thời Pháp thuộc, người Việt với trang phục áo dài truyền thống, các giáo sĩ, và, dường như dưới những tán thông có cả những nhóm giáo dân bản địa. Ngay trên bức ảnh, có thể thấy sân nhà thờ của ngày lễ Giáng sinh là biểu trưng thú vị nhất cho cuộc gặp gỡ, chung sống và dung hòa của các truyền thống văn hóa từ thuở ban đầu đã định hình nên giá trị Đà Lạt.
“Một nguồn thương vô tận”
Yếu tố này được thể hiện rõ thêm trong không khí những ngày Giáng sinh về sau, khoảng thập niên 1950 - 1960. Tờ tuần san Đà Lạt của Ty Thông tin (do ông Phạm Gia Triếp chủ trương, ông Hồ Thượng Hiên phụ trách nội dung) phát hành từ năm 1957 đến 1964, cứ đến Giáng sinh lại ra số báo đặc biệt với tranh bìa là các bức họa hang đá Bethlehem - nơi Chúa ra đời - được vẽ và trang trí đầy thanh nhã. Nội dung số Giáng sinh luôn có nhiều bài vở phản ánh sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt thiện nguyện ở các nhà thờ trong thành phố, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, nơi có đồng bào sắc tộc khó khăn.
Có thể chọn ngẫu nhiên, trên tuần san Đà Lạt số đặc biệt mừng Giáng sinh năm 1957, có bài viết Đà Lạt với ngày Giáng sinh năm 1957 của tác giả Thiện Nhân. Bài viết mô tả không khí Giáng sinh năm đó, mà theo tác giả là “rộn ràng hơn mọi năm”. Tác giả bài báo viết: “Khuya lại, để kỷ-niệm ngày Chúa Cứu-thế giáng-sinh, tất cả các giáo-đường thuộc đô-thị Đà Lạt đã hành-lễ trọng-thể hơn các năm trước. Đặc-biệt, riêng nhà thờ Đan-kiơ (Dankia - NVN) tại khu-phố 5 đã tập trung đến 1.618 giáo-dân người Thượng thuộc các địa-phận Blao, Dran và Lâm-viên tổ chức ăn mừng theo phong-tục người Thượng một cách vui vẻ náo-nhiệt, tiếp đó, họ dự lễ cầu kinh mừng Chúa trong khung-cảnh rất tôn-nghiêm suốt buổi khuya 24 rạng ngày 25 tháng 12 năm 1957”.
Trong bài báo Đêm Noel Đà Lạt của tác giả Văn Sơn đăng cùng số báo nói trên, có những mô tả mộc mạc nhưng đầy trữ tình, bảng lảng mà tinh tế về một đêm Giáng sinh của Đà Lạt xưa: “Buổi chiều, ánh hoàng hôn vừa khuất, trên nóc giáo đường đèn điện muôn mầu sắc, lung linh ngàn ánh hoa nến trắng nở. Xa xa âm vang hồi chuông đổ, từ các nẻo đường, đoàn người tấp nập kéo đến nhà thờ. Các em nhỏ xúng xính trong bộ quần áo mới. Trên nét mặt mọi người biểu lộ nét vui tươi hớn hở đón mừng Chúa. Người ta im lặng lắng nghe tiếng chuông rơi tan dần vào trong không gian và tận vào trong lòng nhân thế. Đêm nay ngạt ngào trong hương sắc, Chúa ra đời sao giăng hàng bốn phía. Cửa giáo đường mở rộng để đón các con chiên từ bốn phía đi lại. Người ta quỳ dưới chân Chúa, cầu xin Chúa một nguồn thương. Một nguồn thương vô tận”.
Một năm sau những ghi chép trên, ở một ngôi nhà lưng chừng con dốc dẫn đến nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt, có cậu bé 14 tuổi đứng dõi theo một tà áo trắng trong chiều Noel sương khói và để tâm hồn chìm đắm miên man trong giai điệu êm đềm của bản Silent Night. Một ký ức về vẻ đẹp thánh thiện vào buổi chiều lễ Vọng Giáng sinh giá lạnh có mưa sương lất phất bay đã cất cánh thành nguồn cảm hứng để sau này ca khúc Bài thánh ca buồn ra đời - một ca khúc mà nửa thế kỷ sau, cứ vào dịp Giáng sinh về, vẫn còn nghe ngân vang trong những xóm đạo như một bản “nhạc hiệu Noel”. Cậu bé 14 tuổi năm nào chính là nhạc sĩ Nguyễn Vũ. Một chuyện tình buồn đã được dệt vào ca khúc của ông, trong không gian đêm lạnh đặc thù Đà Lạt: “Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa/Khẽ hát theo câu Đêm thánh vô cùng” hay “Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt/Áo trắng em bay như cánh thiên thần”.
Không gian Đà Lạt đêm giáng sinh đi vào tâm hồn nhạy cảm của người nhạc sĩ, được lưu giữ trong một tình khúc thánh thiện, hoài niệm và thuần khiết.
Còn họa sĩ Đinh Cường, người đã cùng bạn bè thân thiết trải qua những mùa giáng sinh tuyệt vời giữa thập niên 1964 tại Đà Lạt thì ghi lại những câu thơ đẹp như một hồi quang trong sương: “tháng chạp bao giờ cũng buồn/ nhớ đêm Noël ngoài đường đầy người/ đi lễ, những cặp tình nhân trẻ bên nhau/ như bay trong không gian xanh tranh Chagall/ với rất nhiều hoa hồng trắng và bạch lạp”.
Đi qua những dòng ký ức của cư dân và du khách, có thể nhận ra Đà Lạt ngày xưa là một thành phố để sống chậm rãi, tận hưởng những mùa Giáng sinh tuyệt vời.
Bình luận (0)