Nỗi buồn Krăng-gọ

31/03/2016 17:09 GMT+7

Krăng-gọ là tên một ngôi làng của người Churu ở bên bờ sông Đa Nhim (xã Pró, H.Đơn Dương, Lâm Đồng). Trong tiếng Churu, Krăng-gọ có nghĩa là làm gốm, ngôi làng này được đặt tên theo nghề thủ công truyền thống bao đời nay của cha ông họ, nhưng nay nghề này đang đứng trước nguy cơ mai một...

Krăng-gọ là tên một ngôi làng của người Churu ở bên bờ sông Đa Nhim (xã Pró, H.Đơn Dương, Lâm Đồng). Trong tiếng Churu, Krăng-gọ có nghĩa là làm gốm, ngôi làng này được đặt tên theo nghề thủ công truyền thống bao đời nay của cha ông họ, nhưng nay nghề này đang đứng trước nguy cơ mai một...

Không có bàn xoay, người làm gốm phải đi vòng quanh để nặn sản phẩmKhông có bàn xoay, người làm gốm phải đi vòng quanh để nặn sản phẩm
Nghề độc đáo của phụ nữ
Nữ nghệ nhân Ma Phương (51 tuổi, thôn Krăng-gọ, xã Pró), cho biết: “Tôi cũng như những người già ở đây, tất cả đều không ai biết nghề gốm truyền thống của ông bà ở làng Krăng-gọ này có từ bao giờ. Tôi chỉ biết rằng khi sinh ra và lớn lên đã thấy mẹ, thấy bà, thấy cô, dì dùng đôi tay nhào nặn đất làm gốm rất thành thạo, có lẽ nghề này cũng được cả trăm năm. Cứ nhìn mẹ làm như thế rồi tập làm theo, tôi và nhiều phụ nữ khác ở làng biết và thành thạo với nghề làm gốm này. Chỉ phụ nữ ở đây mới biết làm gốm, còn nam thì làm những việc khác như mang đất, lấy củi…”.
Cũng theo bà Ma Phương, dân làng Krăng-gọ làm gốm trong những tháng mùa nắng, từ tháng 11 đến tháng 5 của năm sau. Theo họ thời điểm này là thuận lợi nhất để cho các nghệ nhân dân gian chú tâm vào việc tạo ra những sản phẩm đẹp và tốt nhất.
Nỗi buồn Krăng-gọ 1Nghệ nhân Ma Phương trình diễn làm gốm Krăng-gọ trong một lễ hội văn hóa ở địa phương
Nguyên liệu để làm gốm là một loại đất sét được lấy từ hầm đất Trồm Ụ ở núi KLơl (cách làng chừng 1,5 km) bởi những người “có nghề” mới biết cách lấy được loại đất tốt. Theo nghệ nhân Ma Phương, ngày xưa nếu nhà chủ đất (nơi lấy đất sét) có người mất, làng sẽ mang ché rượu cần, con heo và một khăn thổ cẩm đến để thắp nhang, viếng và cám ơn, nhờ họ mà làng có đất để làm gốm sinh sống; nếu không thực hiện như vậy thì khi làm gốm mang ra nung sẽ dễ bị nứt hoặc vỡ…
Đất lấy về phơi khô từ 2 - 3 ngày, cho vào cối giã nhuyễn, sàng lấy bột mịn, trộn với nước và dùng tay nhồi trộn đều cho thật nhuyễn, cho đến khi ánh lên màu đen bạc như chì rồi nặn ra từng sản phẩm như nồi, bình, chén, tô, lu… đủ các kích cỡ. Cách thức tạo tác sản phẩm gốm của người Churu ở Krăng-gọ chủ yếu dựa vào đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ của nghệ nhân dân gian. Họ không dùng bàn xoay mà người làm phải đi vòng quanh sản phẩm để nặn. Khi đã nặn ra hình thù sản phẩm, lấy cọng tre quấn tròn lại và tùy độ dày mỏng của sản phẩm mà nạo ở phía trong cho phù hợp và dùng miếng gỗ đập nhẹ hoặc ghè ở phía ngoài cho đều đặn. Xong mang ra phơi khô rồi nung lửa.
