Nỗi khổ của bạn trẻ thành công… đến sớm

21/08/2023 07:00 GMT+7

Có những bạn trẻ thành công quá sớm, khiến họ gặp khủng hoảng vì chưa đủ kỹ năng quản trị, tiềm lực chăm sóc khách hàng…

ĐỐI MẶT KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ

Bắt đầu kinh doanh từ năm 15 tuổi, Nguyễn Ngọc Hiểu Nhi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đã phải nhận nhiều bài học đau đớn từ sự phát triển nhanh chóng của mình. Nhi từng gặp khủng hoảng cực độ, rơi vào chứng bệnh rối loạn lưỡng cực, phải mất hơn 1 năm để điều trị.

Năm 2019, Nhi kinh doanh trang phục lolita. Đây là xu hướng thời trang bắt nguồn từ Nhật Bản hướng tới sự quý phái, sang trọng pha trộn với nét hồn nhiên, dễ thương. Giá sản phẩm này khá cao nếu đặt mua ở nước ngoài. Nhi đã tìm cách mua số lượng lớn và đồ cũ để giảm thiểu chi phí. Chỉ sau 2 năm, doanh thu của cửa hàng đã có lúc đạt cả trăm triệu đồng mỗi tháng.

Nỗi khổ của bạn trẻ thành công… đến sớm - Ảnh 1.

Nguyễn Ngọc Hiểu Nhi kinh doanh thời trang lotita ở thời điểm chưa nhiều cạnh tranh nên nhanh chóng đạt doanh thu lớn

Đang trên đà phát triển, nhưng đầu năm 2023, nhiều tài khoản không rõ danh tính trên mạng xã hội đăng nhiều bài viết và bình luận tiêu cực về cửa hàng của Nhi. Chưa hết, họ còn nhắn tin tấn công tâm lý người quen của cô gái. Điều này là kết quả từ nguồn lực mỏng nhưng nhu cầu quá cao, dẫn đến cửa hàng của Nhi có nhiều sai sót khiến khách hàng khó chịu.

"Từ những năm học THPT mình đã sống xa gia đình. Cuộc sống tự lập phải tự chịu trách nhiệm với mọi thứ. Vì vậy khi gặp khủng hoảng mình cũng phải tự đối mặt. Tuy nhiên đến giai đoạn cao trào, ba mẹ mình cũng bị tấn công bởi những người giấu mặt. Đến lúc đó mình cảm thấy không thể nào chịu đựng nổi nữa và tạm dừng lại mọi thứ", giọng Nhi run rẩy kể lại.

Sau thời gian dài trị liệu tâm lý, giờ đây Nhi quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Cô đã có thể giao lại quyền vận hành cửa hàng cho những người đáng tin tưởng để chuyên tâm hơn vào học tập, dạy học miễn phí cho các bạn trẻ và giúp đỡ những người thiếu thốn xung quanh mình, đồng thời tiếp tục chữa bệnh.

Trong quá trình cố vấn và hỗ trợ nhiều nhà khởi nghiệp trẻ, ông Trần Thanh Tùng, nhà cố vấn khởi nghiệp tại Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC - thuộc Thành đoàn TP.HCM), rất khâm phục nhiều bạn trẻ có tinh thần khởi nghiệp từ sớm. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo: "Thành công nào cũng phải trả giá. Cái giá của khởi nghiệp quá sớm, quá trẻ và phát triển quá nhanh đó là tổn thương và sang chấn. Bất kỳ ai tham gia khởi nghiệp cũng phải chấp nhận chuyện đó. Người khởi nghiệp phải luôn thay đổi, phát triển bản thân. Không được phép giậm chân tại chỗ. Nếu cứ giữ những tư tưởng già cỗi thì dễ thất bại".

Ông Tùng cho biết thêm nhiều người trẻ khởi nghiệp sớm đang hứng chịu rất nhiều khó khăn đến từ những chấn động tâm lý từ những người khác và từ trong quá khứ. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ không bỏ cuộc và cố gắng vượt qua những thất bại của mình. Ông cũng đưa ra lời khuyên người trẻ khởi nghiệp cần thường xuyên cập nhật kiến thức, học hỏi kỹ năng từ những người uy tín... sẽ giúp bạn trẻ có cơ hội khởi nghiệp bền vững hơn.

Nỗi khổ của bạn trẻ thành công… đến sớm - Ảnh 2.

Sau quãng thời gian thất vọng, Võ Đức Minh tiếp tục dành thời gian học tập, theo đuổi đam mê trí tuệ nhân tạo

HỌC TẬP LUÔN LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT

Võ Đức Minh (23 tuổi), ngụ tại P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, là người phát triển dự án Korona Board Game cùng với Nguyễn Anh Kiệt (sinh viên Trường ĐH Cần Thơ). Đây là sản phẩm đạt nhiều giải thưởng về khởi nghiệp trong nước. Sau những tấm bằng khen và huy chương, ít ai biết rằng chính những hào quang đó đã khiến Minh rơi vào khủng hoảng.

"Mình chưa từng nghĩ sẽ khởi nghiệp trong thời điểm mới bắt đầu nghiên cứu và phát triển dự án. Nhưng khi thành công đến bất ngờ, có quá nhiều thứ mơ mộng đã hiện lên. Mình nghĩ rằng chỉ cần có được sản phẩm khởi nghiệp xuất sắc, được nhiều người ủng hộ, sẽ có thể phát triển vươn tầm ra thế giới. Không cần học đại học cũng có được một cuộc sống hoàn hảo. Nhưng mình đã quá sai lầm", Minh kể lại.

Do chạy theo khởi nghiệp, Minh đã bị nhà trường cảnh báo vì nợ quá nhiều môn, và suýt bị cho thôi học (mặc dù trước đó Minh được tuyển thẳng vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM). Thời điểm 2021, không còn nhiều người quan tâm đến sản phẩm của Minh nữa. Tiến thoái lưỡng nan, Minh gần như bị đóng băng. Nhà khởi nghiệp trẻ trở nên cáu bẳn với mọi người xung quanh. Minh không còn muốn làm gì, tự giam mình vào phòng tìm mọi giải pháp cho vấn đề phát triển dự án. Tuy nhiên, xác suất thành công vẫn rất thấp nên Minh quyết định dừng lại.

Sau một năm dằn vặt, Minh tiếp tục chuyên tâm học đại học và tham gia nhiều cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp hơn. Cậu sinh viên nhận ra mình còn thiếu quá nhiều thứ để có thể khởi nghiệp.

Anh Trần Duy Khánh, Giám đốc marketing của thương hiệu ẩm thực Cô Vang, nhận định nhiều người khởi nghiệp nổi tiếng rất nhanh, nhưng khi khách hàng quá đông thì chất lượng dịch vụ lại chưa đủ để đáp ứng. Họ chưa nhận ra rằng còn thiếu sót quá nhiều kinh nghiệm, còn rất nhiều bài học chưa học. Họ cầm tiền trong tay từ sớm để rồi ngủ quên trên chiến thắng. Khi gặp khủng hoảng, họ xử lý nóng vội, không tìm hiểu kỹ càng. Điều này khiến họ đánh mất bản thân. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.