Từ tiếng chuông dưới gò đất
Di tích Lưu Cừ II được phát hiện vào cuối năm 1985. Tháng 12.1986 tiến hành khai quật và kết thúc vào tháng 2.1987. Các nhà khảo cổ ước đoán nơi đây được đồng bào Chăm xây dựng làm nơi thờ phụng từ thời văn hóa Óc Eo. Ngày 9.1.1990, Lưu Cừ II được Bộ Văn hóa - Thể thao (cũ) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
|
Bên trong cửa chính, phía tay phải là nhà trưng bày kiến trúc theo hình linga. Đây là nơi trưng bày linga, yoni cùng một số di vật khác mà gia đình ông Út Kỳ trao tặng. Ông Thạch Sóc, người bảo vệ di tích, cho biết phần nhà di tích được lợp tôn tráng kẽm từ năm 2006, còn hàng rào bao quanh diện tích 3.000 m2 mới được xây dựng. Do mảnh đất thuộc khu di tích nằm sát lộ nên những cây mọc che khuất mặt tiền đều được phát quang, tráng xi măng, làm bãi đậu xe để khu di tích khang trang, đón nhiều khách tham quan.
Theo lời ông Thạch Sóc, trước khi khai quật, khu di tích chỉ là gò đất, cao khoảng 5 m, cây cối mọc um tùm, thuộc phần đất gia đình ông Út Kỳ. Di tích có 2 cây da, trong đó 1 cây 5 người vòng tay ôm không hết và cái miễu ông Tà.
Út Kỳ tên thật Huỳnh Văn Kỳ, năm nay 56 tuổi. Ông Kỳ cho biết cha ông là dân cố cựu ở đất này. Ông bà xưa kể vào các ngày ba mươi, mồng một âm lịch thường nghe tiếng chuông từ dưới gò đất vọng lên. Tiếng chuông vang xa, mấy ấp xung quanh đều nghe thấy. Một bữa sau cơn mưa, anh ông Kỳ là ông Huỳnh Văn Sang (Sáu Sang) tình cờ lượm được mấy miếng vàng nhỏ ở gò đất. Từ đó ông âm thầm tìm kiếm và lấy được nhiều miếng vàng với đủ kích cỡ. Là thợ bạc, ông Sang thử và biết vàng thuộc loại cao hơn 18K, gần 24K.
Vàng không giúp ai giàu có
Chuyện Sáu Sang tìm ra vàng, có lúc được cả thau vàng ở gò đất rồi cũng lan truyền khắp trong dân. Ông nói: “Như không, cả ấp này ai cũng có vàng. Vàng bán mớ cho lái như… bán tép chứ hổng thèm cân”. Lúc đó, gia đình ông Kỳ có khá nhiều di vật bằng vàng, như: khuy áo, bông mai, con rùa, mão và cả tượng linga, yoni lớn nhỏ. Ông khoe bệ đá đặt yoni - linga mài dao kéo bén ngót không gì bằng. Mẹ ông Út Kỳ cũng lượm được 2 pho tượng “ông vua và bà vua” bằng đá cao hơn 1 m. Bà đem tượng về nhà, mỗi ngày có khoảng 500 người tới đốt nhang, vái lạy. Năm 1986, địa phương đòi lấy hai pho tượng, mẹ ông giận, bán “phứt” cho ai không biết. Út Kỳ còn khoe ông có lượm được mấy viên đá cỡ đầu ngón tay út, mỗi viên một màu rất đẹp, có thể rạch kiếng được. Vàng quá nhiều, chuyện tới tai lãnh đạo huyện, tỉnh. Năm 1986, Nhà nước mua lại gò đất với giá 1 triệu đồng. Út Kỳ phân tích: “Bây giờ nghe ít, chớ hồi đó lớn lắm! Tui mua được mấy chục công đất lận”. Khi Nhà nước khai quật gò đất, gạch được gom thành 4 đống, chất gần bằng một căn nhà.
|
Cả ông Út Kỳ và người con trai út, anh Huỳnh Văn Giáo đều khẳng định tới bây giờ, dưới mảnh đất này vẫn còn di vật. Anh Giáo tiết lộ, khoảng 4 năm trước anh lượm được 4-5 cái mão vàng. Một bữa đào ếch, anh lấy được cái bình bông có khắc hoa văn rất đẹp. Nhưng theo cha con ông Út Kỳ, vàng kiếm được từ di tích này dù nhiều hay ít cũng không giúp ai giàu có; trái lại khiến kẻ nghèo càng nghèo hơn, có người bệnh hoạn, thậm chí chết. Đơn cử như bản thân ông, có tiền, ông xải thả ga, ngày nào cũng say xỉn. “Thành tích” đáng nể là đi tới đâu ông có… vợ nhỏ tới đó.
Chuyện thật mà như huyền thoại. Bây giờ, căn nhà tường ông đang ở được xây từ nguồn tiền của 3 chính sách gộp lại: nhà tình nghĩa, nhà tình thương và nhà bưu điện. Út Kỳ từng là giao liên trong thời kháng chiến, nay là thương binh.
Phương Kiều
>> Tổ chức lại mạng lưới mua bán vàng miếng
>> Bắt nghi can lừa bán vàng SJC giả
>> Nhà đầu tư bán vàng chốt lời
>> Kẻ bán vàng khờ khạo
Bình luận (0)