Hôm qua 4.10, Sở Y tế TP.HCM đã họp hội đồng chuyên môn (gồm các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về ngộ độc thực phẩm của ngành y tế TP) về vụ ngộ độc thực phẩm nói trên. Qua xem xét loại trừ các yếu tố, nguyên nhân, bước đầu hội đồng nhận định khả năng cao gây nhiễm khuẩn là từ bánh su kem. Nhưng nhiễm khuẩn ở khâu nào, tác nhân nào gây ra nhiễm khuẩn thì còn chờ kết quả phân lập vi khuẩn.
Ngộ độc thực phẩm luôn là mối lo thường trực của người dân bởi nó gắn liền với bữa ăn hằng giờ, hằng ngày. Lo ngại tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), đã gây ra các vụ ngộ độc thường xuyên. Trong năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ, khiến hơn 1.300 người bị ngộ độc thực phẩm, 18 người tử vong.
Với những vụ ngộ độc cấp tính (đau bụng, đau đầu, nôn ói, tiêu chảy…) thì thấy được, nó có thể gây tử vong trước mắt; còn về lâu dài, ngộ độc mạn tính bởi những độc chất (có trong thực phẩm) thì không thể thấy được, nó là kẻ hủy diệt cơ thể âm thầm. Độc chất tích tụ dần trong cơ thể đến một ngày nào đó sẽ gây bệnh, là một trong những yếu tố liên quan đến các căn bệnh ung thư và bệnh mạn tính khác.
Chính vì tầm quan trọng của việc đảm bảo ATTP mà TP.HCM đã lập Sở ATTP đầu tiên trên cả nước, từ đầu năm 2024 sở này sẽ đi vào hoạt động. Đây là cơ quan chuyên môn thực hiện các chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về ATTP...
Người dân trông chờ vào cái tâm, cái tầm của những người làm quản lý ATTP. Cái tầm về trình độ quản lý; cái tâm biết bảo vệ người tiêu dùng (cũng là bảo vệ giống nòi) - để không bao che, "làm lơ" đối với những cơ sở làm ăn không đàng hoàng, không đảm bảo ATTP. Kiểm tra, phát hiện, hướng dẫn những cơ sở làm ăn đàng hoàng nhưng còn thiếu sót; chấn chỉnh, xử lý thật nghiêm, bêu tên, thậm chí rút giấy phép đối với những nơi cố tình vi phạm…
Người dân cũng mong nhà sản xuất, kinh doanh biết "yêu thương" người tiêu dùng, để sản xuất, chế biến sản phẩm thực phẩm với cái tâm luôn hướng đến đảm bảo ATTP nhất.
Nhưng nhà quản lý cũng mong người tiêu dùng cần có ý thức đảm bảo vệ sinh ATTP trong ăn uống, không "đụng đâu ăn đó", để loại dần những nơi làm ăn không đảm bảo ATTP ra khỏi "cuộc chơi".
Đảm bảo ATTP "từ nông trại đến bàn ăn" đã được chúng ta đặt ra từ rất lâu. Nhưng để làm tốt việc này cần có sự ý thức, việc tuân thủ pháp luật, quyết tâm của nhà sản xuất, nhà quản lý và cả người tiêu dùng.
Khi nhà sản xuất, nhà quản lý và người tiêu dùng cùng quan tâm đến đảm bảo ATTP thì sẽ loại trừ những mối nguy gây hại cho giống nòi.
Bình luận (0)