Nỗi khổ của cầu thủ trẻ tại V-League 2022

09/03/2022 07:58 GMT+7

Ngày 4.3, trung vệ Hồ Khắc Lương đăng dòng cảm xúc dè dặt: “Lần đầu tiên”. Ngay lập tức anh nhận được 2.500 lượt thích so với chỉ 100 lượt ở 1 - 2 tháng trước.

Rõ ràng, U.23 Việt Nam đã làm thay đổi cuộc đời chàng trai vô danh trước thềm V-League 2022, khi bất ngờ trở thành nhà vô địch dù đến Campuchia trong vai trò “lính chữa cháy”. Không chỉ có lượng fan tăng đột biến, CLB SLNA đã tưởng thưởng Khắc Lương bằng trận ra mắt sân chơi chuyên nghiệp ở V-League 2022 gặp CLB Bình Định, khi đội trưởng Hoàng Văn Khánh chấn thương. Đáng tiếc cho Khắc Lương là trận đấu đó SLNA đã thua ngược 1-2.

Tiền vệ trẻ Bảo Toàn (phải, CLB HAGL), một trong số ít tuyển thủ U.23 Việt Nam được chơi V-League, dù là từ băng ghế dự bị

Ngọc Linh

Ở vòng 3, chàng trai sinh ra ở H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) vắng mặt trong chiến thắng 2-0 trước HAGL, do bị F0. Nhưng đây đang là những ngày tháng hạnh phúc nhất, dù trung vệ sinh năm 2001 cảm nhận rõ áp lực khủng khiếp khi đứng cạnh những tượng đài như Ngọc Hải, Đình Đồng, Văn Khánh. Chưa hết, Khắc Lương còn phải cạnh tranh cùng đàn anh ở U.23 Việt Nam là Bá Sang cùng Thế Nhật (31 tuổi).

Chí ít, Khắc Lương vẫn còn được hít thở bầu không khí V-League trong khi nó đang là giấc mơ xa xỉ của những cầu thủ SLNA khác ở U.23 Việt Nam. Nếu nhóm Mạnh Quỳnh (2001), Bá Quyền (2002), Xuân Tiến (2003) vẫn chờ cơ hội tại đội 1 thì Văn Cường (2003) đang ở lại đội trẻ SLNA, trong khi hậu vệ Thành Lâm (2000) đã được cho mượn ở Đắk Lắk để tìm kiếm cơ hội ra sân. Hoàn cảnh của nhóm cầu thủ SLNA cũng đang là những hướng đi tiêu biểu của những người hùng U.23 Việt Nam khắp các CLB chuyên nghiệp Việt Nam.

Phải thừa nhận rằng Khắc Lương là cầu thủ may mắn, vì sau 3 vòng đấu, V-League 2022 chỉ ghi nhận thêm đúng 2 cái tên Anh Việt (1999, Sài Gòn FC) và Bảo Toàn (2000, HAGL) được ra sân thi đấu. Rõ ràng con số 3/37 tuyển thủ U.23 Việt Nam ra sân ở V-League 2022 là cực thấp. Thực tế, vị trí chung của những người hùng Đông Nam Á nằm ở băng ghế dự bị các đội V-League khi quá khó cạnh tranh với “thế hệ vàng” 1995 - 1997 đang làm chủ ở đội tuyển quốc gia. Số khác lùi lại một bước tìm cơ hội ở những đại diện hạng nhất quốc gia, như Thành Lâm (Đắk Lắk), Đức Mạnh, Minh Trọng, Văn Sơn, Văn Hữu (Phú Thọ), Ngọc Thắng (Long An)... Người hùng ghi bàn vào lưới Thái Lan ở vòng bảng Trung Thành được CLB TP.HCM cho rèn luyện tích lũy thêm ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

Có thể một phần vì dịch Covid-19 khiến nhiều trận đấu bị hoãn nên chưa có nhiều tuyển thủ U.23 Việt Nam ra sân. Nhưng thông số Văn Sơn vào sân phút 90+2 trong màu áo CLB Phú Thọ ở trận gặp Đắk Lắk ngày 4.3 cho thấy những người hùng U.23 Đông Nam Á chưa phải là dòng chủ lưu ở hạng nhất. Thậm chí ở CLB Công an Nhân dân nếu Quang Thịnh, Văn Toản vẫn trụ lại thì Anh Thống bị văng xuống đội hạng nhì Gia Định.

Thực tế, ngoài nhóm hạt nhân cho SEA Games vào tháng 5 tới như Việt Anh, Văn Toản, Hoàng Anh, Thanh Bình, Văn Xuân... thì phần lớn thành viên U.23 Việt Nam đá vòng loại U.23 châu Á tháng 10.2021 vẫn phải vật lộn tìm một vị trí chính thức ở V-League. Thậm chí, những Trọng Long, Hai Long, Sỹ Hoàng, Văn Chuẩn, Xuân Tú, Mạnh Dũng, Văn Việt, Việt Cường... muốn được đá vài phút V-League còn phải chờ thời cơ đặc biệt như Khắc Lương, nói gì đến cạnh tranh cùng những đàn anh Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Linh... hay 3 ngoại binh V-League.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.