‘Nơi cuối dòng sông’ - Nổi nênh những phận người

10/07/2021 17:10 GMT+7

Nơi cuối dòng sông của Đặng Hoàng Thám (NXB Hồng Đức, 2021) vừa ra mắt gồm 24 truyện ngắn. Tất cả hiện lên bức tranh đời sống với nhiều mảng màu sáng - tối, những buồn - vui của bao thân phận, kiếp người trong cõi nhân sinh dài rộng này.

24 truyện ngắn trong Nơi cuối dòng sông gồm nhiều đề tài, nhân vật ở nhiều lứa tuổi, tầng lớp và ở nhiều vùng miền khác nhau.
Những trải nghiệm cuộc sống đã giúp Đặng Hoàng Thám có được những trang viết sâu sắc về cuộc sống đời thường cũng như những truyện viết về đề tài chiến tranh. Điều đặc biệt, Đặng Hoàng Thám không chú trọng khai thác các vấn đề của đời sống chính trị xã hội mà tập trung làm rõ về số phận con người trong cuộc sống thường nhật và cả những hồi ức về một thời đã qua. Đó là yếu tố làm nên cái mới và sức hấp dẫn ở Nơi cuối dòng sông.
Đặng Hoàng Thám đã đưa người đọc đến với nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời, nhiều số phận đáng để chúng ta suy ngẫm. Trong truyện Cuối một dòng sông, Trình phải sống trong cảnh gà trống nuôi con. Kinh tế gia đình chật vật sau mấy vụ nuôi tôm thất bát nên người vợ đã bỏ nhà ra đi sau 7 năm chung sống. Trình đi làm biển, để bé Hạnh ở nhà nhờ sự chăm sóc của cô Thúy (Hạnh chính là học trò của Thúy). Thúy là người thành phố, giáo viên tình nguyện về cái vùng biển xa xôi, hẻo lánh này. Cô Thúy là người đàn bà tốt bụng đã chăm sóc Hạnh và cũng là ân nhân của Trình. Ngày người vợ cũ (Loan) trở về ký đơn ly dị và phân chia tài sản, Loan không đoái hoài gì đến đứa con gái của mình. Qua lời đối thoại của Hạnh với bố, Hạnh với cô Thúy làm cho người đọc cảm thấy rưng rưng. Hóa ra Hạnh yêu quý Thúy hơn mẹ đẻ của mình. Sự hờ hững của Loan với đứa con dứt ruột đẻ ra làm cho Trình nghẹn đắng. Chính điều này khiến Trình càng quý trọng Thúy hơn, yêu Thúy thật lòng. Tưởng những Thúy và Trình sẽ có một tình yêu đẹp, nhưng rồi họ cũng đành phải “chia cắt” vì Thúy phải về thành phố để chăm sóc mẹ đang đau...
Nơi cuối dòng sông có những tình yêu đẹp nhưng họ không đến được với nhau, như trong Cánh hoa chùa tháp, Bóng trăng trên cát, Đôi mắt, Lan rừng về phố, Cỏ xanh dưới chân thành cổ...
Họa sĩ Vũ với Lệ Hằng trong Bức tranh thiếu nữ có mối tình đầu tuyệt đẹp nhưng rồi vì những lý do ngoài ý muốn mà hai người cũng đành chia xa. Bức tranh vẽ chân dung khỏa thân của Lệ Hằng mà Vũ vẽ ngày nào đã trở thành vật kỷ niệm cho mối tình bất thành đó. Số phận đưa đẩy, hoàn cảnh thúc ép, trong tình thế cấp bách phải cần có tiền để chữa bệnh cho vợ nên Vũ đành phải bán bức tranh cho cặp vợ chồng nọ với giá trị lớn. Đến một ngày, bất ngờ Vũ nhận gói bưu phẩm kèm theo một bức thư từ nước ngoài gửi về. Bưu phẩm ấy là bức chân dung khỏa thân “Thiếu nữ” mà anh đã bán, còn bức thư tay kia chính là của người yêu đầu Lệ Hằng. Nhận ra những nét chữ quen thuộc của hơn 20 năm trước, lòng Vũ cồn cào. Hóa ra người đàn ông xem tranh và hỏi mua tranh ngày trước không ai khác chính là John Nguyễn - chồng của Lệ Hằng. Bức thư Hằng viết: “Anh Vũ! Anh John Nguyễn - chồng em - đã bị tai nạn xe hơi mất rồi! Chính ảnh đã quyết mua bức tranh ấy cho em... Vì nó rất giống em! Mỗi lần nhìn nó em buồn quá! Em đã mất mối tình đầu và cũng mất luôn hạnh phúc cuối cùng của mình. Em thấy không cần thiết phải giữ bức tranh này nữa... nên em giao trả lại, xem như em tặng cho anh! Ngày ấy em đã đối xử không mấy tốt với anh... Ngày ấy, em giận anh. Nhưng bây giờ thì hết rồi! Chúc anh vui vẻ và hạnh phúc”.
Đặng Hoàng Thám dẫn dắt người đọc đi qua nhiều vùng miền của đất nước, từ đất mũi Cà Mau đến địa đầu Tổ quốc; thậm chí cả bên nước bạn Lào, Campuchia với những chuyển động, biến đổi, những bước ngoặt qua số phận của nhiều nhân vật, không nhân vật nào không phải trải những va đập của số phận.
Mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh đều gây cho người đọc sự cảm thông, đau xót lẫn ngậm ngùi. Phần lớn số phận những người phụ nữ trong Nơi cuối dòng sông đều gặp nhiều bất hạnh. Cô Sovona (Cánh hoa chùa tháp) hy sinh vì bị trúng mìn của bọn tàn quân Pôn-Pốt. Vì thế tình yêu với nhiều hứa hẹn tốt đẹp giữa cô và Vinh chấm dứt từ đó.
Người phụ nữ trong truyện của Đặng Hoàng Thám thường mang một chuỗi dài những tổn thương, mất mát. Nhưng đâu đó quanh họ vẫn còn có người tốt với tấm lòng bao dung, san sẻ và sưởi ấm trái tim họ ở quãng đời còn lại của cuộc đời như: Diệu Hoa và Ngọc trong Cuối mùa trăng phiêu bạt; Bích Hồng, Mỹ Ly, Lan Anh trong Quán Ba Cô...
Nghệ thuật thể hiện nhân vật trong truyện ngắn của Đặng Hoàng Thám phần lớn kế thừa những thủ pháp quen thuộc truyền thống, nhưng trong quá trình tái hiện hiện thực, ngòi bút của ông đã tỏ ra khá linh hoạt và tạo được những nét riêng cho mình. Nhà văn sử dụng cùng lúc nhiều phương thức khác nhau để biểu hiện tâm lý của nhân vật như độc thoại nội tâm, đối thoại, dùng ngôn ngữ trực tiếp của người kể chuyện làm cho những dòng tâm trạng, cảm xúc, suy tư, trăn trở trong nội tâm nhân vật hiện lên một cách sắc nét và sinh động. Điểm nhìn trần thuật cũng được phối hợp và luân chuyển giữa điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong, điểm nhìn không gian và điểm nhìn thời gian. Do đó, tính cách nhân vật cũng được bộc lộ trọn vẹn, đa dạng hơn.
Nơi cuối dòng sông với một giọng văn nhẹ nhàng nhưng giàu tính triết lý, ngôn ngữ giản dị, trong sáng, giàu chất thơ nhưng đôi khi cũng day dứt, làm nhói buốt tâm can người đọc.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.