Nơi bìa rừng - Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên

16/02/2025 09:00 GMT+7

Khi ông đi hết vòng thứ mười bảy, thì tán cây bàng cũng đã kịp gom thành cụm bóng như hình một chiếc mũ beret lớn trước sân nhà. Ông dừng chân, nghiêng vai đặt cái ba lô xanh bạc màu đầy căng đồ đạc lỉnh kỉnh, lấy bình nước ngửa cổ tu mấy ngụm cho đã khát.

Ông không đi nữa, không phải vì mệt, mà vì sự xuất hiện của người khách. Kìa, cái trò chơi của thượng đế có khi thật vụng về: đặt vào bóng râm một tạo vật tĩnh để khiến một tạo vật động phải ngưng vòng dịch chuyển miên man. Ông gỡ chiếc nón lưỡi trai sờn mép trên đầu, quệt mồ hôi trên hốc mắt rồi móc nó vào chạc cây gãy.

Bà khách được ông trời dựng vào chỗ gốc cây, cứ chôn chân ở đó thôi. Hệt như một khối đất sét đẹp đẽ mà thiên thần chưa kịp thổi sinh khí vào lỗ mũi nên chưa thể có cử động hay thốt nên một lời nào.

Có lẽ cái địa đàng thuở ban đầu cũng nhàm chán đến vậy.

Họ nhìn nhau, dĩ nhiên rồi, hai tia nhìn từ mắt họ chiếu qua nhau. Nghĩa là, nói một cách dễ hiểu, đôi mắt này hướng thẳng vào đôi mắt kia. Trong sự đục mờ của thể lý và thời gian. Nhưng chẳng phải gì to tát hay siêu hình ở đây. Họ nhìn nhau là vì họ nhìn nhau, dưới cái bóng râm của tán cây bàng, một thế giới thu hẹp tới mức cực thiểu, vậy thôi. Cho cùng, nếu sống qua một cuộc đời, con người ta một vài lần rơi vào hoàn cảnh nếu không nhìn vào kẻ khác thì cũng chẳng biết nhìn vào đâu. Sự nhìn đạt tới rỗng rang nhẹ nhõm. Trong cảnh huống này, ông nhìn vào đối tượng trước mặt, rồi khẽ thở hắt (không hẳn thở đều, cũng chẳng phải thở dài). Và rồi bỗng dưng mấy tuyến mồ hôi trên trán ông hoạt động mạnh quá mức bình thường. Chúng, nước, kết thành giọt giọt chảy xuống hốc mắt, hõm má, khóe miệng khiến ông thấy chua và cay cùng lúc. Ông cứ để vậy, không buồn lau quệt gì nữa vì cái mũ, thứ ông vẫn dùng kiêm chức năng khăn mùi soa thì đã móc lên cây rồi, phía sau lưng bà.

Nơi bìa rừng - Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên- Ảnh 1.

MINH HỌA: VĂN NGUYỄN

Thật bất tiện, sinh vật tĩnh kia vẫn đứng vậy. Bộ váy chữ A liền thân tối màu phủ gối nhưng không ngại giấu những sợi gân xanh đen trên bắp đùi đã lõng bõng bởi chứng giãn tĩnh mạch, cổ khoét vừa đủ rộng để phô đôi gò quai xanh xa mờ trong dĩ vãng giờ đây nghiêng chao như một dấu sắc và một dấu huyền do dự, kiểu tay áo vén sách nách để mặc cho các nếp nhăn bủng trên đôi cánh tay từng là xương mai mình hạc. Tất thảy sự phai tàn đó như đang công khai nói với thế gian rằng, nơi đây từng là khu vườn mùa xuân muôn người khao khát lạc vào.

Nếu theo thứ tự thông thường, thì người viết sẽ mô tả dần xuống tận đôi giày vải lười màu đen hiệu S, nhưng không, anh ta lại muốn dừng ở khuôn mặt, và mái tóc của bà khách, nghĩa là đi ngược lên. Phải, bây giờ là khuôn mặt: khuôn mặt tạo vật ấy cũng đâu thoát khỏi những điểm chung của mọi đàn bà ở cái tuổi này - đầy những làn chỉ ngang dọc, đậm nhạt, chân chim, tụ và tán, mênh mông và giới hạn, buông bỏ và chấp nhận. Nói đúng là thời gian đã đùa ghẹo thái quá trên nhân diện con người từng trải ấy rồi. Làn môi thoa son không còn một chút dấu chỉ nào của sự bồi hồi cho buổi gặp định mệnh, mà lặng lờ như nước hồ thu. Cơn cớ gì thánh thần chưa chịu thổi thần khí vào lúc ấy, trong khoảnh khắc trơ trọi hai tạo vật phàm trần dưới gốc bàng của một trưa reo róc nắng, để con người được thốt lên lời của chính con người.

