Nỗi đau Brazil và những sự vắng mặt đáng tiếc của bóng đá Olympic

19/07/2024 12:58 GMT+7

Đương kim vô địch Brazil và các đội từng giành nhiều huy chương vàng (HCV) nhất môn bóng đá nam đều vắng mặt tại kỳ tranh tài ở Olympic Paris lần này.

Brazil chính là đương kim vô địch của 2 kỳ Olympic gần nhất năm 2016 tại Rio và 2021 ở Nhật Bản. Họ cũng đã chứng tỏ sức mạnh tuyệt đối ở cấp độ U.23 thời gian gần đây, sau một giai đoạn dài không thể nhắm đến ngôi vương của môn bóng đá nam. 

Tôi còn nhớ năm 2016 khi chứng kiến Neymar và đồng đội nâng cúp trên sân vận động huyền thoại Maracana sau khi đánh bại đội tuyển Đức, hàng chục nghìn khán giả có mặt trên sân đã ngất ngây, có người ràn rụa nước mắt vì quá đỗi hạnh phúc. Còn cả nước Brazil thì hạnh phúc ngập tràn, chìm đắm trong niềm vui sung sướng không thể nào tả nổi

Nỗi đau Brazil và những sự vắng mặt đáng tiếc của bóng đá Olympic- Ảnh 1.

Niềm vui chiến thắng của Brazil khi giành ngôi vô địch năm 2016

Q.T

Điều đó để nói lên bóng đá là một thứ tôn giáo, có sức hút kinh khủng ở Brazil, khiến người dân xem ngôi vô địch Olympic quan trọng không kém với những gì mà thế hệ đàn chú, đàn anh của Neymar giành chức vô địch thế giới trước đó. 

Điều này đã được tiếp tục khẳng định khi Richardison cùng đồng đội lại bảo vệ thành công ngôi vô địch trên đất Nhật Bản năm 2021. Đội Brazil đánh bại Tây Ban Nha hùng mạnh lúc ấy với 6 cầu thủ Unai Simon, Paul Torres, Eric Garcia, Pedri, Mikel Oyarazabal và Dani Olmo từng tham dự EURO 2020 giành hạng ba, dưới bàn tay huấn luyện của ông Luis de la Fuente (vừa vô địch EURO 2024) ở trận chung kết.

Nỗi đau Brazil và những sự vắng mặt đáng tiếc của bóng đá Olympic- Ảnh 2.

Người hâm mộ Brazil ngất ngây chiến thắng

Q.T

Thế mà giờ đây một đất nước có nền bóng đá hùng mạnh như Brazil và lại là đương kim vô địch Olympic lại cam chịu ngồi nhà xem Olympic 2024 qua tivi. Nguyên nhân là đội Olympic nam Brazil đã thiếu sự chuẩn bị nghiêm túc cho chiến dịch tranh tài vòng loại để bảo vệ danh hiệu của mình. Trong các trận đấu tại Venezuela từ 20.1 đến 11.2.2024, Brazil dù về đầu bảng A với 3 thắng, 1 thua lọt vào vòng 2. Nhưng khi giáp mặt với Argentina và Paraguay, đội bóng xứ sở Samba lại chơi kém khi cùng thua với tỷ số 0-1. Do khu vực Nam Mỹ chỉ lấy có 2 đội nên với vị trí thứ 3 (chỉ trên Venezuela), các nhà vô địch Olympic đã chính thức bị loại.

Nỗi đau Brazil và những sự vắng mặt đáng tiếc của bóng đá Olympic- Ảnh 3.

Niềm vui 8 năm trước giờ chỉ còn là nỗi buồn

Q.T

Người hâm mộ và truyền thông Brazil đã phản ứng rất dữ dội với thất bại này của đội nhà, chỉ trích HLV 51 tuổi Menezes cũng như màn trình diễn đầy thất vọng của các ngôi sao trẻ nổi tiếng như thần đồng Endrick, John Kennedy hay Marquinhos. Đặc biệt là trận quyết định với Argentina, chỉ cần hòa là Brazil sẽ giành vé, nhưng đội bóng đã không thể hiện được bản lĩnh và chơi lúng túng như gà mắc tóc đến mức tự phạm rất nhiều sai lầm cho đối thủ khai thác. Tờ Globo của Brazil còn cho rằng thế hệ đội tuyển Olympic 2024 này lặp lại thất bại của Diego, Robinho và đồng đội, những người không đủ điều kiện tham dự Olympic 20 năm trước.

Nỗi đau Brazil và những sự vắng mặt đáng tiếc của bóng đá Olympic- Ảnh 4.

