Nơi không ngủ giữa Sài Gòn thời giãn cách - Kỳ 2: Chát đắng phận đời bốc xếp

16/06/2021 09:22 GMT+7

Nếu ví chợ đầu mối Bình Điền ở Sài Gòn như một bức tranh, thì những lao động bốc xếp chính là những nét vẽ không thể thiếu. Những nét vẽ phủ đầy gam màu vất vả trong thời giãn cách...

Đổ mồ hôi, sôi nước mắt

21 giờ 30 phút một ngày Sài Gòn giữa thời giãn cách xã hội, xe tải chở hàng tấn tôm từ miền Tây tấp vào nhà lồng D chợ đầu mối Bình Điền (Q.8). Nghe tiếng bà chủ sạp tôm nói mà như hét: "Tiến, Hải, Quang, Phú ra kéo hàng!", 4 thanh niên lật đật bật dậy, vội vàng kéo xe đẩy ra chỗ xe tải. Có anh chàng nở nụ cười tươi rói, hất hàm tinh nghịch: "Thời tới".
Nhân viên trên xe giao từng thùng xuống. Bốn thanh niên lẹ làng bê đỡ để lên vai, nhanh chân đưa lên xe đẩy, cấp tập di chuyển. "Né, né, né, né...", anh chàng tên Quang vừa đẩy xe với tốc độ "nhanh như chớp" vừa liến thoắng. Ba đồng nghiệp phía sau lưng cũng cố gắng điều khiển xe đẩy chất đầy thùng đựng tôm "lách" qua những dòng người ken đặc trong lối đi chật như nêm.
Ở lối đi nội bộ khác, anh Hoàng Quý (32 tuổi, quê Vĩnh Long) cũng ra sức lèo lái xe đẩy di chuyển cả 40 thùng cá biển. Anh nói vội trong hơi thở gấp gáp: "Nặng trịch. Mệt le lưỡi luôn rồi. Mà không dám tháo khẩu trang. Ngôp thở cũng phải đeo chứ dịch ghê quá". Sau 5 chuyến, anh ngồi bệt xuống nền chợ, rồi vuốt lại cho thẳng thớm những tờ tiền chủ vừa đưa rồi khoe: "Được một trăm ngàn".
Không thể đếm chính xác được ở 7 nhà lồng của chợ Bình Điền có bao nhiêu lối đi. Chỉ biết len trong những lối đi chật hẹp ấy, những phận đời bốc xếp như anh Quý hay 4 thanh niên kia rất nhiều.
"Mỗi đêm chắc hơn cả ngàn lao động bốc xếp như tôi. Nhà lồng nào cũng có. Khu nào cũng có. Đàn ông cũng có mà đàn bà làm bốc xếp cũng có luôn. Trẻ già gì đều có hết", anh Quý nói rồi chỉ tay khắp các lối đi, đâu đâu cũng có hình ảnh những bốc xếp đẩy xe xuôi ngược.
Vỗ vỗ ngực, anh Quý thở dốc, ta thán: "Tức ngực quá. Mỗi thùng hàng lúc nãy cả 5 - 6 chục ký đó. Mệt. Đuối. Rã rời". Thấy người đối diện nhìn đôi bàn tay anh chai sần, anh cười: "Ở Sài Gòn, ai làm nghề này mà chẳng vậy", rồi giải thích về những vết sẹo chi chít: "Có lần hàng xuống, bị rơi đè người. Rồi có khi đẩy xe bị va quẹt. Tôi bị như cơm bữa, nên người đầy sẹo".

Anh Tấn Vương nói: "Đêm nào cũng ê ẩm nhức người hay đau cái chân sưng cái tay, nhưng tiền công thì bèo bọt"

ẢNH: PHAN XUÂN

Anh Tấn Vương (34 tuổi, quê Kiên Giang) tâm sự đã làm bốc xếp ở Sài Gòn được tròn 7 năm. Từ chợ đầu mối Hóc Môn cho đến chợ đầu mối Thủ Đức, anh đều thử sức với công việc này. Nhưng muốn làm với bạn cùng quê nên "cập bến" chợ Bình Điền.
Anh Tấn Vương nói: "Mà làm ở chợ nào thì tôi cũng thấy lao động bốc xếp khổ còn hơn chữ khổ. Làm đổ mồ hôi sôi nước mắt. Đêm nào cũng ê ẩm nhức người hay đau cái chân sưng cái tay, nhưng tiền công thì bèo bọt".
Thắc mắc vì sao không tìm nghề khác để làm mà gắn cuộc đời với nghề này, anh trả lời: "Làm gì giờ? Không học hành tới nơi tới chốn. Không vốn liếng làm ăn. Thì chấp nhận bán sức để làm bốc xếp thôi. Nói thiệt, tôi cũng mấy lần định bỏ công việc này. Nhưng nghĩ lại, bỏ rồi làm gì kiếm sống. Nên cố. Cố cũng được tròn 7 năm".
Đang trò chuyện, anh Tấn Vương nghe tiếng chủ sạp quen gọi tên mình, vội vã kéo xe lao đi...