Ông đứng lần khần, hơi nghiêng đầu, xòe tay ra dấu mời bà ngồi xuống băng ghế gỗ, chỗ ngồi hóng mát sát mép gốc cây. Bà khoan thai đi về phía băng ghế, và nghĩ, ga lăng gì tầm này nữa, rồi ngồi xuống. Lưng bà thẳng gần như vuông góc với mặt đất, và đây là cử chỉ có tính nghiêm trọng đầu tiên. Rồi một tiếng đằng hắng ở trong cổ bà tự nhiên bật ra, nhẹ, nhưng vừa đủ để gã đàn ông lẩn thẩn kia nghe thấy. Họ lại ngó nhau, trong một sự nối kết mờ đục, tức thời, lặp lại. Trong thoáng chốc, ông khẽ rùng mình khi nghe thấy mùi nước hoa Floret. Khứu giác ông bắt đầu bị dẫn dắt bước đi từ tầng thứ nhất đến tầng thứ hai của hương thơm. Từ mùi cam, chanh tươi mát đến hoa nhài Ai Cập và linh lan Pháp. Rồi ở nốt hương cuối cùng, ông nghe mùi đàn hương và hoắc hương xuyên qua tâm thất, ngập tràn tâm nhĩ, rồi xâm chiếm mọi ngõ ngách của buồng tim. Ông nhắm mắt hít một hơi thật sâu, như những năm của tuổi ba mươi và rồi mở mắt nhìn loài sinh vật bất động như bức tượng cổ hiện hữu trước mặt, cái nhìn vừa do dự vừa xác quyết.

Nơi bìa rừng - Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên- Ảnh 2.

MINH HỌA: VĂN NGUYỄN

"Là vầy đây!". Bà nói, mà không chờ thần khí tác động. Môi bà hơi nhếch, đủ cho một nụ cười cơ hồ bay đi theo làn gió hiếm hoi của buổi trưa cuối xuân.

"Hừm, rồi em cũng tìm tới được, hừm, công nhận là hay". Ông nói ngắt quãng, cũng không chờ ma quỷ nào mách bảo trong đầu. Cánh mũi ông vẫn phập phồng với mùi hương còn vương vấn.

"Tưởng em chết rồi phải không? Hay thật, tưởng vậy là thoát nợ rồi hay sao?". Bà ném ra cái lườm mắt không còn sắc nhưng cũng đủ biết là bén ngọt.

"Hừm, công nhận, bây giờ còn nói được vậy, công nhận, hừm, nghĩ trúng quá". Ông vẫn ngắt quãng câu nói thành những cụm tổ hợp âm tiết nhỏ gọn, khiến chúng rời rạc, và không gì kết nối đáng kể hơn sự ngập ngừng sau những âm "hừm".

"Nhưng em đã tìm ra anh. Anh thấy đó. Khi nào anh cũng biết cách khiến em phải kiếm tìm". Bà nói. Và lúc này thế ngồi không còn thẳng thớm, nó hơi nghiêng lệch, cái lưng còng dần xuống như một cuống hoa khô (vẻ nghiêm trọng ban đầu chẳng kéo dài được bao lâu).

"Hừm, nói vậy cũng trúng quá. Mà...". Ông ngập ngừng: "... Hừm, mà..., xin lỗi chứ em là ai có cái mùi quen quá chừng?". Đôi mắt ông mơ hồ nhìn ra khoảng trời nắng chao chát. Như thể đã có một đám sương mù đột ngột kéo ngang, xóa trắng một cuộc chuyện trò ngay khi nó chưa thể đến hồi kịch tính sướt mướt nhất.

"Ủa, vậy chứ nãy giờ anh không biết mình nói chuyện với ai hả?". Bà ngơ ngác theo.

"Hừm, đường còn dài, hừm, mà cô không nói cô là ai sao tui biết được". Ông chuyển lối xưng hô như muốn đẩy cái khoảng cách giữa chỗ họ ngồi trên băng ghế kéo giãn ra vạn dặm.

"Anh cứ quá đáng như ngày nào". Bà nói, và quay mặt về phía gốc cây.

"Này, à, hừm, thì quá đáng. Nhưng cô phải cho tui biết. À, hừm, cô đừng đùa dai, tui làm sao nhớ ra... Rõ ràng là cái mùi hương quen lắm". Ông lại mơ hồ nói, ánh mắt vẫn bay vô định trong khoảng không mờ đục.

"Ai là ai. Không là ai cả. Bớt làm bộ làm tịch đi được không? Anh lúc nào cũng vậy. Anh có biết bao nhiêu năm rồi không?".

