- Hội thảo OGDC 2014: Đôi điều trăn trở
- AION Việt Nam bắt đầu Open Beta, tặng giftcode
- FPT Online ngừng kinh doanh game: Quá nhiều tiếc nuối
Khi fantasy bị ruồng bỏ
"Fantasy" là chất liệu văn hóa thể hiện sự huyền ảo, diệu kỳ, phi thực tế, đa phần mang màu sắc cổ trang… Đây cũng được xem là một trong những bản sắc đặc trưng của nền văn hóa phương Tây, ảnh hưởng lớn đến những sản phảm văn hóa như hội họa, phim ảnh, âm nhạc, văn học và tất nhiên có cả game. Ranh giới và sức ảnh hưởng của chất liệu văn hóa này đang ngày càng mạnh, nhờ vào sự sáng tạo, đổi mới không ngừng.
Rồng – Biểu tượng của văn hóa fantasy (Ảnh: Lord of the rings Wiki)
Trong lĩnh vực game online, fantasy có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn đối với các trò chơi thuộc dạng “bom tấn”, thường trực trong top đầu của ngành công nghiệp game phương Tây. Tuy phủ sóng ở mức độ dày đặc như thế, nhưng cho đến nay, chưa một tựa game thuộc dòng fantasy nào có thể tạo dựng cơ nghiệp đáng kể tại thị trường game Việt Nam, nơi mà văn hóa kiếm hiệp/tiên hiệp vẫn đang thống trị.
Lineage 2 là cái tên hiếm hoi có chỗ đứng nhất định trong dòng chảy game Việt, nhưng thông qua một server Việt Hóa được… làm lậu. Nghi án máy chủ này được vận hành bởi một nhà phát hành chuyên nghiệp đến nay vẫn còn tồn tại. Suốt nhiều năm trời, người hâm mộ nuôi hy vọng trò chơi xuất sắc này sẽ bước ra ánh sáng và trở thành một thương hiệu chính thống, nhưng cũng đành từ bỏ giấc mơ. Nối gót Lineage 2, Risk your life, Shaiya cập bến rất nhanh chóng sau đó và thoái lui cũng với tốc độ tương tự, khi không thể địch nổi những Võ lâm truyền kỳ, Thiên long bát bộ... đang làm mưa làm gió vào thời điểm đó.
Lineage 2 là đại diện hiếm hoi của dòng game fantasy để lại dấu ấn (Ảnh: NCsoft)
Shaiya, dự án đình đám của Saigontel gây tiếng vang khi vừa xuất hiện, nhưng cũng nhanh chóng “băng hà” (Ảnh: Trang chủ Shaiya)
Có rất nhiều lý do để dòng game online fantasy không thể thích nghi được với thị trường Việt Nam. Ngoài việc game thủ chưa quen được với văn hóa “Tây”, những tựa game này đa phần đều có sự phức tạp cao hơn hẳn so với dòng kiếm hiệp/ tiên hiệp. Auto luyện cấp, tự tìm đường, làm hàng trăm nhiệm vụ chỉ bằng cái click chuột… là những thứ không bao giờ tồn tại trong một game fantasy đúng nghĩa. Tựa game đáng tiếc nhất phải từ giã cuộc chơi là Granado espada của FPT Online, một trong những sản phẩm fatasy rặt phong cách Châu Âu chất lượng nhất từng có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, gameplay chiến đấu theo nhóm 3 người và hàng tá những thứ phức tạp khác đã đẩy văng tựa game này khỏi thị trường Việt Nam, mặc cho sức sống của game vẫn mãnh liệt tại các server nước ngoài.
