Nhắc đến quá trình hình thành và phát triển của TP.Đà Lạt, các nhà nghiên cứu đều ghi nhận khi người Pháp có ý định xây dựng Đà Lạt trở thành thủ phủ Đông Dương, họ đã cho thiết lập một trại canh nông kiểu mẫu ở Đan Kia. Thế nhưng ít người biết vị trí của nó ở đâu.
Bất ngờ phế tích bên cây thông cô đơn
Tìm đến thôn Đan Kia, TT.Lạc Dương, H.Lạc Dương dưới chân núi Lang Biang, cách TP.Đà Lạt hơn 20 km để mong tìm được manh mối thông tin về trại canh nông. Tại đây, chúng tôi gặp cụ bà Ka Rọ (83 tuổi) đang đau bệnh và nói tiếng Việt không rành. Anh Krajăng Nhiên (con trai bà Rọ) cho biết mẹ anh và ông bà kể lại, ngày xưa từ thôn Đan Kia chỉ cần lội qua con sông Đạ Đờng trong vắt là tới trại canh nông rộng lớn của người Pháp. Trại nằm quanh vị trí cây thông cô đơn bên hồ Đan Kia - Suối Vàng ngày nay với nhiều trại chăn nuôi, vườn rau, cây trái.
|
Còn nghệ nhân Dagout Brice Liêm cho biết thêm, ông nội anh là Dagout Mlơi (từng làm việc tại trại canh nông Đan Kia) kể lại: nông trại trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sữa của người Pháp nằm dưới thung lũng; khu nhà ở, nhà điều hành tọa lạc trên triền đồi cao. Hàng chục năm trại canh nông Đan Kia đảm nhận cung cấp sữa tươi, pho mát và thực phẩm tươi sống cho các khách sạn và người Pháp sống ở Đà Lạt. Sau khi người Pháp xây dựng đập nước Suối Vàng và Nhà máy thủy điện Ankroet (năm 1942 - PV), thì các trại nuôi bò, cừu bị nhấn chìm dưới nước; phế tích này chỉ lộ diện khi hồ Đan Kia - Suối Vàng cạn kiệt nước.
Từ thôn Đan Kia muốn qua trại canh nông xưa phải đi bằng xuồng, hoặc đi vòng đường bộ hơn 20 km. Sau nửa giờ chạy xe theo trục đường đông Trường Sơn, và đi bộ băng rừng thông thêm khoảng 30 phút, trước mắt chúng tôi là thảo nguyên xanh với hàng chục con trâu, bò, ngựa đang lặng lẽ gặm cỏ bên hồ Đan Kia. Dagout Brice Liêm chỉ vào những lùm cây với nhiều loại cây trái xen lẫn như ổi, mận, đào cùng cỏ dại mọc um tùm và nói: “Phế tích trại canh nông trong đó”.
Tiến vào bên trong, chúng tôi thấy nhiều nền nhà, móng nhà được xây bằng đá và gạch nung đỏ rất chắc chắn. Kỳ thú hơn vẫn còn một bức tường gạch và khung cửa sổ bám đầy rêu tồn tại hơn 120 năm. Một điều khá “bí ẩn” giữa nền móng của các ngôi nhà xưa đều có hầm sâu hình chữ nhật. Dagout Brice Liêm phán đoán có thể đó là những hầm người Pháp thiết kế để trú ẩn khi có biến động, cũng có thể để cất trữ lương thực.
Tiến qua một nhánh đồi khác, chúng tôi phát hiện một phế tích tựa ngôi nhà nhỏ bị sụp đổ gần hết, gắn liền với bờ tường dài khoảng 20 m bị cỏ dại bao phủ um tùm. Có người cho rằng đây là hầm rượu vang của người Pháp. Khi mùa khô, nước hồ Đan Kia - Suối Vàng cạn kiệt, khu vực thung lũng cạnh cây thông cô đơn lộ rõ phế tích móng nhà chuồng trại chăn nuôi trải dài...
Nông trại kiểu mẫu
Theo ông Nguyễn Hữu Tranh, tác giả cuốn Đà Lạt Năm Xưa, tháng 10.1897, ông Doumer (toàn quyền Đông Dương) cùng phái đoàn tùy tùng khảo sát con đường gần nhất nối liền Nha Trang với cao nguyên Lang Biang, đã đặt chân đến thảo nguyên Đan Kia (cạnh thôn Đan Kia). Từ đó Doumer giao cho Missigbrott và kỹ sư M.Jacquet (thanh tra nông nghiệp) ở lại lập trang trại trồng rau và chăn nuôi gia súc, cùng một trạm khí tượng. Khi toàn quyền Đông Dương dự định xây dựng bên dòng sông Đạ Đờng trạm nghỉ dưỡng cho người Pháp toàn Đông Dương, nên quyết định hình thành một nông trại kiểu mẫu để cung cấp lương thực, thực phẩm, sữa tươi, bơ, pho mát cho trạm nghỉ dưỡng.
Trại canh nông Đan Kia có diện tích hơn 16,6 ha, trồng thử nghiệm nhiều loại cây như các loại rau xà lách, măng tây, bắp cải, cà rốt, hành tây, củ cải, dưa leo, cà chua, đậu Hà Lan, atiso… Với lương thực có bắp, lúa mì, đại mạch, khoai lang, khoai tây. Tại đây còn được trồng các giống ăn trái như lê, đào, chanh, cam, ô liu, dâu tây… Năm 1914 bác sĩ Yersin đã trồng thử nghiệm thành công cây canh - ki - na tại nông trại này. Các kỹ sư canh nông còn mang nhiều giống hoa từ Pháp qua trồng thử nghiệm, nhờ đó mà đến nay Đà Lạt vẫn được thừa hưởng nhiều giống hoa hồng, cúc, thược dược, côlicô, mõm sói, bất tử, forget me not, cẩm chướng...
Về chăn nuôi, đầu tiên có 3 con bò giống Bretagne được mang từ Pháp qua và phát triển dần thành đàn hàng trăm con để cung cấp thịt và sữa. Năm 1900 có 10 con cừu giống Ấn Độ được chuyển từ Phan Rang lên. Chỉ sau 7 tháng đàn cừu phát triển được 19 con, nhưng lại bị cọp vồ mất 14 con...
Năm 1944, tác giả A.Berjoan đã viết trên tạp chí Indochine (Đông Dương) bài giới thiệu Ankroet, khu du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm chăn nuôi và trồng trọt: “... Cảnh quan thung lũng sông Đạ Đờng rất hấp dẫn. Những ngọn đồi rất xanh với những cụm rừng thông bao quanh dòng sông, thác nước, mở một con đường về hướng tây. Rất khó diễn tả sự hài hòa của cảnh quan có thể so sánh với phong cảnh tuyệt mỹ nhất của núi Alpes hay Pyrénées”.
Anh Dagout Brice Liêm cho rằng trại canh nông Đan Kia là nơi bác sĩ Yersin cho thử nghiệm các giống cây trồng, nhờ đó đến nay có nhiều giống rau, hoa, dược liệu... trở thành đặc sản của Đà Lạt.
“Phế tích trang trại Đan Kia cần được gìn giữ để minh chứng cho sự khởi đầu của một nền nông nghiệp hiện đại của Đà Lạt hôm nay. Đây là một sản phẩm du lịch giá trị nếu biết gìn giữ và khai thác. Bản thân tôi và nhiều bà con buôn làng muốn được bảo tồn di tích trang trại Đan Kia”, Dagout Brice Liêm nói.
Bình luận (0)