Bây giờ, cái cuống hoa đã cúi xuống thấp, nó khô rút lại, thay vì sướt mướt. Bà quay lưng về phía bờ rào dâm bụt. Trái tim người đàn bà không kịp chuẩn bị cho tình huống này trong cuộc gặp gỡ, nó muốn sống lại bản năng của sự giận hờn và trách móc, nó muốn kéo xuống một dòng nước mắt chưng cất hàng thập kỷ, nhưng rồi sự mẫn cảm của tuổi tác đã tự hóa giải bằng một hơi thở buông, một sự khánh kiệt.

Bấy giờ, bất giác, từ hàng rào dâm bụt thò ra một cái đầu. Thằng bé chừng mười tuổi, nhân vật thứ ba xuất hiện trong màn kịch nhạt nhẽo vụng về của tạo hóa.

Thằng bé vòng tay chào bà, rồi quay sang ông:

"Ông ơi, ông nghỉ chân xong chưa? Chừng nào ông đi tiếp thì nói con đỡ ba lô lên vai cho nha".

Ông xoa xoa mớ tóc ướt mồ hôi trên trán nó:

"Ừ, hừm, bà đây ông gặp trên đường. Nói chuyện hồi giờ vui vẻ quá chừng, hừm, có bạn đồng hành. Phải rồi, bạn đồng hành. Thôi tui lại lên đường. Sắp tới bìa rừng rồi. Chào nhé!".

Thằng bé lém lỉnh, đá xéo mắt qua phía bà, rồi lại nói với ông nó:

"Dạ, ba lô đây... Ông đi mạnh giỏi nha ông".

Nó khệ nệ kéo cái ba lô để ông đeo lên vai, rồi dặn vói thêm:

"Ông đi đường cẩn thận. Nhớ đái coi chừng ướt quần. Mắc ị thì ới con chạy theo dẫn vô nhà cầu nghe ông. Chừng nào tới bìa rừng nhớ gởi thư báo cho con biết ha".

Ông xốc lại cái ba lô sờn rách góc nhưng căng đầy, tới chỗ chạc cây lấy mũ lưỡi trai đội lên đầu, quay lại vẫy tay chào bà khách và thằng bé, rồi lẫm chẫm bước đi tìm bìa rừng của mình.

Thằng bé đưa ông đi một quãng, tới chỗ gốc dương, rồi quay lại, ngồi cạnh bà trên băng ghế. Nó nhanh nhảu bắt chuyện cứ như sự có mặt của bà đối với nó là không còn gì mới mẻ.

"Bà gặp ông con có việc gì không? Bà nói với con để tối con báo lại với ba má?".

"À bà cũng không có việc gì. Mà chăm ông giỏi hén. Con là cháu nội à?".

"Dạ đúng rồi. Con được ba má giao vừa chơi vừa canh chừng kẻo ông nội đi lạc. Còn bà là người quen của ông hả?".

"À, người quen cũ thôi". Bà vừa nói vừa mở dây kéo lấy trong túi xách ra một bịch sô cô la và một chai dầu xanh đặt vào tay thằng nhỏ, rồi dặn tiếp: "Cái này cho con, còn chai dầu con để dành cho ông nghen".

"Bà ở bên bển về hả?", thằng bé cầm bịch sô cô la và hộp dầu xanh, ngước mắt lên hỏi.

"Ừ, bên bển. Con đoán hay quá ha?".

"Dạ người bên bển lúc nào cũng có quà sô cô la với chai dầu". Nó lại nheo mắt tinh quái. Cái mảng trán cao của nó khiến hình ảnh của ông ngày trước gợi về trong ký ức chập chùng của bà.

Thằng bé cho hộp dầu xanh vô túi quần. Nó lại hỏi bà:

"Nhưng ông con có nhớ bà là ai không?".

"Có vẻ như có, nhưng mà bà cũng không chắc" - Bà nói.

"Ông vậy đó, nhớ nhớ quên quên không biết chừng. Các bà trước cũng nói vậy" - Nó nhanh nhảu.

"Các bà trước nữa à? Chà, ông nhiều người quen cũ quá ha?" - Bà hỏi lại.

"Các bà bên bển. Thấy kỳ lắm nha, ai cũng mặc đồ đen, đi giày có chữ S màu trắng, có quà sô cô la và chai dầu xanh" - Nó kể lể thông thạo.

"Thằng quỷ. Mày ghẹo bà đó hả?".

"Ơ, con nói thiệt mà. Ông không nhớ rõ ai là ai nên các bà buồn bỏ đi hết rồi. Ba con nói các bà đều suýt chút nữa làm bà nội con".