Granado espada mở màn cho nghịch lý làng game nước nhà: game “bom tấn” không sống được tại Việt Nam (Ảnh: MMO Hut)
Khôn khéo hơn trong việc đánh giá thị hiếu game thủ Việt, nhà phát hành CMN Online tung ra sản phẩm Thần ma đại lục (Forsaken world), một trò chơi lấy bối cảnh fantasy nhưng lại chịu ảnh hưởng khá nhiều của phong cách game châu Á: từ việc thiết kế trang phục, nhân vật, đến hệ thống thú cưỡi, cơ chế gameplay rất tương đồng với dòng game kiếp hiệp 3D thịnh hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc gặp phải những đối thủ quá lớn đang ở “đỉnh cao phong độ” như Cửu âm Chân kinh, Võ lâm truyền kỳ 3..., Thần ma đại lục đành bỏ cuộc sau đúng 1 năm gắn bó cùng game thủ.
Lấy bối cảnh fantasy, nhưng Thần ma đại lục có những nỗ lực đáng kể để hòa nhập với thị hiếu game thủ Việt (Ảnh: CMN)
Game “bom tấn” không dám bén mảng đến Việt Nam
Chính vì ảnh hưởng lớn của văn hóa fantasy đối với ngành công nghiệp game thế giới, nên chất liệu huyền ảo này là nền tảng, là linh hồn của rất nhiều trò chơi online hàng đầu hiện nay, như World of warcraft, Guild wars 2, Final fantasy XIV... Nhưng chính vì ngại thị hiếu của game thủ nước nhà, các nhà phát hành không đủ tự tin để “nhập khẩu” những tựa game thượng thặng này, thay vào đó, cung cấp những trò chơi 2D, webgame và mobile game để rồi… gặt hái thành công! Tất nhiên, những trò chơi "mì ăn liền" đem lại lợi nhuận không quá lớn, nhưng liên tục, đều đặn và quan trọng nhất là nhà phát hành không phải đánh cược một cái giá quá lớn khi sản phẩm thất bại. Từ đó xuất hiện một nghịch lý buồn cười ở Việt Nam: "Hãy luôn nói không với game đỉnh, game bom tấn hiện hành!"
GameVN là một trong số những diễn đàn có nhiều thành viên đam mê game fantasy “ngoại quốc” (Ảnh chụp màn hình)
Rất nhiều cộng đồng game thủ tại các diễn đàn, fanpage, đã và đang thành lập những hội nhóm chơi game nước ngoài, mà đa phần đều là những sản phẩm game online RPG (nhập vai) fantasy. Bất chấp việc họ phải đối mặt với việc khó khăn trong giao tiếp giữa người chơi với nhau, server “lag kinh hãi”, nạp tiền rất vất vả, v.v., thậm chí phải can thiệp bằng các công cụ đổi IP, “mượn” Proxy rất khốn khổ. Những game thủ này dù rất bền bỉ và gắn bó trung thành với tựa game mình đam mê, nhưng số lượng lại không nhiều và chỉ có thể đạt quy mô vài bang hội (clan, guild) ở một số tựa game. Tất nhiên, số lượng ít ỏi này là không đủ để các nhà phát hành game đầu tư tiền tỷ cho những canh bạc fantasy đầy rủi ro.
Aion đã về Việt Nam, sau một thời gian chờ đợi quá lâu của những game thủ đam mê fantasy (Ảnh: NCsoft)
Mới đây, AION, một tựa game fantasy chất lượng của NCsoft, đã chính thức Open Beta tại Việt Nam. Dù còn nhiều câu hôi về tính chính thống của game, đây vẫn được xem là một bước đi đầy can đảm, hứa hẹn rất nhiều khó khăn đang chờ đợi nhà phát hành Vieplay. Nhưng chắc chắn, những khó khăn này không đến từ chất lượng của trò chơi – thứ đã tạo nên danh tiếng suốt 5 năm qua cho AION.
Ngoài AION, hiện nay game thủ Việt khó tìm thấy một sự lựa chọn nào khác có bối cảnh và tinh thần game tương tự tại thị trường Việt. Trừ khi World of warcraft, Lord of the rings online, Vindictus hay Guild wars 2 về Việt Nam trong tương lai gần.
Tất nhiên, đây cũng chỉ là một mong mỏi, ước mơ, khao khát rất…fantasy của cá nhân người viết.
Bình luận (0)