Nỗi ám ảnh mang tên Pol Pot

16/04/2018 08:17 GMT+7

Kẻ cầm đầu chế độ diệt chủng cướp đi sinh mạng của gần 2 triệu người vô tội ở Campuchia, nhưng cách đây 20 năm Pol Pot chết trước khi bị công lý gọi tên.

Giữa tháng 4.1998, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin Pol Pot, lãnh đạo cao nhất của chế độ diệt chủng ở Campuchia hồi thập niên 1970, đã qua đời trong một cánh rừng sâu gần biên giới Thái Lan. Cái chết “yên ả” của Pol Pot một mặt khiến dư luận hoài nghi, mặt khác trở thành nỗi day dứt khi chưa thể bắt ông ta đối mặt với tội ác của mình.
Pol Pot được hỏa thiêu trong ngôi làng gần biên giới Thái Lan Ảnh: AFP
Chết trong rừng
Theo tờ The New York Times, Pol Pot được thông báo qua đời vào đêm 15.4.1998 trong căn lều được chế độ diệt chủng, từng do ông ta lãnh đạo, dựng lên để quản thúc. Theo thông tin được tổ chức cung cấp, vợ của Pol Pot phát hiện chồng tắt thở khi đang buông màn chống muỗi nơi tấm phản ông ta nằm. Hôm sau,
5 phóng viên nước ngoài được đưa tới căn lều trong rừng để xác nhận cái chết của Pol Pot. Bước vào trong, các phóng viên thấy một người đàn ông đang nằm bất động trên phản với 2 bó hoa đặt phía trên đầu thi thể. Trong lều nồng nặc mùi hóa chất, ngồi cạnh phản là vợ và con gái của Pol Pot. Sau khi chứng kiến, các phóng viên này tin đó chính là cựu lãnh đạo chế độ diệt chủng vì giống với những hình ảnh về Pol Pot trước đó.
Tổ chức của Pol Pot khi đó nói rằng ông ta chết do đau tim. Các phóng viên nhìn thấy thi thể cũng khẳng định không có dấu hiệu bị thương hay bạo lực nào. Tuy nhiên sự ra đi có vẻ êm ả này không tránh khỏi những nghi ngờ. Chính quyền Campuchia khi đó yêu cầu khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết, tuy nhiên những thủ lĩnh còn lại của chế độ diệt chủng đã hỏa thiêu thi thể. Theo BBC, thông tin về cái chết của Pol Pot được đưa ra chỉ ít giờ sau khi các thủ lĩnh mới của tổ chức diệt chủng trên cho biết sẽ giao nộp cựu lãnh đạo của mình để chấm dứt cuộc chiến với quân đội chính phủ.
Các nhà phân tích nhận định Pol Pot có thể bị chính những cấp dưới cũ của mình giết để ngăn việc ông ta bị bắt giữ có thể ảnh hưởng đến lời khai của họ tại một phiên tòa quốc tế sau này. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng tin rằng các thủ lĩnh còn lại của chế độ diệt chủng có thể đã sát hại Pol Pot chứ không giao nộp. Trong khi đó, một số nghi vấn cho rằng chính Pol Pot đã tự sát bằng hỗn hợp thuốc an thần và chống sốt rét. Nguyên nhân được cho là do ông ta sợ bị đưa sang Mỹ xét xử, theo tờ The Guardian.
Công lý muộn màng
Sự ra đi của Pol Pot khiến những phóng viên nước ngoài từng chứng kiến thời kỳ cai trị của cái gọi là nhà nước Campuchia Dân chủ rất thất vọng. Tờ Phnom Penh Post dẫn lời nhà báo Elizabeth Becker cho rằng, việc Pol Pot chết trước khi phải đối mặt với bất kỳ phiên tòa quốc tế nào rõ ràng là sự bất công xuất phát từ vấn đề địa chính trị. Trong khi đó, phóng viên Nate Thayer cảm thán: “Thật đáng tiếc. Đã 20 năm trôi qua và người dân Campuchia vẫn chưa thể có được công lý dù là tối thiểu”.
Theo giới chuyên gia, việc Pol Pot không bị xét xử về tội ác diệt chủng suốt gần 20 năm sau khi chế độ tàn bạo của ông ta bị lật đổ xuất phát từ nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan. Một mặt, nền chính trị Campuchia khi đó còn chưa ổn định hoàn toàn, tổ chức của Pol Pot vẫn ẩn náu và tiếp tục hoạt động ở khu vực gần biên giới Thái Lan. Mặt khác, các tổ chức bên ngoài bị cho là không thể hiện rõ quyết tâm nhanh chóng đưa những kẻ cầm đầu chế độ diệt chủng này ra xét xử để đòi lại công bằng cho những người đã khuất. Từ năm 1994, quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật về tội diệt chủng ở Campuchia. Tới cuối năm 1997, Campuchia gửi thư cho Mỹ đề nghị giúp mở phiên tòa xét xử giới chóp bu của cái gọi là Campuchia Dân chủ. Năm 2001, quốc hội Campuchia thông qua luật lập ra tòa án đặc biệt xét xử chế độ diệt chủng ở nước này, nhưng phải đến năm 2006 tòa mới có nhân sự và hơn một năm sau mới bắt đầu mở phiên tòa đầu tiên.