Trận Brazil thua Argentina 0-1 mất vé đi Olympic 2024

AFP

Cùng với đội bóng 2 lần vô địch Olympic Brazil phải ở nhà, những sự vắng mặt đáng tiếc khác ở Paris 2024 là 2 quốc gia cùng có 3 chức vô địch gồm Hungary (1952, 1964, 1968) và Anh (1900, 1908, 1912). Bóng đá Hungary tuy đang hồi sinh so với giai đoạn trước đây, nhưng chưa lấy lại sức mạnh vốn có. Tiếc nhất là Anh dù giành ngôi vô địch giải U.21 châu Âu cũng là vòng loại Olympic, nhưng lại hệt như những lần trước đây là từ chối không tham gia Olympic. Nguyên nhân là Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và bóng đá Anh chưa giải quyết triệt để vấn đề liên quan đến câu chuyện hậu trường. Điều này khiến đàn em của Harry Kane, Phil Foden mất cơ hội góp mặt ở sân chơi bóng đá lớn thứ 2 của thế giới chỉ sau World Cup.

Uruguay cũng là đội từng 2 lần vô địch Olympic (1924, 1928) vắng mặt tại Olympic 2024 do thất bại ở vòng loại hệt như Brazil. Bên cạnh đó dù Nga không thể cử đội bóng tranh tài, nhưng Ukraine vẫn có mặt do vào bán kết U.21 châu Âu, nên bóng đá Liên Xô cũ (từng 2 lần HCV Olympic 1956, 1988) vẫn còn đại diện. Ngoài ra Đức là đội bóng từng vào chung kết ở Olympic Rio 2016 và cũng là thế lực mạnh ở châu Âu cũng không thể đến Paris tranh tài. Những quốc gia có nền bóng đá mạnh khác từng vô địch Olympic như Ý (1936), Bỉ (1920), Ba Lan (1972), CH Czech (1980), Nigeria (1996) hay Cameroon (2000) cũng không thể đến Olympic. Vì FIFA khống chế số lượng đội tham dự là 16 nên các khu vực có rất ít đại diện, chứ không mở rộng như World Cup.

Dù sao bóng đá nam vẫn có các đại diện mạnh như Argentina (2 lần vô địch 2004 ở Hy Lạp, 2008 ở Bắc Kinh), Tây Ban Nha (1 lần vô địch năm 1992 tại Barcelona, 1 hạng nhì năm 2000 tại Úc), chủ nhà Pháp (1 lần vô địch 1984 ở Los Angeles, Mỹ), Nhật Bản (1 lần hạng nhì năm 1968 và 2 lần hạng ba năm 2012 và 2020) hay Paraguay (1 HCB ở Athens 2004). Vì thế cuộc tranh chấp huy chương Olympic chủ yếu sẽ xoay quanh các đội bóng nhiều kinh nghiệm trận mạc này.

Bóng đá Olympic với 16 đội nam (chia làm 4 bảng) và 12 đội nữ (chia làm 3 bảng) sẽ là môn khởi tranh đầu tiên tại Paris 2024. Cụ thể vào ngày 24.7, 8 trận đấu lượt đầu vòng bảng môn bóng đá nam sẽ đồng loạt diễn ra trên các địa điểm thi đấu ở Paris, Nantes (phía tây), Bordeaux (tây nam), Nice, Marseille (đông nam), Decines Champies, Saint- Etienne (trung) của nước Pháp. Đáng chú ý là các trận chủ nhà Pháp gặp Mỹ (bảng A), Argentina gặp Ma Rốc (bảng B), Tây Ban Nha gặp Uzbekistan (bảng C) và Nhật Bản gặp Paraguay (bảng C).

Nỗi đau Brazil và những sự vắng mặt đáng tiếc của bóng đá Olympic- Ảnh 5.

Uzbekistan trong trận thắng Việt Nam tại vòng chung kết U.23 châu Á giành quyền đến Paris 2024 dự Olympic

AFP

4 bảng đấu cụ thể như sau: Bảng A (Nice, Marseille); Pháp, Mỹ, New Zealand, Guinea. Bảng B (St Etienne, Lyon): Argentina, Ma Rốc, Iraq, Ukraine. Bảng C (Paris, Nantes, Bordeaux): Tây Ban Nha, Uzbekistan, Dominican, Ai Cập. Bảng D (Paris, Bordeaux, Nantes): Nhật Bản, Mali, Paraguay, Israel. Vòng bảng diễn ra trong các ngày 24.7, 27.7 và 30.7. Các trận tứ kết giữa 8 đội nhất, nhì 4 bảng ngày 2.8, bán kết ngày 5.8, tranh hạng ba ngày 8.8 và chung kết ngày 9.8 tại Paris.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.