Nói hết xăng là điều phi lý, đại lý đề nghị Bộ Công thương 'vi hành'

27/08/2022 17:16 GMT+7

Trong khi Bộ Công thương cho rằng việc gián đoạn nguồn cung là phi lý, đến trưa hôm nay, 27.8, một số chủ cây xăng, người dân vẫn tiếp tục phản ánh không có hàng để bán, mua.

Dân kêu khó mua dầu đi biển

Sáng 27.8, một số bạn đọc ở tỉnh Bình Thuận phản ảnh đến báo Thanh Niên nhiều chủ tàu, ghe đánh bắt cá muốn mua dầu để ra khơi nhưng cửa hàng xăng dầu L.H báo hết hàng. Nguồn tin tên H.K cho hay: "Nhiều người dân giận quá bật khóc nhưng chủ cây xăng vẫn phớt lờ". Theo lời người này thì chủ cây xăng nghe dầu chuẩn bị tăng mạnh nên giữ lại không chịu bán ra.

Giá xăng dầu ngày 27.8.2022: Có thể sắp tăng mạnh 2.000 đồng/lít ?

Giá xăng dầu nhập khẩu đang cao hơn giá bán trong nước, dự kiến sẽ tăng tại kỳ điều chỉnh giá tới (5.9)

ĐỘC LẬP

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, một số cây xăng khu vực miền Trung báo hết dầu nhưng xăng vẫn có đủ hàng để bán, đa số cho biết không có hàng để lấy. Thông tin thị trường nhập khẩu xăng dầu hết ngày 26.8 cho thấy, xăng RON 95-III giá 111,05 USD/ thùng, xăng E5 RON 92 108,18 USD/thùng, dầu diesel 149,03 USD/thùng, dầu hỏa 146,85 USD/thùng, dầu mazut 500,33 USD/thùng.

Giá bán lẻ dự đoán đến ngày 5.9 đối với xăng tăng 380 - 390 đồng/lít, dầu diesel tăng 2.470 đồng lít, dầu hỏa tăng 2.340 đồng/lít, dầu mazut giảm 110 đồng/lít. Giá dầu nhập khẩu đang tăng mạnh, đắt hơn giá bán trong nước gần 2.500 đồng/lít có thể là một trong những lý do khiến các đại lý gặp khó trong việc tiếp cận nguồn hàng và mua về bán, cho dù bị lỗ.

Về mức chiết khấu, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức gửi đến các khách hàng đại lý và đơn vị thành viên, áp dụng từ ngày 25.8 như sau: Xăng E5 giao tại kho PVOil Vũng Áng, xăng RON 95 và dầu diesel giao tại kho Nghi Thiết (theo giá bán lẻ vùng 2) đều có mức chiết khấu 0 đồng/lít. Đối với đại lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế thì chiết khấu được giảm trừ cước vận chuyển theo quy định.

Chủ cửa hàng xăng dầu L.Q tại Thái Bình cho biết, trong 2 ngày 24 và 25.8, công ty đầu mối thông báo mức chiết khấu với xăng từ 100 - 400 đồng/lít, dầu luôn báo âm từ 1.000 - 1.600 đồng/lít và ghi chú là "lượng hạn chế". Tức là mua một lít dầu hỏa giá 24.000 đồng, bán giá đó, còn lỗ thêm 1.000 đồng chưa bao gồm tiền công nhân viên, chi phí vận chuyển, khấu hao... mất thêm 600 đồng/lít nữa. Tuy nhiên, cũng theo chủ cửa hàng này, đến tối 25.8 thì đầu mối thông báo dầu chiết khấu âm 2.000 đồng và cũng không có hàng.

Tương tự, các cửa hàng xăng dầu tại Hải Phòng cho biết, chiết khấu dầu diesel tại kho Hải Linh và Nam Vinh âm 2.000 đồng/lít trong 2 ngày nay; kho Hoàng Huy báo xăng RON 95 hết hàng, chờ ngày 28.8 mới có hàng từ Nhà máy Nghi Sơn về... "Chiết khấu 0 đồng tại kho thương nhân, đặt hàng không có mà người dân cứ nói là trữ hàng không bán', bà Trang - chủ cửa hàng xăng tại Đắk Lắk cho biết.

Quản lý thị trường cấp cơ sở chậm

Trước thông tin Bộ Công thương khẳng định không có chuyện gãy nguồn cung, nhiều chủ đại lý cây xăng trên Diễn đàn xăng dầu có hơn 29.000 thành viên đề nghị Bộ trưởng cứ thử đi "vi hành" tại một số cây xăng ở cả ba miền để nắm tình hình có đúng như phản ánh không.

Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, Bộ trưởng Bộ Công thương căn cứ trên sản lượng sản xuất và hàng nhập khẩu của các thương nhân đầu mối để tự tin khẳng định hàng không thiếu, không đứt gãy nguồn cung là đúng, nhưng có thể thiếu cục bộ, nguồn hàng về chưa kịp."Có thể giá nhập khẩu trong tuần qua tăng vọt, các nhà phân phối trung gian, các tổng đại lý gặp khó khăn khi nhập hàng, không muốn nhập hàng về vì chiết khấu âm, sợ lỗ. Nếu như vậy cũng phải được nói ra rõ ràng, chứ không nên để thông tin thiếu minh bạch kéo dài. Trách nhiệm ở đây thuộc chính quyền cấp cơ sở. Các cây xăng tại các xã, thôn, huyện báo hết hàng không còn hàng để bán được cho dân. Đúng sai thế nào, quản lý thị trường phải biết"- ông Phú nói.

"Quản lý thị trường địa phương phải nắm, phải kiểm tra để biết chủ cửa hàng xăng kêu không lấy hàng là đúng hay sai, trong đó ai còn hàng găm chờ tăng giá cũng phải rõ. Tình trạng kho hàng của khâu phân phối trung gian hay đầu mối thế nào, công tác điều tiết hàng hóa ra sao... Trong thực tế, quản lý phân phối xăng dầu thời đại số không mấy khó khăn. Nguồn hàng tồn tại kho bao nhiêu, xe bồn chở hàng đi đến đâu, cây xăng, dầu còn bao nhiêu lít... đều có thể nắm được, nếu kiểm tra một cách có trách nhiệm. Trong mấy ngày qua, mặc dù nhiều đại lý tại các tỉnh báo không lấy được hàng, cho dù bị chiết khấu về 0 đồng, nhưng chưa thấy biên bản nào của quản lý thị trường tại các kho đầu mối để cho biết là hết hàng thật. Như vậy là chậm so với biến động của thị trường", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Theo trình bày của tổng đại lý, nhà phân phối là do thiếu chiết khấu, vậy mức bù cho chiết khấu thế nào, có quy định hết, tại sao không làm mọi thứ minh bạch? Hay mới đây, Bộ Công thương đã có chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý, cụ thể "hợp lý" thế nào, cũng nên được quy định rõ ràng, chứ nói "khơi khơi" thì quản lý xăng dầu còn loay hoay dài dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.