Không chỉ với Pol Pot, các cựu thủ lĩnh tổ chức diệt chủng bị bắt và xét xử sau này cũng lần lượt qua đời hoặc quá lớn tuổi để thụ án. Các phiên tòa đó vì nhiều lý do mà kéo từ năm này qua năm khác. Dù vậy, các phiên tòa từ năm 2012 trở về sau, những người bị tuyên tội chống lại loài người đều lãnh án chung thân.
Ám ảnh
Theo các tài liệu lịch sử, từ năm 1973, mạng lưới các nhóm vũ trang do Pol Pot lãnh đạo phát triển rộng khắp Campuchia và tổ chức này đã chiếm Phnom Penh vào ngày 17.4.1975 từ tay chế độ Lon Nol. Từ đây, Pol Pot cùng lực lượng của mình tiến hành cai trị với những chính sách đối nội, đối ngoại tàn bạo khiến đất nước Campuchia phải đi lùi lại hàng thập niên.
Đầu năm 1976, Pol Pot khởi xướng Kế hoạch 4 năm với ý tưởng sẽ hiện đại hóa Campuchia bằng con đường xóa bỏ giai cấp, xây dựng một xã hội không trường học, không sở hữu tư nhân, không tiền tệ, không tôn giáo. Tầng lớp trí thức và con em họ tại thành phố sẽ được đưa thẳng về nông thôn để lao động, phát triển nông nghiệp để tăng sản lượng lương thực lên gấp 3 lần (3 tấn thóc/ha). Thực hiện kế hoạch này của Pol Pot, đất nước Campuchia đã biến thành những trại lao động cưỡng bức khổng lồ, hàng vạn gia đình trí thức phải ly tán về nông thôn để trực tiếp lao động. Tại các "hợp tác xã", người ta buộc phải làm việc đến 12 giờ mỗi ngày với điều kiện ăn uống hết sức cùng cực và chung sống như thời kỳ nguyên thủy. Trên toàn quốc, hệ thống bưu chính, viễn thông bị cấm sử dụng, hệ thống y tế không sử dụng Tây y vì cho đây là biểu hiện của chủ nghĩa tư bản. Kế hoạch 4 năm của Pol Pot nhanh chóng phá sản, đất nước Campuchia rơi vào tình trạng nguy kịch bởi mùa màng thất thu một cách thảm hại, các chỉ tiêu kinh tế không thể đạt được trong một xã hội chỉ được quản lý, điều hành bằng nhà tù, bạo lực.
Đến cuối năm 1976, Pol Pot nhận ra sai lầm không thể cứu vãn được. Tuy nhiên, thay vì sửa sai, Pol Pot lại tìm cách đổ sai lầm này cho những "kẻ thù tưởng tượng". Theo lệnh Pol Pot, các tay chân trong bộ máy cai trị phải tìm ra những kẻ thù đang nằm sâu trong nội bộ Đảng Cộng sản Campuchia (CPK), vì cho rằng đây chính là những kẻ đã phá hoại Kế hoạch 4 năm. Hiệu lệnh này khiến đất nước Campuchia biến thành một biển máu với tội ác diệt chủng muôn đời không thể quên của Pol Pot và tay chân. Chỉ trong 3 năm, 8 tháng, 20 ngày cai trị, Pol Pot và chế độ diệt chủng đã gây rúng động thế giới vì tạo ra “cánh đồng chết”, cướp đi sinh mạng của gần 2 triệu người vô tội.
Nghịch lý
Dù tội ác rành rành, nhưng phiên tòa duy nhất mà Pol Pot phải đối mặt lại do chính chế độ diệt chủng mà ông ta từng lãnh đạo mở ra. Theo BBC, sau khi bị lật đổ vào năm 1979, Pol Pot cùng thuộc hạ thân tín dẫn theo tàn quân rút vào rừng hoạt động trong nhiều năm. Năm 1997, trước khi chết một năm, Pol Pot bị hất khỏi vai trò thủ lĩnh sau một cuộc đấu đá quyền lực. Một tòa án đặc biệt của chế độ diệt chủng được dựng lên và kết án Pol Pot chung thân. “Anh cả” một thời của cái gọi là Campuchia Dân chủ không phải ngồi tù, nhưng lại bị chính những đàn em của mình quản thúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.