Tuy y học đã phát triển, vệ sinh răng miệng đã được phổ biến và thực hiện rộng rãi, công tác phòng bệnh sâu răng cũng được chú trọng nhưng bệnh sâu răng vẫn ngày càng tăng và đáng ngại là không phải ai cũng biết giữ gìn răng miệng.
Tại VN, theo điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc năm 2001 của Viện Răng Hàm Mặt, tỷ lệ sâu răng của trẻ 12 tuổi là 57,3%, tỷ lệ này là 72,3% ở nhóm tuổi từ 35 - 44 tuổi, 47,3% mất răng toàn bộ. Riêng ở TP.HCM, tỷ lệ sâu răng ở trẻ 12 tuổi là 79,9%.
Sâu răng là gì ?
Sâu răng là một bệnh gây ra nhiều đau đớn và phiền toái cho khổ chủ. Theo bác sĩ Lê Bích Vân - Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM - thông thường, lúc đầu bệnh nhân sâu răng chưa có cảm giác đau. Khi sâu răng đã tới lớp ngà răng, có lỗ sâu từ nhỏ tới lớn thì ăn nóng, lạnh, chua, ngọt bị đau nhưng hết đau khi hết kích thích.
Nếu phát hiện kịp thời để điều trị sẽ tốt cho sức khỏe răng miệng nói riêng và sức khỏe toàn thân nói chung. Bệnh sâu răng nếu không được chữa sẽ gây những biến chứng tại chỗ và toàn thân như viêm tủy răng, viêm quanh chóp chân răng làm ăn uống khó khăn, ngủ không yên giấc vì những cơn đau dữ dội.
Sâu răng còn gây biến chứng viêm mô lỏng lẻo, viêm hạch, viêm tủy xương, đôi khi viêm lan rộng hoặc gây nhiễm trùng huyết, làm nặng thêm các bệnh toàn thân sẵn có. Nếu chỉ đi khám khi diễn biến bệnh đã nặng thì rất ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.
Răng sâu vì đâu ?
Bác sĩ Lê Bích Vân cho biết sâu răng là bệnh ở tổ chức cứng của răng, nó làm tiêu dần lớp men răng, ngà răng để hình thành lỗ sâu. Sâu răng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân gây sâu răng là tổng hợp của nhiều yếu tố.
Đầu tiên có thể kể tới vai trò của vi khuẩn trong các mảng bám, thức ăn còn lưu lại trên răng, nhất là các chất bột, đường. Vi khuẩn lên men carbohydrate, sinh acid hòa tan muối khoáng của men răng làm mất khoáng của men răng tạo lỗ sâu. Vệ sinh răng miệng kém, răng mọc chen chúc tăng nguy cơ lưu thức ăn sau khi ăn làm dễ bị sâu răng.
Một điểm lưu ý nữa, đó là nước bọt có tính chất diệt khuẩn và làm sạch răng, lưu lượng nước bọt càng nhiều thì khả năng làm sạch càng tốt, làm giảm lượng vi khuẩn trong miệng, do đó ít bị sâu răng. Những người bị khô miệng do cắt bỏ tuyến nước bọt, do bị chiếu xạ thì thường bị sâu răng.
Sâu răng cũng phụ thuộc vào độ cứng của men, ngà răng, mà chất lượng men, ngà phụ thuộc tính chất di truyền, chế độ dinh dưỡng.
Nhận biết sâu răng
Bác sĩ Lê Bích Vân cho biết khi bị sâu răng, người bệnh sẽ có cảm giác ê buốt khi ăn nóng, lạnh, chua, ngọt nhưng hết đau khi hết kích thích. Thức ăn bị giắt vào lỗ sâu khi ăn, khi thức ăn lọt vào hay chọc tăm vào lỗ sâu thì có cảm giác đau, buốt. Khi sâu răng tiến triển thành lỗ sâu gần sát tủy (sâu ngà sâu) thì triệu chứng ê buốt nhiều hơn, khi lỗ sâu nằm sát nướu có thể gây viêm nướu.
Những cơn đau hay ê buốt bất ngờ khi nhai đồ cứng, uống nước lạnh hoặc nóng là một trong những biểu hiện của sâu răng nhưng khi hết kích thích sẽ hết đau.
Ngừa sâu răng
Theo bác sĩ Bích Vân, để giảm số lượng vi khuẩn là nguyên nhân chủ yếu gây sâu răng, cần vệ sinh răng miệng, giảm mảng bám vi khuẩn quanh răng. Chải răng sau khi ăn là biện pháp hữu hiệu làm giảm mảng bám. Cần duy trì việc đánh răng thường xuyên. Nên thay bàn chải 3 - 4 tháng một lần, hoặc khi lông bàn chải tòe, mòn để có tác dụng làm sạch thức ăn, dùng chỉ tơ nha khoa để làm sạch kẽ răng. Người bình thường cũng cần lấy cao răng định kỳ 6 - 12 tháng một lần.
Cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, không nên ăn vặt, nhất là thức ăn có đường, tăng cường ăn thức ăn có nhiều chất xơ nhằm gia tăng cọ sát, chải rửa tự nhiên khi ăn nhai. Nhiều trẻ em được cha mẹ cho ăn quá nhiều kẹo, nhất là vào buổi tối, lại không đánh răng sau khi ăn, hậu quả là hàm răng bị sâu “đục khoét” gây biến dạng, vừa mất thẩm mỹ, vừa gây ra đau đớn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Để tăng cường chất lượng tổ chức cứng của răng (men, ngà răng) thì khi người mẹ mang thai cần ăn uống đầy đủ, nhất là cung cấp đủ can xi và sinh tố. Với trẻ sơ sinh cần chống suy dinh dưỡng, còi xương sẽ ảnh hưởng tới răng.
Người bình thường nên khám răng định kỳ 6 tháng một lần để kiểm tra tình trạng sức khỏe của răng. Khi phát hiện các triệu chứng đau rằng, cần khám tại bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng cách. Sâu răng nếu được điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng phức tạp, tránh phải chịu đau đớn kéo dài cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cho nên, dù bận rộn thế nào thì cũng không quên đánh răng vào mỗi buổi sáng và sau mỗi bữa ăn, dành thời gian khám răng định kỳ. Một hàm răng sạch sẽ là một hàm răng khỏe.
Bình luận (0)