Tuy nhiên, tình trạng ngập sâu cùng cảnh giao thông tắc nghẽn đi mãi không đến nơi đôi khi cũng gây ra những tình huống “dở khóc dở cười” và trở thành một nỗi ám ảnh mỗi khi nhắc đến.
“Lúc đi hết mình, đến nơi hết hồn” là cảm xúc của Hứa Trọng Đăng Khoa, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn khi nhớ tới những lần đi học gặp mưa ngập. Khoa cho biết nhà trọ mình thuê ở ngay ngã tư Thủ Đức, thường xuyên phải đi qua đường Võ Văn Ngân (P.Linh Chiểu) để đi học thêm. Tuy nhiên, đó lại là con đường ngập nặng mỗi khi trời mưa lớn.
Ở TP.HCM mùa mưa ngập đường là nỗi khổ của nhiều người trong đó có sinh viên |
Cao An Biên |
Khoa kể nhiều lần đi học mặc đồ sạch sẽ, nhưng đến nơi lại hóa “đồ bông” kèm mùi hôi do bị nước bẩn dưới đường văng lên. “Tôi nhớ, có lần vừa ra khỏi nhà thì mưa tầm tã, phút chốc nước đã lênh láng, xe cộ ùn ứ phải nhích từng chút mới đến nơi. Tôi tới lớp với bộ dạng không thể tả tơi hơn vì áo quần ẩm ướt, dơ và hôi khiến cảm xúc cả ngày hôm đó tệ hẳn, không thể vui nổi”, nam sinh nói.
Tương tự, Trương Như Huỳnh, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng cảm thấy khó khăn khi phải đi học trong những ngày mưa to. “Với những đứa cận thị như tôi thì lái xe dưới mưa ngập là “siêu khó” vì kính mờ còn thêm đường trơn mà phải vừa quan sát xe vừa rà đường để tránh ổ gà, đất đá nên không thể chạy nhanh được. Khổ nỗi, mình chạy càng chậm thì càng hứng hết nước bắn tung tóe từ những xe lớn, dù có mặc áo mưa vẫn bị ướt”, Huỳnh bộc bạch.
Còn với trường hợp của Nguyễn Ngọc Anh Thư, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing thì còn đau khổ hơn khi phải đứng khóc dưới mưa. Trường của Thư có nhiều cơ sở, học chính ở Q.Tân Bình nhưng một số môn phải xuống cơ sở ở TP.Thủ Đức. Nhắc đến cảnh đi học trong mùa mưa ngập lụt Thư rùng mình nói đó là nỗi ám ảnh.
Không ít lần phải xuống dắt bộ vì xe tắt máy khi đi vào đường ngập, Đặng Thanh Trường, sinh viên Trường ĐH Bách Khoa cho biết từng bị “chém” khi tấp vào một tiệm sửa xe trên đường 672, P.Phước Long B. Trường kể chủ tiệm nói xe bị hư bugi phải thay mới với giá là 250.000 đồng trong khi bình thường giá một bugi của xe mình đi chỉ khoảng 50 - 60.000 đồng.
“Tôi nghĩ giá sẽ cao hơn chút đỉnh chứ không ngờ là đội lên đến mức đó. Nghe báo giá là biết bị “chém” rồi nhưng vì lần đó trời đã khuya, không có tiệm sửa xe nào khác, mà tôi phải về gấp vì lo ký túc xá đóng cửa nên đành bấm bụng thay”.
Sau vài lần như thế, Trường rút ra bài học và có lời khuyên cho các sinh viên khác: “Nếu gặp trời mưa ngập đường thì tốt nhất hãy nán lại trường hoặc ghé vào quán cà phê đợi đến bớt mưa hãy đi. Tôi nhận ra, mưa đã ngập thì có cố chạy cũng không đi đến đâu mà lại nguy hiểm, lỡ xui xe tắt máy giữa đường thì còn phải sửa với giá trên trời”.
Bình luận (0)