Nơi lắp đặt bộ đàn đá 'Âm vang khát vọng Trà Vinh' được xác lập kỷ lục Việt Nam

30/04/2022 17:21 GMT+7

Nơi lắp đặt bộ đàn đá có tên gọi Âm vang khát vọng Trà Vinh gồm 30 bộ vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Quảng trường lắp đặt nhiều bộ đàn đá nhất Việt Nam.

Ngày 30.4, ông Trần Minh Thanh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Trà Vinh, cho biết quảng trường Trà Vinh (khóm 6, P.7, TP. Trà Vinh), nơi lắp đặt bộ đàn đá với số lượng 30 bộ (tượng trưng cho 30 năm tái lập tỉnh) có tên gọi Âm vang khát vọng Trà Vinh vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Quảng trường lắp đặt nhiều bộ đàn đá nhất Việt Nam.

Nơi lắp đạt bộ đàn đá Âm vang khát vọng Trà Vinh vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Quảng trường lắp đặt nhiều bộ đàn đá nhất Việt Nam

XUÂN PHÚC

Trong bộ đàn đá này, mỗi bộ có trọng lượng 5 tấn với 16 thanh đá có độ dày, mỏng, dài, ngắn khác nhau, kích thước đàn dài 3,2 m. Tổng nguồn kinh phí thực hiện công trình khoảng 6 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa.Trong đó, nghệ nhân, kỷ lục gia Trương Đình Chiếu chịu trách nhiệm chế tác và vận động tài trợ 50%, còn lại do tỉnh Trà Vinh vận động các cá nhân, đơn vị tài trợ.

Các nghệ nhân biểu diễn bộ đàn đá được xác lập kỷ lục Việt Nam

XUÂN PHÚC

Ông Thanh cho biết, sau khi bộ bộ đàn đá Âm vang khát vọng Trà Vinh được công bố xác lập kỷ lục vào tối qua (29.4), bộ đàn được bố trí ở một nơi thuận tiện để phục vụ cho nhân dân trong tỉnh cũng như khách du lịch phương xa cùng tham quan, chiêm ngưỡng.

Mỗi bộ đàn đá có 16 thanh với độ mỏng, dày khác nhau

XUÂN PHÚC

Theo tìm hiểu, đàn đá (các dân tộc ở Tây Nguyên, Việt Nam gọi là goong lu, đọc là goòng lú, tức “đá kêu như tiếng cồng”) là nhạc cụ gõ cổ nhất của Việt Nam và là một trong những loại nhạc cụ cổ thô sơ nhất của loài người. Đàn được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau.Thanh đá dài, to, dày có âm vực trầm trong khi thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh. Người xưa sử dụng vài loại đá có sẵn ở vùng núi Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ để tạo ra nhạc cụ này.

Đàn đá đã được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.