Nói không với 'sợi dây kinh nghiệm'

11/11/2019 06:48 GMT+7

Nhiều cán bộ đương chức, khi bị phát hiện làm sai, gây thiệt hại tiền tỉ, đồng loạt tự nhận hình thức “kiểm điểm, rút kinh nghiệm ”. Lựa chọn hình thức này như một cách nhận trách nhiệm ở mức thấp nhất về mình.

Điển hình là trường hợp Giám đốc Sở Y tế Gia Lai mà Báo Thanh Niên đã phản ánh. Sai phạm được phát hiện qua thanh tra khi sở này làm trái luật Đấu thầu, làm mất đi tính cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, gây thiệt hại gần 2 tỉ đồng ngân sách và nguồn thu sự nghiệp của bệnh viện. Với vai trò lãnh đạo, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế, nhận hình thức rút kinh nghiệm vì các lỗi: phân công nhiệm vụ lơi lỏng trong ban lãnh đạo sở; chưa chủ động báo cáo UBND tỉnh những vướng mắc, khó khăn trong công tác đấu thầu; chưa cử cán bộ kiểm tra, giám sát, theo dõi công tác đấu thầu thuốc, mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại các đơn vị trực thuộc. Hay như ngày 9.11, Thanh Niên phản ánh ở bài viết Chủ tịch tỉnh yêu cầu xử lý chủ tịch huyện “bất lực giữ rừng”, khi Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu xử lý trách nhiệm để mất rừng thì ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch H.Ia Pa (Gia Lai), cũng xin “rút kinh nghiệm”.
Phát biểu bế mạc phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV vào tháng 7.2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng nói: “Sợi dây dài nhất là sợi dây kinh nghiệm, rút hoài không hết... Hễ vi phạm là xin “rút kinh nghiệm”. Rút kinh nghiệm để lần sau tái phạm, rồi lại rút kinh nghiệm tiếp”. Tại các diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu tâm huyết đã đề xuất ý kiến phải “cấm rút kinh nghiệm” với cán bộ sai phạm, tham nhũng. Cần phải cách chức, thậm chí xử lý hình sự may ra mới ngăn ngừa nạn tham ô, tham nhũng.
Vi phạm mà không xử nghiêm, chỉ “rút kinh nghiệm” không thôi thì rõ ràng “phép nước” không nghiêm, pháp luật không được tôn trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.