Phận đời mưu sinh ở Sài Gòn 'oằn mình' trong cơn hoạn nạn Covid-19

"Áo ướt thì no, áo khô thì đói"

Anh Văn Vinh (26 tuổi, quê Ninh Thuận) hướng mắt về phía những đồng nghiệp đang ngồi ở một góc chợ rồi đố tôi biết ai trong số ấy đã được kéo hàng đêm nay. Tôi chịu! Anh chỉ cách: "Hễ nhìn cái áo họ mặc là biết ai đã "trúng mánh", ai đang "chờ thời". Ai mà áo ướt thì no, còn ai áo khô thì đói. Áo ướt là đã được kéo hàng. Áo khô thì đang ế".
Tự chỉ áo mình chẳng có đọng ướt mồ hôi, anh Vinh ngậm ngùi: "Như tôi, giờ là 2 giờ sáng, ngồi chờ đã hơn 5 tiếng đồng hồ nhưng có kiếm được chuyến kéo hàng nào đâu. Mai chắc đói".
Nhìn lại những người đồng nghiệp lao nhọc mưu sinh ở Sài Gòn thời giãn cách, giọng anh Vinh buồn rười rượi: "Có người được lòng các chủ quen thì được gọi liên tục. Nếu không có quen chủ nào thì phải ngồi đợi. Ai kêu, ai sai khiến thì làm. Hoặc xách xe kéo đi lang thang khắp nơi, để ai cần thì gọi mình kéo hàng. Nói vậy thôi, chứ nhiều khi lẩn thẩn "kéo xe không" đi hết lối này sang lối kia suốt mấy tiếng đồng hồ mỏi cả chân, cũng chẳng ai gọi kéo. Để đổi lấy được chén cơm bằng nghề này khổ lắm".

Anh Vinh ngậm ngùi: "Như tôi, giờ là 2 giờ sáng, ngồi chờ đã hơn 5 tiếng đồng hồ nhưng có kiếm được chuyến kéo hàng nào đâu. Mai chắc đói"

ẢNH: PHAN XUÂN

Để được trở thành lao động bốc xếp hàng đêm, mỗi người phải "mua vé" 25 ngàn đồng (chưa kể tiền đầu tư xe, mua áo đồng phục... khoảng 3 triệu đồng). Có một quy luật rạch ròi mà giới bốc xếp đều hiểu, là bốc xếp ở nhà lồng này không được làm ở nhà lồng khác. Còn muốn "chen chân" kiếm thêm việc ở khu khác cùng nhà lồng, phải đóng thêm 15 ngàn đồng. Nếu không đóng mà bị phát hiện "lấn" khu sẽ bị tịch thu xe. Mỗi đêm phải tốn thêm 5 ngàn gửi xe kéo để lại chợ.
Thế nhưng như lời anh Vinh than thở, có nhiều đêm ế ẩm, buộc phải "lỗ ít nhất 30 ngàn đồng, hoặc lỗ 45 ngàn đồng. Đấy là chưa tính tiền xăng xe, rồi phải đánh đổi giấc ngủ. Phải thức trắng đêm để đợi chờ mong mỏi một tiếng gọi kéo hàng". "Thu nhập chông chênh, không ổn định. Có lúc này lúc nọ. Có tháng thì trừ chi phí, còn dư được ít tiền, chắt chiu lại gom góp đủ trang trải tiền chợ, tiền sinh hoạt, tiền nhà trọ. Có tháng thì thiếu thốn, không đủ ăn", anh Vinh rầu rầu kể.
Chị Thân Hường (53 tuổi, quê Thanh Hóa) rầu rĩ: "Dạo này do dịch Covid-19, giãn cách xã hội nên hàng ít. Để rồi dân bốc xếp như chúng tôi cũng ít việc làm hơn. Chỉ còn làm được khoảng 40 - 50% công việc so với trước đây. Trước thì mỗi đêm kiếm cỡ 300 - 400 ngàn đồng. Còn giờ đây, có đêm may mắn thì kiếm được 150 ngàn đồng. Có đêm thì được vài ba chục ngàn. Mà cũng có đêm đói nhăn răng".

