Tuy nhiên, quan điểm của tướng Milley không được ủng hộ rộng rãi trong đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, trong đó có cả Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan. Cả hai ông Blinken và Sullivan đều không tin rằng đã đến lúc phải thúc đẩy các cuộc đàm phán về Ukraine, theo CNN ngày 11.11 dẫn lời hai quan chức Mỹ tiết lộ.
Kết quả là cuộc tranh luận ngày càng gia tăng trong chính quyền Tổng thống Biden về việc liệu những thành công gần đây của Ukraine trên chiến trường có nên bắt đầu nỗ lực mới nhằm tìm kiếm một kiểu kết thúc cuộc chiến thông qua đàm phán hay không, theo các quan chức.
Nội bộ chính quyền Tổng thống Biden chia rẽ về con đường phía trước cho Ukraine? |
Việc ông Milley muốn thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Nga-Ukraine đã được lan truyền trong công chúng trong những ngày gần đây, khi lực lượng Ukraine giành lại thành phố Kherson từ lực lượng Nga. Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế ở New York ngày 9.11, tướng Milley ca ngợi quân đội Ukraine vì đã chiến đấu đến mức khiến lực lượng Nga lâm vào thế bế tắc, nhưng ông nói rằng một chiến thắng quân sự hoàn toàn nằm ngoài tầm với của Kyiv. “Khi có cơ hội đàm phán, khi có thể đạt được hòa bình, hãy nắm bắt lấy nó. Hãy nắm bắt thời điểm”, tướng Milley nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế ở New York ngày 9.11 |
Chụp màn hình CNN |
Trong các cuộc thảo luận nội bộ, một số quan chức Mỹ cho hay ông Milley tin rằng bây giờ là thời điểm tối ưu để thúc đẩy cuộc chiến kết thúc trước khi nó kéo sang mùa xuân hoặc xa hơn, dẫn đến chết chóc và tàn phá nhiều hơn mà không làm thay đổi được các chiến tuyến.
Tuy nhiên, quan điểm đó không được ủng hộ rộng rãi trong toàn bộ chính quyền Tổng thống Biden. Một quan chức Mỹ giải thích rằng Bộ Ngoại giao ở phía đối đầu với quan điểm của ông Milley, dẫn đến một tình huống hiếm thấy là giới quân sự ủng hộ ngoại giao nhiệt tình hơn các nhà ngoại giao Mỹ, theo CNN.
Cuộc tranh luận nội bộ trong chính quyền Tổng thống Biden diễn ra khi các quan chức cấp cao Mỹ trong những tuần gần đây thúc giục Ukraine phát tín hiệu rằng nước này vẫn để ngỏ cho các cuộc thảo luận ngoại giao với Nga, ngay cả sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 4.10 ký một sắc lệnh loại trừ khả năng đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin, theo CNN.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày thứ 261 có diễn biến gì nóng? |
Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11.11 nhấn mạnh cuộc xung đột hiện nay “chỉ có thể kết thúc sau khi các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt được hoàn tất, hoặc bằng cách đạt được những mục tiêu đó thông qua các cuộc hòa đàm”. “Tuy nhiên, do lập trường của phía Ukraine, các cuộc hòa đàm không thể diễn ra”, Reuters dẫn lời ông Peskov.
Bình luận (0)