3 năm trước, tôi tham dự phiên xét xử bị cáo N.H.P.T cùng 7 đồng phạm đã thực hiện 11 vụ cướp tài sản tại cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.HCM. Suốt quá trình xét xử cho đến tận sau này, tôi vẫn ám ảnh hình ảnh bà L., mẹ của T. vừa khóc vừa chạy theo con trai, ngã khuỵu xuống đất, ngất lịm.
N.H.P.T (đứng) tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 8.2019 |
SONG MAI |
Chính vì vậy, khi thực hiện loạt bài Phụ nữ phía sau bản án, tôi đã tìm gặp lại bà L. để viết về câu chuyện của bà, cũng như chia sẻ phần nào nỗi đau mà bà đang chịu đựng. Sau khi liên hệ, tôi được biết bà L. đã chuyển về Bình Phước bán vé số. Cuộc sống khó khăn, bà lâm cảnh nợ nần khi phải nuôi hai đứa cháu ngoại.
Dù đã 3 năm trôi qua, nhưng qua trò chuyện, tôi có thể cảm nhận bà L. vẫn còn ám ảnh về chuyện cũ. Bà khóc và nói hằng đêm bà vẫn nhớ ngày T. bị bắt; vẫn luôn tự trách bản thân không dạy dỗ T. nên người. Còn T., mỗi lần gọi điện từ trại giam về đều xin lỗi mẹ, hứa sau khi ra tù sẽ sửa sai.
Trong một vụ án, khi bị cáo được đưa ra xét xử và lãnh mức án thích đáng với hành vi phạm tội do mình gây ra, người chịu tác động và ảnh hưởng không chỉ riêng bị cáo mà còn có người thân của họ.
Các bị án cũng cần nhớ đến thực tế rằng, trong những tháng ngày dài đằng đẵng trả giá trong tù, họ còn phải đối diện với một bản án khác - bản án lương tâm. Đó chính là trách nhiệm của bị án đối với người thân, gia đình của mình và họ không vô danh. Họ chính là những người mẹ, người dì, người em gái… của các bị án. Họ cũng mang nhiều nỗi đau, day dứt và chịu những tác động sâu sắc từ chính lỗi lầm của các bị án.
Bình luận (0)