Có xe nhưng phải đón grab để đi học
Đó là thực tế của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên (SV) sống tại các khu trọ, ký túc xá hiện nay. Nguyễn Thanh Huyền, SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, hiện sống tại khu B, ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Huyền cho biết tình trạng ùn tắc ở hầm xe và cổng ra vào ký túc xá là chuyện thường gặp. Một lần, Huyền có lịch thi lúc 7 giờ 30, nhưng khi xuống hầm thì thấy hàng dài xe đang chờ quẹt thẻ. Dưới hầm xe thường xuyên quá tải, xe cộ đỗ lộn xộn và xe của Huyền bị bao quanh bởi nhiều xe khác, không thể lấy ra được. Lo sợ trễ giờ thi, Huyền phải đón grab để đi. "Nếu muốn không bị kẹt xe thì mình phải tranh thủ đi sớm tầm từ 6 giờ - 6 giờ 30, đặc biệt là hạn chế đậu ở phía trong hoặc cuối dãy vì rất dễ bị các xe khác để chèn ở bên ngoài, rất khó lấy ra", Huyền chia sẻ.
Tương tự, Huỳnh Phi Long, SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đang ở trọ trên đường Tân Lập, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương, cũng gặp phải tình trạng kẹt xe trong chính khu trọ của mình. Long chia sẻ khu vực để xe ở nhà trọ khá chật và quá tải. Nếu về sớm và để xe bên trong, sáng hôm sau hầu như không thể lấy xe ra. Trong những trường hợp như vậy, Long thường phải đi nhờ bạn hoặc đón xe ôm công nghệ để kịp giờ học.
Cũng mang tâm lý chán ngán vì mỗi sáng phải đối mặt với cảnh kẹt xe ngay tại chỗ trọ, Đỗ Nguyễn Nhật Hà (24 tuổi), đang trọ trên đường Tân Lập 2, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức, chia sẻ việc dắt xe ra khỏi khu trọ là một nỗi ám ảnh. "Mặc dù ở TP.Thủ Đức nhưng công ty mình làm tại Q.10 (TP.HCM), quãng đường di chuyển khá xa. Có lần, xe trong khu trọ đông nghẹt, mình tốn gần 20 phút vẫn không thể nào dắt ra được. Cuối cùng, đành phải đón grab đi, vừa tốn tiền lại còn trễ giờ làm", Hà bộc bạch.
Chủ trọ nói gì kẹt xe ?
Để tìm hiểu rõ về những khó khăn liên quan đến tình trạng kẹt xe trong khu vực nhà trọ, người viết đã trò chuyện với nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn TP.HCM. Bà L.T.V (55 tuổi), chủ một nhà trọ trên đường Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh, cho biết nguyên nhân chủ yếu thường xuất phát từ sự thiếu cẩn trọng trong quá trình xây dựng.
Theo bà V., một số khu nhà trọ được xây dựng với số lượng phòng nhiều nhưng lại không có sự đầu tư đúng mức vào cơ sở hạ tầng để xe. Khi số lượng người thuê trọ đông nhưng chỗ đỗ xe hạn chế thì tình trạng ùn tắc xảy ra là điều dễ hiểu, nhất là vào giờ cao điểm. Thêm vào đó, một số chủ trọ không có biện pháp quản lý chặt chẽ, khiến xe cộ đỗ lộn xộn, gây khó khăn trong việc di chuyển khi ra vào.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, 35 tuổi, chủ của nhiều dãy trọ trên đường Tân Lập, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương, cho biết bên cạnh vấn đề cơ sở hạ tầng thì ý thức của người thuê trọ cũng đóng vai trò quan trọng. Chị Thảo nói nhiều bạn trẻ thường xuyên đậu xe lộn xộn, không đúng nơi quy định, gây cản trở lối đi chung và làm giảm diện tích đỗ xe.
Ngoài ra, việc nhiều người ở ghép trong một phòng trọ cũng góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề. "Khi số người sống trong một phòng quá đông, mỗi người lại có một phương tiện cá nhân, dẫn đến việc số lượng xe trong khu trọ tăng lên nhanh chóng, trong khi diện tích đỗ xe lại không thay đổi. Điều này, càng khiến khu vực để xe trở nên quá tải và khó quản lý", chị Thảo cho hay.
Đối với vấn đề kẹt xe ở ký túc xá, thạc sĩ Phùng Thị Hương Lan, Phó giám đốc Trung tâm quản lý ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết hiện nay, tổng số SV đang nội trú tại đây là gần 35.000 người, lượng xe máy cá nhân của SV cũng tăng lên theo từng năm. Hằng năm, có tới 20.000 xe gắn máy gửi tại các nhà xe, trong đó khu A khoảng 5.500 xe, khu B khoảng 14.500 xe, đây là nơi tập trung đông SV nên việc ùn tắc tại một số thời điểm nhất định trong giờ cao điểm là không tránh khỏi. Tình trạng ùn ứ thường xảy ra tại các cổng 1, khu B vào buổi sáng từ khoảng 6 giờ 30 đến hơn 7 giờ.
Để giải quyết tình trạng này ở các hầm giữ xe, bà Phùng Thị Hương Lan cho biết đã mở rộng bãi xe ngoài trời nhằm đáp ứng nhu cầu gửi xe của SV. "Còn đối với vấn đề ùn tắc ở cổng ra vào, chúng tôi sẽ tăng cường nhân sự để phân luồng và điều phối SV ra vào giữa hai cổng ký túc xá vào giờ cao điểm. Đồng thời, chúng tôi sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt và triển khai lắp đặt hệ thống kiểm soát tại cổng số 2, khu B, nhằm đảm bảo lối ra vào thông suốt, giảm tải cho cổng số 1, hạn chế ảnh hưởng đến giờ học của SV", bà Lan nói.
Bình luận (0)