Cách thức nung lửa của họ cũng khá đặc biệt, người Churu không nung trong lò mà nung gốm theo kiểu lộ thiên. Sản phẩm gốm được để trên mặt đất trước sân rồi chất củi xung quanh đốt và thường khi mặt trời xuống núi thì nổi lửa lên nung, khoảng 1 - 2 giờ thì gốm chín. Để sản phẩm có độ bóng láng, người làng Krăng-gọ dùng loại trái có tên pơlai canh (trám rừng) của một cây leo lấy từ trong rừng để đánh cho bóng.
Nỗi buồn Krăng-gọ 2Nghệ nhân Ma Phương với một sản phẩm gốm Krăng-gọ do mình làm ra
Nỗi buồn Krăng-gọ 3Dùng trái pơlai canh để đánh bóng sản phẩm
Nguy cơ mai một
Ông Tou Prong Cường, người Churu ở làng Krăng-gọ, 60 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐND xã Pró, cho hay thời hoàng kim của nghề làm gốm làng Krăng-gọ là trước giải phóng (1975). “Hồi đó, tại Krăng-gọ, nhà nhà đều làm gốm. Sản phẩm không chỉ phục vụ nhu cầu của cư dân tại chỗ, mà còn được mang đi trao đổi lấy lúa, bắp với các tộc người Mạ, Cơ Ho ở các làng xung quanh và cả cư dân vùng Tây nguyên. Việc trao đổi này cũng rất đơn giản, mang tính ước lượng: cứ lấy lúa, gạo hoặc đồ cần đổi đong đầy sản phẩm gốm rồi bên lấy lúa gạo bên lấy gốm; đổi con gà lấy cái nồi; con dê, con heo lớn thì 2 cái... Thế nhưng đến nay thời hoàng kim ấy đã lùi xa, bởi nghề gốm giờ không đủ nuôi sống gia đình nữa. Hiện ở làng cũng có vài chục hộ biết làm gốm nhưng họ không làm nữa, lâu lâu mới làm vài sản phẩm thôi”, ông Tou Prong Cường nói.
Cũng theo ông Cường, gần 10 năm trước, ông đã hiến đất để xây nhà trưng bày gốm, nhưng hoạt động chỉ được một năm rồi sau đó bỏ hoang cho đến nay. “Vài ba năm trước địa phương cũng từng đưa 10 người ở đây đi làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) để học thêm nghề, nhưng khi trở về họ chỉ làm chơi chơi, khi nào có đơn đặt hàng mới làm. Mới đây cũng mở lớp cho vài chục người học, nhưng rồi cũng rơi rụng dần, còn lại ít người học, nhưng học xong rồi cũng bỏ đó. Giới trẻ bây giờ không còn ham làm gốm nữa, bởi có làm ra cũng ít được sử dụng”, ông Cường cho biết thêm.
Nghệ nhân Ma Phương ngậm ngùi: “Ngày nay các vật dụng bằng nhôm, bằng gang xuất hiện nhiều trong bếp và người ta dùng bếp gas để đun nấu nên các loại vật dụng bằng gốm không còn “trọng dụng” nhiều nữa. Rồi việc mang sản phẩm gốm đi bán cũng không mấy người mua. Tôi và một số người già khác thỉnh thoảng làm vài sản phẩm gốm như ấm nước, nồi đất kho tộ, gạt tàn thuốc, lọ cắm hoa, tượng... để khỏi “lụt” nghề. Mong có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà nước hoặc nhà đầu tư nào đó để khôi phục lại nghề gốm, tìm đầu ra cho sản phẩm. Chứ nếu tình hình này cứ kéo dài thì nguy cơ mất nghề gốm truyền thống đang hiển hiện, bởi những người biết thành thạo nghề thì tuổi cũng ngày một cao. Nếu nghề này mất đi thì con cháu sau này không còn biết nghề của cha ông nữa, sẽ không biết tên của nghề gốm truyền thống cũng là tên của cái làng Krăng-gọ này”.
Nỗi buồn Krăng-gọ 4Dùng miếng gỗ để ghè hoặc đập nhẹ cho đều sản phẩm
Nỗi buồn Krăng-gọ5Một số “đồ nghề” để làm gốm của người Krăng-gọ
Nỗi buồn Krăng-gọ 6Một số sản phẩm gốm đã hoàn thành
Nỗi buồn Krăng-gọ 7
Nỗi buồn Krăng-gọ 8 Nhà trưng bày gốm ở làng nay gần như bỏ hoang
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.