Tự bao giờ thành phố trong tâm trí một người con từng vì mưu sinh mà đến đây đã trở lên thân quen vì cái chất Sài Gòn xưa thêm cái tính hội nhập không toan tính có một sức hấp dẫn thật lạ kỳ
Thành phố ngỡ quen mà lạ, đã lạ rồi không thể dửng dưng muốn được thân quen thêm nữa.
Sự tách biệt hai mùa mưa và nắng làm nên cái chất riêng của vùng đất phương Nam. Khoảng giữa đan xen hai mùa ấy đôi khi tôi thấy mình ướt mưa, tôi thấy mình chói chang nắng vàng.
Quen là bởi chỉ cần nhắc đến Nhà thờ Đức Bà, nhắc đến khu chợ đêm Bến Thành là người ta nghĩ đến TP.HCM, nghĩ đến nền văn hóa thu nhận không phân biệt mọi tầng lớp, màu da, quốc tịch, lứa tuổi song song đó rất thích ứng với sự hội nhập phát triển mà vẫn giữ lại trong mình những bản sắc rất riêng, rất Sài Gòn.
|
Lạ, bởi thành phố đang thay đổi từng ngày từng giờ, trên từng tuyến phố con đường, trên mọi mặt của đời sống. Bao năm lớp người nối tiếp, đan xen nhau và tự hào đóng góp sức nhỏ bé cho sự tươi mới, trẻ trung và hiện đại hơn của thành phố.
Thành phố là thế, lạ thì cứ lạ, bình yên quá đỗi bình yên, đâu đó phía sau sự phát triển là hoạt cảnh mưu sinh rất đỗi đời thường ngày. Đó có thể là anh thợ xây, cô bán nước, bác lái xe ôm, anh nhân viên văn phòng, anh quản lý, giám đốc... tất cả kết nối lại trong một bức tranh đầy màu sắc về nhịp sống như một thước phim quay chậm cùng cười chia sẻ với nhau các mẩu chuyện thường ngày, không khoảng cách.
Tôi nhớ đến dư vị AFF CUP sau 10 năm kể từ chức vô địch đầu tiên 2008, khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, cảm xúc và niềm vui chiến thắng ngập tràn trên phố từ trận mở màn cho đến trận chung kết. Tất cả hò reo, ôm nhau sung sướng vì tuyển VN có chiến thắng nức lòng người hâm mộ. Lá quốc kỳ tung bay khắp nơi và thành phố thực sự có một đêm không ngủ, thật tuyệt vời. Tôi thấy biết bao khuôn mặt người, có cả người vô gia cư, nở nụ cười.
|
Đi trong phố quá lâu khiến tôi nhớ đến hương vị bánh mì Sài Gòn cũ, hương vị cafe nâu sáng sớm, nhớ khuôn mặt người, cô gái/chàng trai nào đó mỉm cười về phía mình. Nếu Hà Nội ấn tượng là 36 phố phường và con ngõ dài quanh quanh thì ở đây là con hẻm sâu hun hút nhưng đủ mang lại một sự tĩnh lặng cần thiết hay đơn giản là trốn cái nắng ngột ngạt giữa dòng người, xe cộ ngoài kia và thêm nhớ cái ân tình dịu mát cảm xúc người đi phố đã ban tặng cho tôi bao nhiêu lần và nhiều hơn thế.
Có lẽ sự gắn bó và trải nghiệm của tôi khi về thành phố không quá nhiều so với thâm trầm biến thiên thay đổi về đời sống văn hóa và lịch sử mà đôi lần khiến tôi dằn vặt bản thân và mến yêu một góc nhỏ để nơi cuộc sống này.
Khi còn năm 3 đại học, đó là vào khoảng trưa, tôi đang ngồi ăn góc Mai Thị Lựu và Võ Thị Sáu, có một bé gái khoảng 6 đến 7 tuổi, mặc áo trắng, thêm áo mỏng khoác vai, chân đi giày vải, mái tóc cột nơ đính cao, đến trước mặt tôi không giống những em cơ nhỡ tôi từng gặp và nói chỉ một thanh âm duy nhất “cơm”. Tiếng ‘Cơm” là từ duy nhất tôi nhận được trong khoảng đối diện trước mặt em. Tôi chỉ đứng nhìn, em đã níu tay áo tôi lại, vẫn là một tiếng “ cơm” ấy. Có lẽ sự thiếu thốn về vật chất trong khoảng thời gian dài đã khiến tôi chai lỳ đi tình thương. Về phía em, sau khi năn nỉ qua mấy anh thợ lao động, viên chức gần đó nhưng không có kết quả, em lại quay về phía tôi tiếng “cơm” vang hơn làm tôi để ý. Thoáng tần ngần, tôi móc túi thay vì những tờ 10.000, 20.000 tôi đưa em tiền xu to nhất chỉ đủ mua 1/3 phần cơm đang ăn. Em cảm ơn tôi và rời đi.
Trên đường về phòng trọ, tiếng “cơm” ấy vẫn văng vẳng khiến tôi nghĩ mãi. Về đến phòng tôi quyết định quay lại quán cơm cũ và con đường xung quanh hy vọng sẽ được gặp em, nhưng tôi thất vọng. Bữa sau tôi vẫn ăn ở đó và chọn chỗ ngồi gần cây hoa giấy tôi không thấy em ngang qua thêm lần nào nữa. Và điều đó đã đọng lại tâm trí tôi đến tận bây giờ.
Giờ đây, em ngày đó chắc cũng đang ở độ tuổi đôi mươi thôi, em không trách tôi chứ? Tôi đã không có được nhiều tình thương hơn thế, ở thời điểm đó và như bây giờ. Thứ tình cảm mà người thành phố đã ban tặng cho tôi bao nhiêu lần.
|
Bình luận (0)