(TN Xuân) Trộm cắp và ăn mày bị coi là những hành vi đáng xấu hổ như nhau và ở đây, từ nhiều đời nay, người dân không ai lấy cắp của ai, cũng không ai đi ăn xin cho dù bị rơi vào tận cùng sự đói nghèo.
Một góc bản làng của người Mông ở Huồi Tụ
|
|
Già làng Lỳ Cha Giờ năm nay 78 tuổi nhưng còn rất khỏe, đi bộ thì khó ai địch nổi. Ông là chủ tịch xã về hưu, giờ làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Huồi Tụ. Ông nói, từ xa xưa, luật của các bản làng ở đây đã quy định rõ ràng: không được lấy trộm của người khác. Một quả chuối, quả dứa trên rừng đã có chủ rồi thì không được tự tiện hái ăn. Trường hợp đói quá, lỡ ăn rồi thì sau đó phải gặp chủ nhân của nó để xin được tha lỗi. Ở đây, mỗi nhà có một kho lúa để trong rẫy. Lúa là tài sản rất quý của người dân nhưng không cần ai trông coi, không cần khóa cửa vẫn không bị mất một hạt nào. Trâu, bò, heo, gà cứ thả rông thoải mái trong rừng nhưng cũng không bị ai bắt trộm. Xe máy của dân đi rừng, đi rẫy, để hai ba ngày bên đường cũng còn nguyên. “Ở đây, con cái từ nhỏ đã được cha mẹ, ông bà dạy rằng ăn trộm là hành vi rất xấu xa, không được làm. Ai trộm cắp sẽ bị dòng họ từ mặt cho đến khi thực sự biết hối cải mới cho gia nhập trở lại. Một người ăn trộm bị bắt thì cả bản, rồi lan ra cả xã, cả vùng biết và đều lên án”, già làng Giờ nói.
Theo già làng Giờ, từ xưa, các bản làng của người Mông đã hình thành luật tục quy định xử phạt nghiêm ngặt đối với người ăn trộm. Nếu ai ăn trộm mà bị bắt thì bản sẽ buộc người đó phải trả lại tang vật cho chủ và bị phạt tiền gấp đôi giá trị tài sản trộm được. Sau đó, người ăn trộm phải thế chấp một tài sản có giá trị hoặc món tiền rất lớn cho bản, do già làng giữ, đến khi nào người đó thực sự ăn năn hối cải, hứa từ bỏ thói trộm cắp thì mới được hoàn lại và được cộng đồng xóa án tích.
Phụ nữ Mông xuống chợ - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Luật tục ở đây còn quy định cha con, anh em, người thân trong dòng họ và cộng đồng phải có trách nhiệm đùm bọc, giúp đỡ nhau. “Ai để cha con, anh em mình bị đói là có tội với dòng họ. Người không may mắn, gặp hoạn nạn, đói kém thì anh em trong dòng họ và cộng đồng phải giúp đỡ, chia sẻ. Con cháu mồ côi thì ông bà, anh em ruột thịt phải cưu mang. Ai không làm được việc này sẽ bị lên án và bị dòng họ, dân bản bỏ rơi cho đến khi họ nhận ra lỗi và xin được tha thứ”, già Giờ kể.
“Ăn trộm, ăn xin là xấu hổ, ở đây không ai làm thế đâu” - già làng Lỳ Cha Giờ
|
Chính nhờ quy định rất nhân văn này nên ở nơi đây không ai rơi vào cảnh cùng đường khi gặp hoạn nạn để phải đi xin ăn. Ai ai cũng tâm niệm xin ăn là điều xấu hổ, cho cả người đi xin lẫn dòng họ của người đó.
Đại tá Nguyễn Văn Đề, Trưởng công an huyện Kỳ Sơn, người có nhiều năm gắn bó với vùng sơn cước này, cho biết huyện có 21 xã, gần 66.000 người nhưng mỗi năm, công an chỉ phải điều tra vài ba chục vụ trộm cắp, trong đó chủ yếu là do người dưới xuôi lên thực hiện. Ít trộm cắp là nhờ luật tục của các dân tộc ở đây đã điều chỉnh được hành vi của người dân, trở thành ý thức của cả cộng đồng, đặc biệt là đồng bào người Mông. Các luật tục của bản làng này rất văn minh.
|
Bình luận (0)