Chị Thân Hường (53 tuổi, quê Thanh Hóa) rầu rĩ: "Dạo này do dịch Covid-19 nên hàng ít. Để rồi dân bốc xếp như chúng tôi cũng ít việc làm hơn"

ẢNH: PHAN XUÂN

150 ngàn đồng mà chị nói, được quy đổi khoảng 5 - 6 chuyến kéo hàng. "Tùy thùng hàng nặng nhẹ mà tiền công khác nhau. Nói chung mỗi chuyến kéo hàng trọng lượng khoảng 3, 4 trăm ký, kiếm được khoảng từ 20 - 30 ngàn đồng", chị Hường tâm sự.
Cả gia đình chị Hường đều mưu sinh bươn chải kiếm sống bằng nghề bốc xếp ở đây. Nhưng có những đêm, cả gia đình miệt mài mỏi mòn chờ đợi dài cổ những tiếng gọi trong vô vọng...

Gặp anh Tây điển trai, chạy xe máy phát cơm cho người thất nghiệp ở Sài Gòn

Tình người trong lao nhọc

Suốt 7 tiếng đồng hồ chỉ kéo được một chuyến xe nhận tiền công 30 ngàn đồng, anh Quốc Ánh (28 tuổi, quê Đồng Nai) tranh thủ chợp mắt. Bất giác có tiếng gọi làm việc. Ánh không đi mà réo tên người đồng nghiệp: "Anh Chiến đi kéo cho bà Vân chủ sạp vịt đi kìa". Người đồng nghiệp hộc tốc kéo xe đi như chạy. Ánh nói: "Thôi nhường cho ổng. Mình có cơm thì cũng để ổng miếng cháo. Dù gì tôi cũng được một chuyến rồi, đủ lấy lại tiền vé rồi. Chứ ổng cả đêm chưa được ai kêu cả. Ổng còn nuôi vợ con ở nhà".
Suốt những ngày mục sở thị chợ đầu mối Bình Điền, tôi bắt gặp khá nhiều câu chuyện ắp đầy tình người xúc động như thế. Như có lần anh Vũ Khôi (37 tuổi, quê ở Bình Định) đang xì xụp tô mì sau quãng thời gian bốc vác cực nhọc để lấy lại sức. Thoáng thấy người đồng nghiệp đang ngồi nhìn xa xăm vào hướng các sạp chờ được người chủ nào sai việc, Khôi dò hỏi: "Mầy ăn gì chưa? Được mấy chuyến rồi?". Thấy bạn trả lời bằng cái lắc đầu liên tục, Khôi nói: "Để tao gọi thêm tô cho mầy".

Nhiều phụ nữ cũng lao nhọc với nghề bốc xếp trong đêm ở chợ Bình Điền

ẢNH: PHAN XUÂN

Anh Tấn Vương (34 tuổi, quê Kiên Giang) kể cách đây tầm một tuần, có người đồng nghiệp tạm ngưng công việc. Hỏi thăm lẫn nhau mới biết người bốc xếp ấy bị tông xe. "Rồi anh em hùn hạp lại. Mỗi người vài ba chục ngàn, gom gom đem biếu", Vương nhớ lại.
"Ai mưu sinh bằng cái nghề này cũng nghèo khổ cả. Toàn dân tha phương cầu thực ở thành phố này, nên phải thương nhau mà sống", Vương bộc bạch thêm.
5 giờ 30 sáng. Chẳng có thêm một lời gọi sai khiến nào từ những người chủ sạp, bao phận đời bốc xếp lục tục kéo xe đi gửi, kết thúc một đêm dài bạc mắt gồng mình mưu sinh bằng cái nghề rẻ mạt, lao nhọc. Dù làm cùng công việc, nhưng nét mặt mỗi người khác nhau với những buồn vui lo toan lẫn lộn giữa ngày dài Sài Gòn giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19.

"Chính quy" và "ngoài luồng"

Chợ đầu mối Bình Điền ở Sài Gòn cũng có lực lượng bốc xếp "chính quy", thuộc sự quản lý của những đơn vị như: HTX dịch vụ vận chuyển bến bãi bốc xếp Mai Xuân Thưởng, HTX bốc xếp thủy hải sản Tân Tiến, HTX bốc xếp thủy hải sản Đoàn Kết... Họ được quản lý, thu nhập mỗi đêm khoảng 300 ngàn đồng, lương hàng tháng khoảng 7 - 8 triệu đồng, hưởng những chế độ đãi ngộ...
Với những người bốc xếp làm tự do, tiền công được trả theo kiểu "tiền trao cháo múc". Kéo xong chuyến hàng nào, được nhận tiền ngay chuyến hàng đó. Họ được gọi là dân "bốc xếp dạo" hay "ngoài luồng".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.