Tranh chấp tư cách cổ đông liên quan ông Hà Văn Thắm
Dự kiến vào ngày 27.4, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group (mã chứng khoán OGC) sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2019. Thế nhưng vào ngày 5.4, OGC đã công bố thông tin về Quyết định sơ thẩm của TAND quận Ba Đình hủy Nghị quyết Đại hội cổ đông 2018 của OGC. Quyết định của tòa án đưa ra theo đơn kiện của nhóm cổ đông từ Công ty Hà Bảo - pháp nhân liên quan tới ông Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị OGC - với lý do tập đoàn đã vi phạm thủ tục đăng ký cổ đông dự họp.
tin liên quan
Hà Văn Thắm bị khởi tố tội danh mới trong đại án OceanBankPhía đại diện OGC cho rằng tòa án Ba Đình đã vi phạm thủ tục tố tụng, quyết định sơ thẩm chưa đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tập đoàn. Do đó, OGC sẽ thực hiện quyền kháng cáo để yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Trước đó khi tiến hành họp Đại hội cổ đông thường niên 2018, OGC đã công bố 2 văn bản từ cơ quan chức năng cho biết, toàn bộ 68 triệu cổ phiếu OGC của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo và 3,3 triệu cổ phiếu OGC của ông Hà Văn Thắm đã bị cơ quan chức năng kê biên phục vụ cho thực hiện bản án của tòa án. Vì thế, Hà Bảo và người đại diện Hà Văn Thắm không có quyền cổ đông tại đại hội và các giao dịch có liên quan. Đại diện Hà Bảo cũng không được cho phép phát biểu.
Hiện nay, Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo vẫn là cổ đông lớn nhất tại OGC với 28,26% vốn và bản thân ông Hà Văn Thắm sở hữu 1,11% vốn.
Cổ đông hết kiên nhẫn
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM mới công bố tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu OGC do lỗ lũy kế đến hết năm 2018 lên gần 2.861 tỉ đồng. Đồng thời, kiểm toán viên đã đưa ra các ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh đến khả năng hoạt động liên tục của OGC. Trong đó, Công ty kiểm toán AASC đưa ra ý kiến ngoại trừ về con số 3.665 tỉ đồng ở khoản mục phải thu dài hạn của công ty. Do kiểm toán viên không thể thu thập được bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi của các khoản này nên cũng không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số dư gốc và lãi phát sinh tương ứng hay không. Bên cạnh đó, công ty cũng có khoản hỗ trợ vốn và khoản phải thu về chi phí sử dụng vốn, các khoản đầu tư khác đã quá hạn thanh toán được trích lập dự phòng. Sau khi trích lập dự phòng giá trị khoản hỗ trợ vốn là 117 tỉ đồng, số dư gốc là 1.576 tỉ đồng. Kiểm toán không thu thập được bằng chứng về giá trị có thể thu hồi.
|
Ngoài ra, công ty kiểm toán cũng nhấn mạnh tại thời điểm cuối năm 2018, tài sản ngắn hạn của OGC nhỏ hơn nợ ngắn hạn 285 tỉ đồng, số lỗ lũy kế lên tới 2.861 tỉ trên vốn chỉ 3.000 tỉ đồng. Những yếu tố này cùng với các yếu tố ngoại trừ nói trên khiến kiểm toán cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Đây cũng là những tồn tại đã khiến OGC bị đưa vào diện kiểm soát từ tháng 4.2017 và đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Đặc biệt, giá cổ phiếu OGC trên sàn TP.HCM đã có nhiều biến động trong thời gian gần đây. Sau khi lao dốc mạnh về dưới 2.000 đồng/cổ phiếu vào giữa năm 2018 thì sau đó hồi phục dần. Riêng từ đầu năm nay, cổ phiếu này liên tục đi lên và đạt đỉnh cao ở mức 6.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 3, tăng gần gấp đôi so với giá đầu năm.
Thế nhưng với những lùm xùm quanh nội bộ của tập đoàn này, ngay sau đó giá cổ phiếu OGC chỉ trong vòng 3 tuần qua đã lao dốc gần 50%, xuống còn 4.100 đồng/cổ phiếu.
Anh Khánh Quang, một nhà đầu tư tại quận 1 (TP.HCM) ôm cổ phiếu OGC than : “Kinh doanh thua lỗ có thể phục hồi nếu như nội bộ đoàn kết, có ban lãnh đạo mạnh. Trong khi đó các cổ đông lớn lại không đồng tâm hiệp lực, kiện tới kiện lui vầy thì khó có hy vọng sẽ thay đổi mạnh mẽ được”.
Bình luận (0)