"Ông nội mày, thằng quỷ".

Bà quở thằng bé, và nén một hơi thở dài nén lâu trong ngực. Thằng bé nhe hai hàm răng đều tắp cắn xé bịch kẹo, đổ những viên bi sô cô la nhiều màu ra bàn tay bẩn, rồi ùm cả vô miệng nhai. Nó dõi mắt ra sau vườn coi ông đã đi tới đâu rồi. Bà cũng phóng tầm mắt về phía đó. Dáng ông liêu xiêu lẫm chẫm nơi bờ rào cuối vườn. Ông vừa đi vừa lầm rầm một mình như đang trò chuyện với một bóng ma. Dường như bắt được ý nghĩ của bà, thằng bé lại đưa chuyện:

"Ông đọc thơ đó. Mỗi khi vui thì ông sẽ đọc thơ".

"Thơ gì vậy nhóc?".

"Thơ vè. Ba con nói đó là vè chứ thơ gì. Nên sau mọi người gọi đó là thơ vè" - Thằng bé lại cười tinh nghịch.

Bà xích lại gần, kéo vai nó lại sát vào mình, xoa xoa đầu nó:

"Ừ, người gì lúc nào cũng thơ với văn. Vậy mỗi ngày thì ông đi được bao nhiêu vòng quanh vườn?".

"Có ngày con đếm được ba mươi bốn vòng. Nhưng có ngày thì ít hơn".

"Chân cẳng ổng khỏe quá mà".

"Dạ ba con nói chân ông con ngày trước khỏe lắm, ông đi ta bà khắp nơi".

"Ta bà? Con cũng biết ta bà luôn hả?".

"Con đoán ta bà là quen nhiều bà".

"Ờ ừ..." - Bà chợt khựng lại. "Đúng rồi, ta bà là nhiều bà chứ gì nữa. Vì cái chân ổng bây giờ mà còn khỏe cỡ đó huống hồ ngày xưa".

Thằng bé cười nheo. Mắt nó có đuôi như mắt ông. Sự tinh quái của nó thoát ra nguồn năng lượng thân thuộc, làm cho bà thoáng nhận ra sự trôi chảy diệu kỳ của đời sống. Bà khoác tay lên đôi vai gầy gò của nó.

"Vậy chứ ông con dùng hết dầu xanh các bà cho chưa?".

"Chắc còn khuya mới hết - Thằng bé nói - Ba con để lại một ít trên đầu nằm giường ông, một ít đem cho mấy ông già trong xóm. Ba nói bao người không có để mà dùng".

"Rồi ổng có xài chai dầu nào không?".

"Không, ổng chẳng buồn xài dầu. Ổng già mà chịu chơi lắm. Ổng chỉ thích mùi nước hoa thôi".

"Nước hoa?" - Bà phì cười.

"Dạ, nước hoa. Vài lần con thấy ông rắc nước hoa ở cửa sổ trước khi ngủ".

"Ủa, nước hoa ở đâu ra?".

"Thì của ba mua tặng má. Ổng lén lấy rắc đầy chỗ cửa sổ, rồi quên để lại chỗ cũ. Mấy lần má con tìm không ra, la om sòm. Ba cũng phải gào lại rằng ổng lẫn rồi trách gì ổng thì má mới chịu thôi".

Bà ngửa mặt lên ngó ánh nắng trưa lấp lóa trên chùm bông giấy hồng lòa xòa ở cổng vào, nghe trái tim mình nảy lên một nhịp mạnh mẽ lạ thường, một ý nghĩ vui bảng lảng không định hình trong đầu khiến môi bà hé nụ cười nhẹ.

Bà lại hít một hơi dài, như cuống hoa đã gục xuống bỗng chốc hồi sinh bởi một nguồn mạch nào đó ẩn len lỏi trong lòng đất. Thằng bé đã lẻn đi đâu đó nhanh như một cái bóng, chỉ một chốc, nó trở lại và reo lên:

"Bà ơi, ông con vòng lại rồi kìa".

Từ phía sau bụi cây quế bên hông nhà, ông lẫm chẫm bước lại với ba lô lệch một bên vai, chiếc mũ lưỡi trai đội sụp trên đầu, đôi mắt sâu trũng, chiếc quần tây quên gài phéc mơ tuya. Bà và thằng bé đứng dậy đỡ chiếc ba lô đặt xuống ghế. Ông vươn cặp vai xương, mắt ông lơ đãng nhìn ra khoảng đất gắt lên dưới nắng. Một tiếng nói bật ra như thanh vĩ cứa lên dây trầm của cây cello mà chỉ mình bà nghe và hiểu được:

"Cuối cùng thì cũng tới bìa rừng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.