Nói 'bác em làm đội trưởng CSGT' để thoát tội: Cha mẹ hãy dạy con cách nhận lỗi

07/06/2020 10:50 GMT+7

Từ câu chuyện nam thanh niên 17 tuổi uống bia, chạy xe máy bị CSGT thổi nồng độ cồn nhưng xin thoát tội bằng cách nói 'bác em làm đội trưởng CSGT'. Nhiều phụ huynh cho rằng cần dạy con cách nhận lỗi từ bé.

Như Thanh Niên đã đưa thông tin, tối 5.6, Đội CSGT - trật tự Công an Q.Bình Thạnh, TP.HCM, đã ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm trên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng. Trong đó có một trường hợp nam thanh niên 17 tuổi, vi phạm về việc có nồng độ cồn khi đi xe máy. Tuy nhiên, thanh niên này không chịu nhận lỗi mà tìm nhiều cách vòng vo và nói “bác em làm đội trưởng CSGT” để được tha tội.

Qua vụ việc này nhiều phụ huynh, chuyên gia cho rằng cần phải dạy cho trẻ cách nhận lỗi từ khi còn nhỏ.

Xin bỏ qua vi phạm nồng độ cồn vì “bác em là đội trưởng CSGT”

Nói cho con hiểu không nên nói dối

Chị Nguyễn Thị Tuyết Anh, 42 tuổi, có con trai học lớp 8 Trường THCS Cách mạng Tháng 8, TP.HCM, mong muốn dạy con làm sao để trong cuộc sống nếu có phạm lỗi thì cũng biết nhận lỗi.

Chị Tuyết Anh kể, con mình cũng hay nói dối về mối quan hệ với các bạn bè trên lớp, thỉnh thoảng không thành thật trong việc khi điểm số kém, đặc biệt là không nói đúng sự thật trong vấn đề cô giáo cho bài tập về nhà do mải mê chơi game. "Tuy nhiên nhìn thái độ của con là mình biết liền, lúc đó tùy vào hoàn cảnh mà xử lý, nhưng bản thân cha mẹ không được nóng giận khi con làm sai hoặc che giấu điều gì đó mà phải bình tĩnh nghe con kể hết, sau đó phân tích nên làm như thế nào sẽ tốt hơn", chị Tuyết Anh chia sẻ.

“Dạy con học cách nhận lỗi, không nói dối là nền tảng mà chúng ta nên làm từ khi con còn nhỏ. Lúc nào mình cũng bảo con “dù có chuyện gì xảy ra hãy nói với cha mẹ. Cha mẹ sẽ không la mắng và sẽ giúp đỡ, tìm cách giải quyết”, như thế thì con sẽ dễ “trải lòng” hơn khi thú nhận một lỗi lầm nào đó”, chị Tuyết Anh nói.

Nhiều phụ huynh giáo dục con bằng việc "làm bạn với con"

Ảnh: Tấn Đạt

Tương tự, chị Vũ Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ P.2, Q.10, TP.HCM, tâm sự bé nhà được 10 tuổi thường hay đi học về trễ do la cà đi chơi với bạn bè. Khi hỏi tại sao thì bé hay viện lý do đi chỗ này chỗ kia chơi, nhưng khi tra hỏi nhiều lần,  thấy bé lúng túng... là biết liền.

"Lúc đó mình nói với bé là có làm gì cứ nói thật để gia đình biết đi đâu để mọi người khỏi phải lo lắng chứ không có cấm con đi chơi. Mình cũng đã từng nghĩ sẽ cho bé vài đòn roi khi không chịu nhận lỗi, tuy nhiên mình biết như thế không nên, là gây ra sai lầm  nên bản thân chỉ muốn dạy con bằng lời nói. Đứa con nít nào cũng sợ bị đánh,  lần đầu, lần hai thì sẽ sợ nhưng qua lần thứ ba có thể trẻ sẽ bị lỳ đòn và không còn sợ nữa”, chị Kim Loan nói.

Cha mẹ cần phải làm gương

Cô Nguyễn Thị Ngọc Sương, nguyên Hiệu trưởng Trường mầm non P.4, Q.10, TP.HCM, cho biết dạy con biết cách nhận lỗi nói riêng và xây dựng một con người toàn diện phát triển hài hòa, đầy đủ các mặt đức, trí, thể, mỹ nói chung phải được "làm" từ lúc nhỏ. 

“Các cháu mầm non là một tờ giấy trắng, chuyện nói thật hay nói dối là do người lớn tác động vào. Trẻ rất trong trắng và chỉ bắt chước hoặc là do người lớn bắt buộc trẻ chứ các em cũng chưa có ý thức về sự tác hại của nói dối. Mà người lớn không khéo uốn nắn thì về sau trẻ sẽ khó có những hành vi và nhân cách tốt”

Đồng ý kiến với cô Sương, chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi, công tác tại Công ty Phát triển Giá trị sống, TP.HCM, cho biết chúng ta cần xác định nền tảng của giáo dục là xuất phát từ gia đình, góp phần hình thành nên nhân cách của một con người. Do đó, cha mẹ phải làm gương cho con ngay trong từng lời nói và hành động cụ thể, thậm chí ngay cả việc chơi đùa với con cũng không được nói dối. Vì khi trẻ tiếp xúc với những trò đùa giỡn hay thái độ không trung thực từ cha mẹ, trẻ sẽ định hình việc đó là việc bình thường và thực hiện một cách tự nhiên.

Cha mẹ phải làm gương cho con cái

Ảnh: Tấn Đạt

“Trẻ con rất tinh ý, chúng sẽ quan sát và nhận biết được cha mẹ nói dối. Nhiều khi lời nói dối nhằm để chơi đùa với con nhưng đứa trẻ nào cũng nhận biết được và bắt chước một cách âm thầm. Ví dụ, nhiều bà mẹ vì muốn con mình ăn nhanh hay thức sớm đi học, thường "dụ" con rằng...ăn ngoan, dậy sớm mẹ sẽ mua kẹo cho ăn nhé ! Nhưng khi con đòi kẹo thì mẹ lại bảo kẹo làm hư răng...Hay  cha mẹ sẽ có những lúc trò chuyện cùng với đối tác, vô tình nói dối để con nghe được. Thậm chí có cha mẹ còn dặn dò con đừng kể với với người khác bởi đó là một bí mật. Khi việc này diễn ra nhiều lần sẽ tạo nên hệ quả khôn lường, trẻ cho rằng việc nói dối là điều cần thiết", chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi chia sẻ.

Vị chuyên gia giáo dục này con cho rằng, cha mẹ không nên đe dọa khi dò xét những lỗi sai của con vì sự sợ hãi sẽ khiến cho trẻ phải nói dối để bảo vệ chính mình. Chỉ cần con nhận lỗi thì cha mẹ nên hoan nghênh, động viên và phân tích cho con hiểu rõ đúng sai. 

"Cần trao cho con niềm tin và gieo vào đầu con sự tin tưởng đó bằng việc khẳng định con sẽ có những hành vi đúng đắn trong tương lai. Khi suy nghĩ được gieo hạt thường xuyên sẽ tạo nên hành động tương xứng và góp phần hình thành nên nhân cách của một con người. Những điều trên cần xuất phát từ tình yêu thương chân thành và sự tôn trọng, vị tha của cha mẹ", chuyên gia Nguyễn Khánh Chi nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.