Cầu Cổ Chiên trên QL60 được Bộ GTVT cùng UBND hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh tổ chức thông xe sáng 16.5, giúp rút ngắn khoảng cách từ Trà Vinh - TP.HCM 70 km.
Thủ tướng phát biểu tại lễ thông xe cầu Cổ Chiên - Ảnh: V.V |
Phát biểu trước khi cắt băng thông xe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh công trình được hoàn thành, thông xe là niềm vui lớn, ước mơ ngàn đời của người dân có một cây cầu bắc qua sông Cổ Chiên, nối liền hai tỉnh Bến Tre - Trà Vinh, nay đã trở thành hiện thực.
Thủ tướng đánh giá, phát triển kinh tế - xã hội ở ĐBSCL chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Kết cấu hạ tầng vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu… Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp các địa phương đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thành các công trình đang thi công, nhất là các công trình thiết yếu trong vùng, như QL1 được mở rộng 4 làn xe, có dải phân cách giữa từ TP.HCM - Hậu Giang (phải hoàn thành trong năm 2015); còn từ Hậu Giang - Cà Mau đã có QL1 hiện hữu và tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, nên sẽ được nâng cấp, mở rộng thành 4 làn xe trong giai đoạn sau. Công trình thứ hai là tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ phải xây dựng và hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020. Cũng trong giai đoạn này phải hoàn thành công trình nâng cấp và đầu tư mới tuyến Hồ Chí Minh từ Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) qua các tỉnh: Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Đặc biệt, trên tuyến này phải hoàn thành vào năm 2017 hai cây cầu có quy mô rất lớn là Cao Lãnh và Vàm Cống. Một số đoạn đường ven biên giới VN - Campuchia từ Tây Ninh đến Hà Tiên (Kiên Giang) cũng phải được hoàn thành. Riêng tuyến QL60 phải được nối liền từ Sóc Trăng - Trà Vinh - Bến Tre - Tiền Giang, đây là tuyến đường ven biển rất quan trọng, có ý nghĩa phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng của ĐBSCL.
Đoàn xe ô tô đầu tiên lưu thông qua cầu Cổ Chiên - Ảnh: Lê Vũ
|
Tại lễ thông xe, ông Đồng Thanh Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đề nghị Quốc hội, Chính phủ và Bộ GTVT sớm cho khởi động dự án cầu Đại Ngãi để kết nối tuyến QL60 từ Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh với Sóc Trăng. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Võ Thành Hạo cũng đề nghị tương tự, đồng thời tỏ ra lo lắng với sự rút ngắn khoảng cách giữa Trà Vinh với TP.HCM, lượng phương tiện giao thông trên QL60 và QL57 sẽ tăng lên rất cao sau khi cầu Cổ Chiên được thông xe. Trong khi đó, mặc dù đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, hiện hai tuyến QL này vẫn còn hẹp, chưa đảm bảo an toàn giao thông. Để khai thác hiệu quả và tạo sự kết nối liên hoàn, đồng bộ với hệ thống giao thông trong khu vực, UBND tỉnh Bến Tre đề nghị sớm triển khai dự án nâng cấp hoàn thiện tuyến QL60 từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên; tiếp tục mở rộng QL57; sớm cho triển khai chủ trương xây dựng cầu Rạch Miễu 2 vào thời điểm thích hợp vì sau khi cầu Đại Ngãi được hoàn thành thì cầu Rạch Miễu hiện nay sẽ quá tải.
Niềm phấn khởi của người dân Bến Tre và Trà Vinh - Ảnh: Mai Vọng
|
Về dự án cầu Đại Ngãi, Thủ tướng cho biết lẽ ra được khởi công cùng với lễ thông xe cầu Cổ Chiên, nhưng vì có ý kiến của tỉnh Sóc Trăng nên chưa khởi công. Tuy nhiên, công trình này sẽ sớm được triển khai để trong 2 năm nữa sẽ có một cây cầu vượt qua cửa sông Định An và cửa sông Trần Đề, giúp việc lưu thông của các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đến TP.HCM rút ngắn được 70 km, có ý nghĩa rất lớn đối với ngành vận tải.
Khởi công Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 Ngày 16.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công công trình Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, H.Châu Thành, Hậu Giang). Thủ tướng nhấn mạnh đây là công trình trọng điểm nên các đơn vị thi công phải đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, an toàn và hiệu quả. “Vì nhà máy chạy bằng công nghệ đốt than, rất phức tạp nên các đơn vị phải chú trọng tính toán không để xảy ra vấn đề về môi trường. Riêng đối với Hậu Giang, ngoài việc tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ các đơn vị triển khai thi công, cần hết sức quan tâm đến hàng trăm hộ dân phải tái định cư, giải quyết việc làm tạo điều kiện để người dân có cuộc sống ổn định nhất”, Thủ tướng lưu ý. Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 thuộc Trung tâm điện lực Sông Hậu, tổng công suất 1.200 MW, được xây trên diện tích 115 ha do Tập đoàn dầu khí VN (Petrovietnam) làm chủ đầu tư; Tổng công ty lắp máy VN (Lilama) làm tổng thầu và Công ty Doosan (Hàn Quốc) là đơn vị cung cấp thiết bị chính. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 43.043 tỉ đồng. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2019, nhà máy này cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỉ kWh/năm. Đình Tuyển |
‘Rõ ràng là quá đã’ Sự kiện thông xe cầu Cổ Chiên đem lại niềm vui lớn cho nhiều người dân, nhất là những người sống ở hai đầu cầu phía Bến Tre và phía Trà Vinh. Sau lễ thông xe, không chỉ người có xe gắn máy mà cả người đi xe đạp và không ít người đi bộ đã háo hức tranh thủ qua cầu.
Một người dân ở xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) lộ rõ vẻ hài lòng: "Ở xã này cách TP.Trà Vinh không xa mấy, giờ có cầu để đi, tiện lợi đủ bề so với đi qua phà". Ông Nguyễn Văn Lộc, người gốc TP.HCM, hiện ngụ cư đất bên vợ ở xã Mỹ Đức A, H.Càng Long, nơi đặt đầu cầu Cổ Chiên phía Trà Vinh, hứng khởi: “Có cầu này, rút ngắn được 70 km khoảng cách từ Trà Vinh đi TP.HCM, rõ ràng là quá đã, tui có điều kiện về thăm người thân trên đó được nhiều hơn”. Còn láng giềng ông Lộc là ông Huỳnh Văn Lợi, vui vẻ: “Tui là dân làm vườn có tham gia mua bán trái cây nên việc vận chuyển trái cây lên tiêu thụ tại TP.HCM theo ngõ này là rất thuận tiện so với ngõ Vĩnh Long. Mà không chỉ trái cây, ngay việc chuyển bệnh nhân tại tỉnh đi cấp cứu ở tuyến trên cũng thấy ưu thế hơn”. |
Bình luận (0)