Nơi độc nhất ở Sài Gòn người 20 năm ‘độ’ bồn cầu cũ bán cho người nghèo

10/12/2016 09:39 GMT+7

Đi dọc con đường Võ Văn Kiệt (đoạn P.1, Q.5, TP.HCM) thấy la liệt cửa hàng bán bồn cầu cũ. Trong số đó có một người đã gắn bó hơn 20 năm với nghề “làm mới” bồn cầu, bán rẻ cho người nghèo.

Hơn 20 năm qua, kể từ ngày con đường cũ tên Trần Văn Kiểu đổi thành đường Võ Văn Kiệt, không ngày nào ông Lê Đắc Dũng (55 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) thôi làm công việc tân trang lại bồn cầu cũ.
Muốn ói trong ngày đầu “làm đẹp” bồn cầu
Những năm trước đây, ông và vợ, là bà Nguyễn Thị Minh (51 tuổi) chuyên hành nghề thu mua ve chai khắp các con đường ở quận 5. Trong những thứ xà bần mua lại, ông Dũng thu luôn cả bồn cầu cũ để bán lại cho các chủ vựa kiếm lời.
VIDEO: Ông Dũng chia sẻ về nghề "độc nhất vô nhị" của mình - Thực hiện: Phạm Hữu
Thoạt đầu, ông cùng vợ lân la ở những nơi giải tỏa, đang xây dựng nhà để hỏi mua bồn cầu. Dần dần sau này, ông thử giữ lại một vài cái, tự tay tân trang sửa chữa để bán lại nhằm kiếm lời nhiều hơn.
Thế nhưng, vì chưa có kinh nghiệm nên khi mang bồn cầu về ông liên tục làm hư. Đặc biệt ông bán cũng không ai mua vì nó không bóng, đẹp như ý muốn người sử dụng. Rồi nghề dạy nghề, ông bà vẫn quyết tâm bám trụ tự học nghề để có thể bán được hàng mặc dù có lúc lỗ vốn không còn gì trong tay.
Để tân trang một cái bồn cầu cũ trở nên sạch đẹp và mới hơn trải qua rất nhiều công đoạn Phạm Hữu
“10 năm sau tôi tự mày mò mới học rành và hành nghề này được”, ông Dũng chia sẻ.
Những ngày đầu thực hiện việc tân trang, ông Dũng ớn nhất khi phải tự tay cọ rửa, tiếp xúc trực tiếp với bồn cầu. Hay lúc đang làm ông tưởng tượng đến cảnh những người bệnh đã từng sử dụng qua, hoặc chất bẩn có thể lây bệnh khiến ông vừa làm vừa run.
Ông cho rằng, đây là nghề dơ nhất, khi phải rửa chất cặn bã của người khác thải ra còn đọng lại trên bồn. Có khi bị chất bẩn văng dính vào mặt cũng là chuyện thường. Không những thế, vào mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ mùi thối cứ phảng phất khiến ông bị ám ảnh.
Việc “độ” này cũng vô chừng theo thời gian, nếu thong thả một ngày ông làm xong vài cái. Tuy nhiên, để cho ra lò một cái bồn cầu như mới phải trải qua nhiều công đoạn như tháo rời từng bộ phận, đục đẻo xi măng còn dính lại, vệ sinh bồn bằng nước và hoá chất và sau đó đến công đoạn đánh bóng cuối cùng.
Tuy vậy, khổ nhất là ở công đoạn đục đẻo. Vì đây là lúc người thợ tiếp xúc trực tiếp với bồn cầu lúc còn nguyên sơ và dơ bẩn nhất. Song song đó, mùi hôi thối tồn đọng hàng năm trời đều nằm ở phía chân bồn.
Kế đến người thợ phải dùng những hoá chất chuyên dụng, giấy nhám để đánh bóng. Công việc này thực hiện hoàn toàn bằng tay và mất khoảng vài giờ tuỳ theo bồn cũ hay mới.
“Nhiều lúc chất bẩn văng trúng người, trúng mặt, mùi hôi nồng nặc tôi cũng phải hy sinh để quên đi mà mưu sinh, vì đây là nghề lao động chân chính, không có gì phải sợ”.
Tuy nhiên, nghề này còn đối diện với nhiều rủi ro về sức khoẻ từ các bồn cầu cũ Phạm Hữu
“Độ” bồn cũ để bán cho người nghèo
Những bồn cũ đã qua bàn tay lành nghề của ông Dũng không khác nào hàng mới. Giá bán cũng tuỳ loại, trung bình dao động từ 600 đến 800.000 đồng mỗi cái. Khi thành phẩm, mỗi cái ông bán lời khoảng 100 đến 150.000 đồng.
Phân khúc thị trường của ông Dũng khá đa dạng, nhưng phần đông là người có thu nhập trung bình trở xuống. Hoặc bán cho những ông chủ cần số lượng lớn để kinh doanh nhà trọ.
Tuy nhiên, khách hàng thân thiết nhất của ông chủ yếu là người nghèo có thu nhập thấp, vì không đủ khả năng mua đồ mới. Những người này thường mua loại bồn có giá từ 80.000 đến 100.000 đồng về sử dụng.
Theo ông Dũng, một chu kỳ bồn cầu trao tay ở tiệm đa phần đều qua ba đời chủ. Đầu tiên người giàu sử dụng bồn xịn, đắt tiền. Một thời gian sau người này không sử dụng bán lại cho ông. Tiếp đến là người thu nhập trung bình đến mua (vì nó vẫn còn mới và có thương hiệu lớn), một thời gian không còn sử dụng nữa, ông cũng thu lại. Sau cùng mới đến tay người nghèo nhất chỉ vì giá cả trở nên rẻ gấp nhiều lần so với trước kia.
Khách hàng thường xuyên đến mua thường là những người nghèo, có thu nhập thấp Phạm Hữu
Ông Dũng cho hay, luôn hiểu tâm lý người nghèo khi họ tìm đến, có khi, họ mua những bồn rẻ nhất mà không dám đòi hỏi gì. Hay có trường hợp khi mang đi lắp đặt tại nhà, thấy hoàn cảnh khó khăn ông cũng giảm giá hoặc cho luôn mà không lấy tiền.
Tuy vậy, đối với ông Dũng niềm hạnh phúc lớn nhất khi làm nghề là khi có khách đến mua, được người khác trầm trồ khen sạch đẹp như mới là ông cảm thấy rất vui. Hoặc khi lắp đặt bồn cũ nhiều người còn quay lại cảm ơn ông đều thấy mãn nguyện với công việc của mình.

tin liên quan

Nơi độc nhất ở Sài Gòn người người ‘xẻ thịt’ dây điện

Nhiều người Bắc, đặc biệt là các chị em rủ nhau vào Sài Gòn thu mua ve chai, thời gian sau chuyển qua ‘xẻ thịt’ dây điện và gắn bó luôn với cái nghề có tên lạ lùng này vì đỡ vất vả hơn và năm nào cũng đủ dư giả để về quê ăn tết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.