Cà phê 'lạ' ở Hà Nội: gọi món dùng ký hiệu, được ngắm gấu bông tận xưởng

21/09/2022 08:47 GMT+7

Đồng cảm với những trở ngại của người khuyết tật, anh Phạm Việt Hoài đã sáng lập xưởng sản xuất thú bông kết hợp quán cà phê, tạo việc làm cho hơn 30 người khiếm thính.

Tại tổ hợp Kym Việt Space, trong không gian yên tĩnh, chỉ nghe thấy tiếng máy khâu, mọi giao tiếp đều bằng ánh mắt, ngôn ngữ ký hiệu. Ngay cạnh đó là quán cà phê đặc biệt, nơi mọi người khi ghé đến cũng giao tiếp hay gọi món bằng ngôn ngữ ký hiệu hoặc chữ viết.

Đây là địa điểm làm việc của 30 nhân viên hầu hết đều bị khiếm thính, bao gồm xưởng sản xuất thú nhồi bông kết hợp không gian quán cà phê. Người sáng lập là anh Phạm Việt Hoài.

Điểm đặc biệt của nơi này là toàn bộ nhân viên đều là người khiếm thính

kim oanh

"Tôi với những cộng sự rất mong muốn cộng đồng người khuyết tật sẽ có một công việc để họ tự tin trong cuộc sống, kiếm được thu nhập và đôi khi là gánh vác được một phần nào đấy cho gia đình. Người khuyết tật sẽ được sống như những cái mà họ mong muốn, tự kiếm được tiền và trang trải cho bản thân", anh Hoài chia sẻ.

Anh Phạm Việt Hoài, người sáng lập, đang hướng dẫn công nhân làm việc

Kim oanh

Tại xưởng, các sản phẩm chính là đồ chơi trẻ em, đồ trang trí nội thất… đều được làm thủ công mọi khâu, từ cắt may, lộn tỉa đến nhồi bông. Mỗi tháng sẽ xuất xưởng khoảng 2.500 – 3.000 sản phẩm, tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.

Còn tại không gian quán cà phê, điểm đặc biệt là ngoài tên thức uống trên thực đơn còn có ảnh minh họa ngôn ngữ ký hiệu để khách hàng giao tiếp và dễ dàng gọi đồ uống. Nhiều người trở thành “khách ruột” khi đến đây tìm kiếm sự yên tĩnh, vừa thưởng thức cà phê vừa quan sát được nhân viên xưởng làm việc.

"Mình mua một sản phẩm bên Kym Việt, thấy các bạn có bán cả cà phê, về ngôn ngữ ký hiệu rất đa dạng, phong phú nên là mình cũng sang, vừa uống nước vừa học ngôn ngữ. Lúc đầu giao tiếp rất khó nhưng mà may có bảng chỉ nên mình có thể dễ dàng gọi đồ uống", anh Nguyễn Doanh, khách hàng chia sẻ.

Toàn bộ các giao tiếp của người lao động ở đây là ngôn ngữ kí hiệu

kim oanh

Chia sẻ về lý do mở ra tổ hợp Kym Việt Space, anh Hoài chia sẻ bản bị bại liệt hai chân từ năm 7 tuổi. Chính cuộc sống trên xe lăn giúp anh thấu hiểu và cảm thông với khó khăn của người khuyết tật. Sau 3 tháng đi học ngôn ngữ ký hiệu, anh đã thành lập doanh nghiệp với mong muốn mang đến cơ hội việc làm và thay đổi nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật. Mong muốn kết hợp mở quán cà phê để tăng thêm cơ hội cho những người khuyết tật không thể may vá, thêu thùa vẫn được làm việc nuôi sống bản thân.

Thực đơn đặc biệt với các hướng dẫn ngôn ngữ ký hiệu cho khách hàng

kim oanh

Tại đây còn trưng bày các sản phẩm thủ công và giải thưởng đạt được trong nhiều năm qua. Mỗi giải thưởng đều mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự công nhận của cộng đồng đối với giá trị của người khuyết tật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.